Tin thủy sản Cá da trơn nước lợ - Lãi cao nhưng không dễ

Cá da trơn nước lợ - Lãi cao nhưng không dễ

Author Tích Chu, publish date Monday. December 24th, 2018

Đó không chỉ là nhận xét của người nuôi mà còn của cả cán bộ kỹ thuật chuyên ngành khi nói về khả năng phát triển nghề nuôi cá bông lau ở những vùng mặn, lợ của tỉnh Sóc Trăng. Và thực tế cũng cho thấy, dù mức lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng mỗi vụ nuôi, nhưng diện tích nuôi cá bông lau của Sóc Trăng hiện chỉ mới dừng lại ở mức trên dưới vài chục hécta.

Thu hoạch cá bông lau ở Cù Lao Dung. Ảnh: Tuyết Xuân

Năm nay là năm đầu tiên anh Lâm Thành Lâm, ở xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) thả nuôi cá bông lau trên diện tích khoảng 2.000m2. Hôm chúng tôi đến, ao cá của anh đã nuôi được 9 tháng và theo anh trọng lượng bình quân mỗi con đã đạt khoảng 700 - 800gr, nhưng khi chúng tôi đề nghị anh chài cá lên xem thì anh lắc đầu, phân trần: “Không phải là tôi mê tín dị đoan gì đâu mà tại vì loại cá này vốn rất nhát, mỗi khi ao nuôi có động tĩnh gì là chúng bỏ ăn vài ngày, thậm chí có khi đến nửa tháng”.

Giải thích thêm về hiện tượng trên, theo anh Lâm, có lẽ do nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên nên tính hoang dã của chúng vẫn còn, khiến chúng khó “gần gũi” với con người. Anh Lâm chia sẻ: “Cứ mỗi lần thay nước hay mưa lớn bất thường là chúng lại bỏ ăn, còn nếu mình chài, chúng thường bị hoảng, nhẹ thì bỏ ăn, còn nặng thì chúi đầu xuống ao và chết”.

Hiện nay, nguồn giống cá bông lau nhân tạo đã có và giá cũng thấp hơn cá giống tự nhiên, nhưng vì sao người nuôi không sử dụng để dễ nuôi hơn? Về vấn đề này, theo anh Lâm là do giá mua cá thương phẩm được nuôi từ nguồn cá giống tự nhiên cao hơn nguồn nhân tạo đến cả chục ngàn đồng mỗi ký. Anh Lâm cho biết: “Theo các thương lái thì cá giống nhân tạo nuôi lên thương phẩm có chất lượng không cao bằng cá giống tự nhiên do chúng không thuần chủng. Còn lý do vì sao cá giống nhân tạo không thuần chủng, theo các thương lái là có sự ghép đôi bố mẹ giữa cá bông lau với con cá tra vùng nước ngọt”.

Năm nay, do nguồn con giống tự nhiên khá dồi dào, nên giá cá bông lau giống tự nhiên sau khi vèo khoảng 2 tháng đạt kích cỡ 100 con/kg giá chỉ 8.000 đồng/con, trong khi giá cá giống nhân tạo là 7.800 đồng/con. Giá cá giống thấp, diện tích thả nuôi cũng không nhiều nhưng giá cá thương phẩm lại có phần sụt giảm so với năm ngoái. Anh Lâm cho biết thêm: “Giá cá bông lau loại 1 - 1,2kg/con hiện tại chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá trung bình 100.000 – 110.000 đồng/kg, có lúc cao nhất lên đến 130.000 đồng/kg”.

Tương tự cá bông lau, con cá dứa cũng bắt đầu được người dân quan tâm đưa vào nuôi nhờ nguồn con giống tự nhiên khá nhiều và cá thương phẩm cũng rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, để phát triển loài cá này lên diện tích lớn là không dễ, bởi theo anh Võ Điền Trung Dũng - chủ trang trại chuyên nuôi các loài cá nước lợ ở Trần Đề, con cá dứa có sức đề kháng rất thấp nên rất dễ nhiễm bệnh và cũng rất chậm lớn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, tập trung tại một số thành phố lớn, nên không dễ để phát triển lên diện tích lớn. Anh Dũng cho biết: “Tuy có giá trị cao và thích nghi tốt với điều kiện nuôi vùng mặn lợ của tỉnh, nhưng sản phẩm cá dứa lại rất kén người tiêu dùng do giá cao. Vì vậy, ngoài vấn đề dịch bệnh ra muốn phát triển diện tích nuôi cá dứa cao hơn nữa cần kết nối được với thị trường tiêu thụ, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng “trúng mùa, thất giá” như một số mặt hàng nông sản khác”.

Một vấn đề khác hạn chế sự phát triển của cá dứa lẫn cá bông lau chính là chi phí đầu tư khá cao và thời gian nuôi kéo dài, dù mật độ thả nuôi thấp hơn rất nhiều so với con cá tra vùng nước ngọt. Anh Lâm giải thích thêm: “Do cá bông lau và cá dứa không có bộ phận hô hấp từ khí trời như cá tra nên nhu cầu ôxy hòa tan trong ao nuôi phải đủ lớn. Do đó, mật độ thả nuôi đối với 2 loại cá này không thể cao như cá tra được mà chỉ khoảng 2 - 3 con/m2. Ở mật độ này, người nuôi vẫn phải chạy quạt ôxy thường xuyên mới đảm bảo lượng ôxy hòa tan giúp cá phát triển nhanh”.

Theo Ths. Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, diện tích ao nuôi cá dứa, cá bông lau của tỉnh chủ yếu tập trung ở TX. Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú theo hình thức tận dụng một số ao nuôi tôm sẵn có là chính, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, khi phát triển lên diện tích lớn, người nuôi cần chú ý đến các bệnh như: gan, thận mủ; bệnh ký sinh trùng và bệnh tuột nhớt. Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm tra độ pH trong ao hàng ngày, đặc biệt là ôxy cần được đảm bảo trên 4ppm/l; cho ăn theo lượng từ thiếu đến đủ, tránh dư thừa thức ăn; tẩy giun hàng tháng cho cá theo liều hướng dẫn của đơn vị sản xuất.


Related news

nuoi-tom-nghich-vu-don-tet Nuôi tôm nghịch vụ đón… ky-thuat-nuoi-ca-ho-thuong-pham Kỹ thuật nuôi cá hô…