Mô hình kinh tế Bò Úc, Heo Châu Âu Và Nỗi Buồn Ngành Chăn Nuôi Trong Nước

Bò Úc, Heo Châu Âu Và Nỗi Buồn Ngành Chăn Nuôi Trong Nước

Publish date Saturday. August 30th, 2014

Một vế của câu chuyện đã không còn mới nữa khi mà thịt bò từ Úc đã ngập tràn các siêu thị, đã hiện diện thường xuyên hơn trong bữa ăn người dân, và đang tiếp tục lấn chiếm thị phần của bò chăn nuôi trong nước.

Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Bò, gà nhập khẩu: thì hiện tại

Chuyện bò Úc nhập khẩu cũng chưa hẳn là chuyện cũ, vì chỉ mới cách đây hai năm, có rất ít người dân được biết hương vị của nó ra sao do giá cả rất mắc vì tất cả đều được nhập khẩu dưới dạng thịt đông lạnh.

Nhưng từ năm 2012, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu bò nguyên con từ Úc, và rồi số lượng tăng chóng mặt. Năm 2013, số lượng bò nhập từ Úc đã lên đến 67.000 con, và chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, con số đã vọt lên 72.000, và dự kiến sẽ đạt 150.000 con trong năm nay.

Chuyện nhập khẩu bò Úc tăng vọt hoàn toàn do yếu tố thị trường, khi mà sản lượng chăn nuôi không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, trong khi giá bò Úc hầu như không chênh lệch so với giá thịt bò nội địa.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhu cầu trong nước lên đến 4.000 con bò mỗi ngày, và lâu nay Việt Nam vẫn phải nhập bò từ các nước lân cận theo kiểu “dắt qua biên giới” và nội địa hóa.

Người ta có thể lý giải việc ngành chăn nuôi bò nội địa thua cuộc trên sân nhà là do nhiều yếu tố bất khả kháng, từ việc thua sút về con giống, khoa học-kỹ thuật, cho đến những điều kiện tự nhiên như việc thiếu vắng những đồng cỏ mênh mông giúp giảm giá thành chăn nuôi.

Nhưng vẫn còn đó để suy ngẫm câu chuyện bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai đang phát triển đàn bò quy mô lớn ở Lào, mà theo ông Văn Đức Mười là người đã ký hợp đồng mua nguồn bò này từ Hoàng Anh Gia Lai thì giá cả sẽ cạnh tranh hơn so với bò nhập trực tiếp từ Úc. Theo ông Mười, giá thức ăn chăn nuôi là yếu tố quyết định.

Chuyện con gà nhập khẩu cũng tương tự. Giá cánh và đùi gà nhập khẩu, sau khi cộng với tất cả các loại thuế và phí, vẫn còn rẻ hơn rất nhiều - từ 5.000-10.000 đồng/ký tùy từng thời điểm - so với giá gà chăn nuôi trong nước. Trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu đến 43.000 tấn thịt gia cầm so với mức 78.000 tấn trong cả năm 2013.

Heo: thì tương lai gần

Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi trong nước luôn đứng ở mức cao, trên 52.000 đồng/ký, đảm bảo một mức lãi tương đối khá cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều là nếu không có những thay đổi căn cơ và nhanh chóng thì ngành chăn nuôi heo sẽ sớm đối mặt với những thách thức nghiêm trọng với số phận tương tự thịt bò và thịt gia cầm, do các hiệp định về thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho thịt heo từ châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước khác tràn ngập thị trường.

Có vẻ Liên hiệp châu Âu (EU) đang thể hiện quyết tâm này rõ nét nhất, khi vào đầu tháng 8-2014 đã tổ chức một chuyến đi tìm hiểu thị trường tại Ba Lan cho các nhà nhập khẩu thịt từ Việt Nam.

Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), trong chuyến tham quan tại Ba Lan từ ngày 4 đến 10-8, đã cho biết EU xác định Việt Nam là một thị trường mục tiêu cho chiến lược xuất khẩu thịt heo của châu Âu, bên cạnh Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Chiến lược này - đã bắt đầu từ tháng 7-2013 và sẽ kéo dài đến tháng 7-2016 - do EU tài trợ 50% kinh phí, 30% do chính phủ Ba Lan, và 20% từ các quỹ xúc tiến nông nghiệp và thực phẩm châu Âu, với mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo từ Ba Lan qua Việt Nam.

Ông Wieslaw Rozanski, chủ tịch UPEMI, tại buổi giới thiệu sản phẩm thịt heo ở Warsaw nhấn mạnh đến chất lượng và hương vị thịt heo châu Âu là yếu tố quyết định sẽ giúp sản phẩm này thâm nhập vào ba thị trường mục tiêu nói trên. Theo ông Rozanski, thịt heo sản xuất tại châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng có chất lượng cao, không sử dụng chất cấm, các loại hormon tăng trưởng, hay chứa dư lượng kháng sinh có hại.

Ông Văn Đức Mười của Vissan, thành viên trong đoàn tham gia chuyến đi, cũng thừa nhận rằng chất lượng thịt heo châu Âu cao hơn hẳn thịt heo sản xuất trong nước, vốn lâu nay bị ít nhiều tai tiếng do sử dụng một số chất cấm như hormon tăng trưởng, chất tạo thịt siêu nạc...

Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ các nước khác vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao do sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Tại Vissan, nơi có công suất giết mổ khoảng 3.000 con heo mỗi ngày, phần lớn lượng thịt được tiêu thụ dưới dạng tươi sống, “trong khi sáu nhà máy của chúng tôi đang thiếu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm chế biến”, ông Mười cho biết.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan, cũng cho rằng sớm hay muộn thì thịt heo Ba Lan cũng sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, do Ba Lan đang tìm cách tăng cường thương mại với Việt Nam. Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế giữa hai nước dự kiến sẽ được thành lập vào năm tới nhằm thúc đẩy giao thương.

Vấn đề còn lại, theo ông Mười, là giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở dĩ đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, là vì nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, đã ngưng nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan do lo ngại virus cúm heo (African Swine Fever) đã xuất hiện ở Ba Lan từ đầu năm nay. Việt Nam cho đến nay chưa cấm nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan, theo ông Mười, nhưng Ba Lan cũng cần phải làm việc với các cơ quan hữu quan Việt Nam trước khi có thể xuất khẩu thịt heo quy mô lớn vào Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam thường được đề cập như là một trụ đỡ cho nền kinh tế, trong đó ngành chăn nuôi có đóng góp đáng kể. Thế nhưng, chăn nuôi Việt Nam giờ đây lại đang đứng trước câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”.

Các chuyên gia chỉ ra rằng ngành chăn nuôi trong nước lệ thuộc quá lớn vào nguồn thức ăn nhập khẩu, với kim ngạch lên đến 3,6 tỉ đô la Mỹ năm 2013. Sự lệ thuộc này, cùng với việc thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn mức bình quân khu vực từ 10-15%, đã khiến cho sức cạnh tranh của sản phẩm kém. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong vòng hai năm qua, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỉ đồng.

Thêm vào đó, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn phát triển manh mún, hầu hết ở quy mô hộ gia đình, chỉ có 20% chăn nuôi công nghiệp, nên khó gia nhập và hình thành nên chuỗi giá trị.


Related news

cuon-rom-dich-vu-moi-cho-nghe-trong-lua Cuốn Rơm Dịch Vụ Mới… nguon-loi-thuy-san-de-tai-tao-kho-bao-ve Nguồn Lợi Thuỷ Sản Dễ…