Mô hình kinh tế Bỏ Phố Về Quê Nuôi Lợn

Bỏ Phố Về Quê Nuôi Lợn

Publish date Wednesday. September 25th, 2013

Mơ ước trở thành kỹ sư công trình thủy lợi, nhưng khi “giấc mơ” trở thành hiện thực với 5 năm kinh nghiệm và công việc ổn định ở thủ đô, Thái Đình Hải lại “bỗng nhiên” từ bỏ tất cả, trở về quê nuôi lợn. Câu chuyện về chàng trai trẻ “ngược đời” này đang chuẩn bị đi đến hồi... kết thúc có hậu.

Dám từ bỏ ước mơ để bắt đầu từ... thực tế

Trang trại lợn rừng của Hải nằm ở sát một triền đồi thấp thuộc xã Xuân Hồng, phía tây huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Năm dãy chuồng với hàng đàn lợn, con lớn con nhỏ lúc nhúc như quả dưa và những con lợn nái rừng đồ sộ. Bên cạnh là hai khu đất rộng chừng hơn 700 m2 để thả những con lợn trưởng thành “chạy nhảy”. Lọt thỏm giữa bốn bề là vườn chuối và các loại cây trái xanh um. Hải đứng cười hiền như một gã nông dân chính hiệu, đôi mắt nâu ấm áp lấp lánh niềm vui.

Hải nói: Khi tôi về đây, vùng này vẫn là một vùng đất hoang đồi trọc, lưa thưa cằn cỗi. Tôi gom tiền của người nhà, cộng với số vốn được cho vay ưu đãi theo lãi suất của nhà nước, đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín: xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thải ra vườn chuối, lấy chuối làm nguồn thức ăn chính cho đàn lợn rừng. Hệ thống biogas không chỉ giúp làm nguyên liệu chất đốt cho trang trại mà còn bảo đảm môi trường xanh sạch, an toàn. Điều tôi quan tâm là làm thế nào để phát triển kinh tế một cách bền vững: chăn nuôi đàn lợn bằng cách tận dụng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài vườn chuối xanh tốt này, tôi còn gây những ao bèo và trồng các loại rau màu khác quanh khu vực trang trại. Và chị thấy đấy, nơi này đã trở thành một vùng cây cối xanh tươi.

Nhìn Hải tự tin và tràn đầy phấn chấn hôm nay, ít ai nghĩ rằng chàng trai có vẻ ngoài chân chất và nồng hậu này lại từng có ý tưởng và quyết định “không giống ai”. Hải tâm sự, ban đầu khi vào học năm năm tại Khoa Công trình Đại học Thủy lợi là Hải đang thực hiện mơ ước trở thành kỹ sư công trình. Ra trường, năm năm ở lại Hà Nội, Hải có việc làm ổn định, có thu nhập khá. Nhưng rồi trong quá trình đi làm công trình thủy lợi, Hải đến rất nhiều nơi và thấy những mô hình chăn nuôi hiệu quả và... thú vị. Thú vị nhất là mô hình nuôi lợn rừng của các hộ dân ở Ba Vì (Hà Nội). Khi tận mắt nhìn ngắm đàn lợn rừng ở đây, trong đầu Hải nảy ra ý định về quê nuôi lợn rừng.

Thêm vào đó là thực tế khi đó thấy nhiều vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi về quê lại thấy nhiều thanh niên không có việc làm, trong khi đất đai bỏ hoang hóa rất nhiều.

Vậy là Hải quyết tâm nung nấu thực hiện ý tưởng của mình. Trước khi đi đến quyết định táo bạo, Hải bỏ công đến các nhà hàng, khách sạn và lọ mọ tìm hiểu cả nhu cầu tiêu thụ của người dân về thực phẩm lợn rừng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ lợn “sạch” là rất lớn, nhưng nguồn cung chưa đủ cầu.

Tìm được đầu ra chắc chắn, Hải lại đến Viện Chăn nuôi quốc gia để tìm hiểu về quy trình chăn nuôi và giống. Hải được các bác ở đây tận tình tư vấn, giúp đỡ. Đến tháng 9-2011, Hải quyết định mua 22 con giống lợn rừng thuần Việt và lợn rừng Thái-lan, trị giá gần 200 triệu đồng về nuôi, khởi đầu cho việc “biến ý tưởng thành hiện thực”.

“Những ngày đầu rất khó khăn, vì tôi hoàn toàn từ chỗ “chưa biết gì” mà bắt đầu “sự nghiệp”. Tôi rất biết ơn bác Sự (TS Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn Động vật Quý hiếm và đa dạng sinh học của Viện Chăn nuôi quốc gia), bác đã về đến tận đây để tìm hiểu điều kiện và tư vấn, hướng dẫn kỹ càng cho tôi về cách xây dựng chuồng trại, cách bảo quản thức ăn, rồi quy trình xử lý chất thải, phòng chống bệnh tật...”.

Từ chỗ chưa biết gì, đến nay Hải đã thành thục trong vai trò là một kỹ sư nuôi lợn. Anh thuộc tính nết của đàn lợn, nhìn lợn hằng ngày biết con nào khỏe con nào đau. Anh còn biết... đỡ đẻ cho lợn.

Hải tâm sự, cứ mải miết thế rồi, người yêu anh xa rời anh lúc nào không hay. Vì thấy anh quá đam mê đàn lợn trong khi người yêu lại không chịu nổi mùi. Thế là đành chia tay. Hải bảo, khi đó buồn lắm, nhưng rồi cũng phải coi đó là một sự hy sinh.

Trở về con đường truyền thống

Sau gần hai năm gây dựng trang trại lợn rừng, cho đến nay tổng số vốn đầu tư của Hải lên tới 1,5 tỷ đồng. Hiện trang trại có 25 con lợn nái sinh sản, ba con lợn đực giống, 50 con lợn thịt và 150 con lợn choai. Với giá bán khoảng từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg , cho đến nay, Hải đã ổn định đầu ra và nhiều lúc không đủ nguồn cung cho khách hàng. Doanh thu trong năm 2012 là 480 triệu đồng, trong đó anh bán được 40 con lợn giống và 120 con lợn thịt. Trừ đi mọi chi phí, Hải cho biết, tổng lãi thu được là 170 triệu đồng. Theo tính toán của Hải, năm 2013, tổng doanh thu có thể lên tới 830 triệu đồng, dự kiến lãi 290 triệu.

Hải mong muốn trong ba năm tới sẽ thực hiện chăn nuôi - tiêu thụ khép kín theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”. Với cảnh quan một vùng núi đồi sông nước, nằm cách TP Vinh khoảng 10km, Hải dự định làm du lịch - nhà hàng ngay tại trang trại.

Anh cho người đi học chế biến các món ăn một cách bài bản và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô trang trại như hiện nay, Hải không đủ cung cấp lợn giống và lợn thịt cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Chưa kể, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người tại Hà Nội và các địa phương khác cũng gọi điện đặt hàng lợn thịt chuyên chở đến tận nơi.

Vì thế, Hải dự định thầu thêm khu đồi rộng khoảng 10 nghìn m2 ở cạnh trang trại, dự kiến tuyển thêm nhân công, thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn tạo điều kiện cung cấp con giống, hướng dẫn chăn thả cho bà con trong vùng để tạo công ăn việc làm, đồng thời xây dựng các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vệ tinh phát triển chung quanh trang trại.

Đối với chàng trai có vẻ ngoài chân chất hiền hậu này, dường như mọi chuyện không đơn giản chỉ là... làm kinh tế. Hải tâm sự, làm trang trại này cùng những kế hoạch mà anh xây dựng trong tương lai, đều lấy căn bản từ một mong muốn: làm gì đó cho đời sống cộng đồng, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng và cải thiện môi trường cảnh quan ở quê hương. Làm kinh tế nhưng không chạy theo lợi nhuận và hủy hoại môi trường. Vì thế, anh xác định nguyên liệu tận dụng, tự trồng là chính và thu mua của bà con quanh vùng để thúc đẩy họ sản xuất.

Ngoài đàn lợn rừng ngày một đông đảo, Hải còn dự định phát triển thêm việc chăn nuôi gà đồi. Bởi theo anh, thịt lợn và thịt gà là hai nguồn thực phẩm truyền thống lâu đời của cha ông. Bây giờ do nhu cầu tiêu thụ cao, nhiều nơi sản xuất không được theo “truyền thống”, sử dụng thức ăn công nghiệp và chăn thả không đúng như trước nên chất lượng thịt giảm đi.

Vì thế, anh muốn bằng cách mà ông bà xưa đã làm: tự trồng rau nấu cám nuôi gà lợn nhưng là với quy mô lớn. Anh tuyệt đối không dùng thức ăn công nghiệp, không mua những loại thức ăn không bảo đảm nguồn gốc hoặc ôi thiu, ẩm mốc.

Ngoài việc kiểm soát nguồn thức ăn, Hải cũng chú trọng tạo không gian nuôi thả tự nhiên cho đàn lợn phát triển. Mỗi con lợn được thả ra ngoài môi trường tự nhiên (có giới hạn rào chắn) đều được đánh số cẩn thận nên dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng, kịp thời phát hiện dịch bệnh. Hải nói, anh tự đặt ra nguyên tắc là không chạy theo lợi nhuận trước mắt và vì sự phát triển bền vững lâu dài. Mục tiêu của anh là tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Với việc biến ý tưởng thành hiện thực và chiến lược phát triển lâu dài, Hải vừa được xét tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2013. Đó quả là một phần thưởng ghi nhận những nỗ lực của chàng trai trẻ với mong muốn phát triển phong trào chăn nuôi ở quê nhà.

* Từ chỗ chưa biết gì, đến nay Hải đã thành thục trong vai trò là một kỹ sư nuôi lợn.

* Làm kinh tế nhưng không chạy theo lợi nhuận và hủy hoại môi trường. Vì thế, anh xác định nguyên liệu tận dụng, tự trồng là chính và thu mua của bà con quanh vùng để thúc đẩy họ sản xuất.


Related news

328-ho-tham-gia-nuoi-heo-theo-mo-hinh-gahp 328 Hộ Tham Gia Nuôi… nuoi-vit-de-sieu-trung-dau-tu-dung-huong Nuôi Vịt Đẻ Siêu Trứng…