Tin thủy sản Cá bớp bị bệnh lạ, loay hoay cách điều trị

Cá bớp bị bệnh lạ, loay hoay cách điều trị

Author THỦY TIÊN, publish date Monday. March 21st, 2016

Bệnh xảy ra ở nhiều vùng nuôi

Ông Đỗ Minh Hiệp ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, cho biết: Gia đình tôi có một bè nuôi cá bớp với 10 ô nuôi, mỗi ô khoảng 100 con. Từ trước tết đến nay, cá bị nhiễm bệnh và chết nhiều. Ban đầu, tôi phát hiện trong mang, mắt cá có những con bọ nhỏ li ti bằng hạt cát bò cắn cá. Vài ngày sau, mắt cá chuyển sang màu đỏ và mù, làm cá không ăn được. Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại bệnh này nên chưa có kinh nghiệm xử lý, khiến cá bị chết nhiều. Tính đến nay, bè cá của gia đình tôi đã có khoảng 300 con bị chết.

Tại bè nuôi của gia đình ông Huỳnh Trúc Nguyên cũng ở phường Xuân Yên, tình trạng cá bớp bị bệnh nặng nề hơn, số cá chết cũng nhiều hơn. Ông Nguyên cho hay: “5 ô nuôi cá bớp của gia đình tôi đều nhiễm bệnh làm cá chết rất nhiều. Đến nay có khoảng 2/3 cá bị chết, giờ chỉ còn được 120 con, nhưng số cá còn lại hầu như đều bị hỏng mắt”. Theo ông Nguyên, bình thường mỗi ô cá bớp khoảng 100 con, mỗi ngày ăn khoảng 20kg thức ăn, nhưng hiện tại cá chỉ ăn chưa đến 7kg. Với tình trạng này cá sẽ rất chậm lớn và có thể sẽ bị chết thêm vì đói.

Theo các hộ dân nuôi cá bớp ở TX Sông Cầu, chu kỳ phát triển của cá bớp từ khi thả giống đến khi thu hoạch mất khoảng 8 tháng, với chi phí nuôi khá cao. Cá bớp giống có giá dao động từ 26.000 - 40.000 đồng/con (tùy vào kích cỡ). Bình quân mỗi ô cá bớp (cỡ 1kg/con) sẽ tiêu tốn khoảng 15kg thức ăn/ngày, hiện giá thức ăn 16.000 đồng/kg. Tình trạng cá bớp bị chết nhiều như nay làm cho người nuôi thiệt hại nặng.

Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Yên, cho biết: Toàn phường có khoảng 83 hộ dân nuôi cá bớp với tổng số 285 ô nuôi, mỗi ô có khoảng 100 - 150 con. Từ trước tết đến nay, hầu hết các bè nuôi cá của địa phương đều xảy ra dịch bệnh làm cá chết, tỉ lệ cá bị bệnh và chết chiếm khoảng 50%.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, tình trạng cá bớp bị bệnh và chết xảy ra trên tất cả các vùng nuôi của thị xã, trong đó nhiều nhất là ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Phương và các phường Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên. Đến nay đã có khoảng 500 lồng nuôi cá bị bệnh, với tỉ lệ cá chết từ 10 - 30%.

Điều trị tạm thời

Sau khi dịch bệnh phát sinh, Trạm Thú y TX Sông Cầu đã kiểm tra và hướng dẫn người dân cách điều trị cho cá. Theo ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trạm Thú y TX Sông Cầu, qua kiểm tra nhận thấy hầu hết cá bớp bị chết đều có một số dấu hiệu ngoại quan, như: mắt cá chuyển màu đỏ, cầu mắt lồi ra ngoài, sau đó cá mù hẳn. Một số trường hợp còn thấy cá bị lở loét, xuất huyết ở khoang miệng, mang cá nhợt nhạt. Đây có thể do cá bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng.

“Thời gian qua, thời tiết diễn biến thất thường cũng khiến sức đề kháng của cá giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Trạm Thú y TX Sông Cầu đã hướng dẫn một số biện pháp xử lý, như: tắm cá bằng nước ngọt trong vòng hai phút, sau đó chuyển cá sang nước mặn có pha Iodine với nồng độ 100 - 150ppm và cho tắm trong một phút. Người nuôi nên tắm cá khoảng 10 ngày/lần và thực hiện liên tiếp 3 lần, sau đó định kỳ khoảng 30 - 45 ngày cho cá tắm một lần. Trong thời gian tới, thời tiết có thể sẽ tiếp tục diễn biến thất thường, vì vậy người nuôi không nên thả cá nuôi quá dày, cần đặt lồng nuôi ở vị trí thông thoáng, có lưu tốc dòng chảy tốt, thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá”, ông Đài khuyến cáo.

Theo ông Đỗ Minh Hiệp, sau khi được cán bộ thú y hướng dẫn, ông đã tắm cho cá theo đúng cách, đồng thời bổ sung thêm một số loại khoáng chất cho cá thì tình trạng cá chết đã giảm. Còn ông Huỳnh Trúc Nguyên cho hay: Mặc dù cá giảm chết nhưng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh cho cá nên rất lo lắng. Gia đình tôi vừa thả nuôi 1.000 con giống với chi phí gần 30 triệu đồng. Nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Vì vậy, chúng tôi mong ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả dịch bệnh này để hướng dẫn cho bà con.

Đây chỉ là những biện pháp xử lý tạm thời, vì đến nay vẫn chưa xác định được bệnh trên cá bớp và nguyên nhân gây bệnh. Hiện Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm cá bớp gửi xét nghiệm xác định bệnh tại Cơ quan Thú y Vùng 6 TP Hồ Chí Minh. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ có phác đồ điều trị cụ thể để hướng dẫn người dân cách điều trị và phòng bệnh cho cá bớp. (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Minh Phát)


Related news

co-hoi-nao-cho-tom-ca-tra-xuat-khau Cơ hội nào cho tôm,… hon-3-ty-dong-ho-tro-vu-ca-chet-o-an-giang Hơn 3 tỷ đồng hỗ…