Mô hình kinh tế Cá Bống Tượng Qua Rồi Thời Hoàng Kim?

Cá Bống Tượng Qua Rồi Thời Hoàng Kim?

Publish date Friday. June 28th, 2013

Hiện nay, huyện Cái Nước có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.

Những năm trước đây, chỉ một, hai ao nuôi cá bống tượng, không ít hộ gia đình đã ăn nên làm ra. Tận dụng diện tích mương vườn nuôi cá được các địa phương khuyến khích bà con nông dân thực hiện. Nuôi cá chình và cá bống tượng được xem là mô hình xoá đói giảm nghèo của nhiều địa phương.

Anh Nguyễn Văn Đen, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá bống tượng, cho biết, thời điểm thị trường còn ổn định, nuôi cá bống tượng hiệu quả sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với độc canh con tôm.

Từ năm 2012 đến nay, nghề nuôi cá bống tượng rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá”. Thị trường cá bống tượng bế tắc đầu ra, thừa cơ hội này thương lái tìm cách bắt chẹt, làm cho cá bống tượng rớt giá thê thảm, nhiều hộ nuôi cá phải lao đao.

Anh Nguyễn Thanh Hân là hộ có thâm niên trong nghề nuôi cá bống tượng với mức thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm nhờ con cá bống tượng. Vậy mà giờ đây, nuôi cá bống tượng trở thành gánh nặng của gia đình anh, bởi bán lúc này thì không nỡ mà nuôi tiếp đôi khi phải chịu lỗ.

Anh Nguyễn Thanh Hân vừa quyết định lên hầm, bán hơn 100 con cá bống tượng nhưng chỉ được hơn 8 triệu đồng, không bằng một nửa so với trước.

Theo tính toán của các hộ nuôi cá, để có được 1 kg cá bống tượng thương phẩm, nông dân phải đầu tư 10 kg thức ăn cộng với công chăm sóc… nên giá cá phải từ 350.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Thế nhưng, hiện tại giá cá loại 1 chỉ còn khoảng 190.000 đồng/kg. Giá sụt giảm, thương lái còn tìm cách chia cá ra nhiều cỡ để ép giá, thậm chí không chịu mua.

Thực trạng trên không chỉ gây khó khăn lớn cho bà con nông dân trong sản xuất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Hà Ngọc Sáu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho rằng, giá cá bống tượng sụt giảm mạnh là một mất mát lớn đối với xã Phú Hưng.

Thu nhập của nhân dân bị giảm sút, từ đó việc đóng góp sức dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các phần việc, tiêu chí thuộc về nội lực để thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2015 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, việc khắc phục khó khăn này vượt ngoài khả năng của xã. Trước mắt, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi đối tượng nuôi cho hợp lý, có biện pháp nuôi thưa và chọn thời vụ thích hợp; tránh rơi vào tình trạng “cung” vượt “cầu”. Đồng thời giữ lại nguồn cá giống để có điều kiện phục hồi nghề nuôi cá khi thị trường bình ổn.

Hơn lúc nào hết, nghề nuôi cá bống tượng của bà con nông dân huyện Cái Nước nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từ các ngành chức năng và cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là việc tìm kiếm đầu ra.


Related news

trong-thanh-long-ruot-do-cho-thu-nhap-cao Trồng Thanh Long Ruột Đỏ… chuyen-giao-khoa-hoc-ky-thuat-truc-tiep-den-nong-dan Chuyển Giao Khoa Học Kỹ…