Mô hình kinh tế Bùng Phát Dịch Lở Mồm Long Móng

Bùng Phát Dịch Lở Mồm Long Móng

Publish date Friday. July 18th, 2014

Những ngày gần đây, dịch lở mồm long móng tái bùng phát tại một số nơi của huyện Duy Xuyên khiến nhiều đàn gia súc bị nhiễm bệnh. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang nỗ lực dập tắt dịch bệnh lây lan.

Nguy cơ dịch lan rộng

Ông Nguyễn Văn Thống – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, cách đây vài ngày dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn bò của hộ ông Lê Văn Thành ở thôn Trung Phường.

Ngay sau đó, mầm bệnh tiếp tục lây lan sang đàn bò của ông Nguyễn Tấn Xí trú cùng thôn. Ông Thống nói: “Tính đến thời điểm này, tại thôn Trung Phường của xã Duy Hải đã có 8 con bò bị nhiễm dịch lở mồm long móng.

Qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân xuất hiện mầm bệnh nhiều khả năng là người dân mua bò từ nơi khác về thả nuôi nhưng chưa tiến hành tiêm phòng vắc xin và không thực hiện khâu kiểm dịch theo quy định”. Ngoài Duy Hải, những ngày qua tại thôn Trà Nam và Trà Đông của xã Duy Vinh cũng bùng phát bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Theo ngành thú y Duy Xuyên, hiện ở 2 thôn vừa nêu đã có 21 con bò của 11 hộ dân bị nhiễm dịch. Ông Nguyễn Văn Tôi – Phó Trưởng trạm Thú y huyện, nói: “Sở dĩ dịch xuất hiện ở thôn Trà Đông là do một hộ dân đưa bò mang mầm bệnh từ tỉnh Quảng Ngãi về nuôi. Còn tại thôn Trà Nam, có thể vi rút lở mồm long móng tái phát từ ổ dịch cũ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn 14 xã, thị trấn của Duy Xuyên có 13.983 con trâu bò và 44.723 con heo. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay tỷ lệ gia súc được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng ở huyện này đạt rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y Duy Xuyên cho biết, trong đợt 1 vừa qua tỷ lệ đàn trâu bò được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng chỉ đạt 70%, trong khi đó theo yêu cầu của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp Quảng Nam thì phải đạt tối thiểu là 80%.

Đáng nói hơn, trong tổng số 44.723 con heo thì có chưa đầy 1% được chích ngừa loại vắc xin này. Rõ ràng, với tỷ lệ tiêm phòng như vậy, thời gian tới nguy cơ vi rút gây bệnh lở mồm long móng lây lan nhiều nơi khác ở Duy Xuyên là rất cao…

Tập trung đối phó

Siết chặt kiểm soát, kiểm dịch

Để ngăn chặn bệnh lở mồm long móng lây lan trên diện rộng cũng như kìm hãm nguy cơ bùng phát một số loại dịch nguy hiểm khác trên vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh vừa yêu cầu cơ quan thú y và chính quyền các địa phương khẩn trương tăng cường, chấn chỉnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật.

Theo đó, UBND 18 huyện, thành phố cần chỉ đạo chính quyền cấp xã, các ngành chức năng siết chặt khâu kiểm soát và kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp vi phạm về kiểm dịch động vật.

Trước tình hình trên, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương ở huyện Duy Xuyên đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh để sớm kìm hãm và dập tắt sự phát tán của dịch lở mồm long móng.

Theo ông Nguyễn Văn Thống – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, ngoài việc siết chặt khâu chốt chặn, kiểm soát tại vùng đang bùng phát bệnh, những ngày qua xã đã tích cực tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch và duy trì thường xuyên công tác phun tiêu độc trên phạm vi rộng.

Bên cạnh việc trưng dụng nhiều máy bơm có động cơ để phun 24 lít hóa chất sát trùng Benkocid thì lực lượng thú y cơ sở của xã Duy Hải đã tổ chức tiêm phòng vắc xin khống chế dịch lở mồm long móng cho 164 con trâu bò ở các khu vực có nguy cơ tái phát bệnh.

Tại xã Duy Vinh, công tác phòng chống dịch cũng đang được các cơ quan có trách nhiệm triển khai. Ông Nguyễn Văn Tôi – Phó Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho biết, không chỉ khẩn trương tiêm phòng bao vây cho 150 con trâu bò ở thôn Trà Nam và Trà Đông, địa phương cũng vừa huy động tối đa nhân lực, phương tiện gấp rút phun 60 lít hóa chất Benkocid trên diện rộng nhằm nhanh chóng ngăn chặn vi rút gây bệnh lở mồm long móng lây lan.

Ông Tôi nói: “Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bệnh lở mồm long móng gây ra, ngay từ bây giờ người chăn nuôi và chính quyền các xã, thị trấn khác ở huyện Duy Xuyên cần phải chủ động đối phó với dịch.

Ngoài việc tích cực vận động người dân thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin bổ sung cho đàn gia súc thì lãnh đạo các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra và giao trách nhiệm cụ thể cho trưởng thôn, nhân viên thú y cơ sở trong việc giám sát để kịp thời xử lý những ổ dịch, không để mầm bệnh lây lan trên diện rộng”.


Related news

thieu-cay-giong-sam-ngoc-linh-do-sam-non-chet-hang-loat Thiếu Cây Giống Sâm Ngọc… ruong-ngap-ung-loi-do-thiet-ke Ruộng Ngập Úng, Lỗi Do……