Mô hình kinh tế Cá Đồng Lên Ngôi Ở Cà Mau

Cá Đồng Lên Ngôi Ở Cà Mau

Publish date Monday. March 25th, 2013

Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân. 
Cá trả ơn người

Mùa cá đồng năm nay, nông dân ở các vùng ngọt hoá của tỉnh đã bội thu cả về sản lượng và giá trị bán ra trên thị trường. Nhiều hộ thu nhập hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có người thu về cả tỷ đồng từ cá đồng. 
Chúng tôi quyết định tìm về “vương quốc” cá đồng ở các xã thuộc vùng ngọt hoá của các huyện Trần Văn Thời, U Minh để chia sẻ niềm vui của những người nông dân quyết tâm bám ruộng, bám vườn và một lòng thuỷ chung với con cá. 
Tiếp chúng tôi bên tách trà đặc, ông Trần Văn Thanh, 48 tuổi, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cười tươi rói, cho biết: “Năm nay cá bổi được mùa, giá lại cao nên người nuôi cá phấn khởi lắm. Gia đình tôi có 1,6 ha đất, tôi cải tạo 800 m2 thành ao nuôi cá, còn lại lên liếp trồng màu. Vụ vừa rồi tôi thu về trên 500 triệu đồng. Trong đó, thu nhiều nhất từ cá bổi”. 
Nhờ chí thú làm ăn và chịu khó học hỏi, từ một nông dân nghèo nhất xóm đến nay ông Thanh không chỉ trả lại sổ hộ nghèo mà còn phất lên như một tỷ phú nông dân. Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông bằng cái tên trìu mến “Út cá bổi”. 
Nhờ vào những thành công trong nghề nuôi cá đồng mà ông Trần Văn Thanh được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận nông dân đạt danh hiệu Nông dân điển hình tiên tiến sáng tạo năm 2011. Mộng làm giàu của ông không dừng lại ở đó. 
Ông Thanh cho biết: “Bây giờ nông dân mình làm gì cũng phải học hỏi và tiếp cận thị trường chứ không thể làm sao ăn vậy, trông chờ vào vận may như trước đây nữa. Tôi đang ấp ủ dự định sẽ đăng ký thương hiệu “Cá bổi Út Thanh” để mở rộng thị trường cho con cá của mình”. 
Hiện Khánh Hưng là một trong những xã có diện tích nuôi cá đồng lớn nhất của huyện Trần Văn Thời và những người phất lên từ con cá như ông Thanh cũng không hiếm. 
Ông Lê Thanh Nhì, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng, khẳng định: “Mô hình nuôi cá của ông Trần Văn Thanh đang được xã nhân rộng, xem như một trong những biện pháp xoá đói giảm nghèo cho bà con. Năm 2011 xã đã nhân rộng mô hình nuôi cá đồng cho nhiều nông dân ở các ấp Kinh Đứng A và Bình Minh 2. Có 35 hộ nuôi thành công, vươn lên thoát nghèo". 
Mô hình bền vững

Không chỉ nuôi cá bổi thương phẩm, nhiều nông dân nuôi cá đồng tự nhiên theo kiểu truyền thống vụ vừa rồi cũng thắng lớn. Ông Ngô Chí Công, ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: “Gia đình tôi chỉ có hai ao nhỏ mà mùa hạn này cũng tát bán được trên 10 triệu đồng”. 
Cũng chung niềm vui đó, ông Phạm Trọng Nhân, xã Khánh Bình Tây Bắc, bộc bạch: “Nuôi cá tự nhiên không tốn nhiều công sức và chi phí nhưng thu nhập ổn định. Gia đình tôi mỗi năm thu về trên 10 triệu đồng từ nuôi cá. Ở đây, ngoài nuôi cá bổi thương phẩm, người dân vẫn nuôi cá tự nhiên như một cách kiếm thêm thu nhập sau mùa lúa”. 
Ông Duy Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Toàn huyện có 128,5 ha nuôi cá nước ngọt thâm canh. Hiện đã thu hoạch 118,5 ha, chủ yếu cá bổi, diện tích 10 ha, còn lại đang tiếp tục nuôi. Hiện người dân đang tập trung cải tạo ao trên diện tích đã thu hoạch chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Thu nhập của bà con năm nay khá hơn do cá được mùa và được giá”. 
Không chỉ huyện Trần Văn Thời mà nhiều nơi khác của vùng ngọt hoá cũng trúng đậm mùa cá đồng. Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, năm nay nông dân vùng rừng tràm U Minh Hạ thu hoạch cá đồng hiệu quả rất cao. Nhiều loại cá như: cá lóc, cá bổi, cá trê… giá tăng cao nên nông dân thu nhập đáng kể. 
Theo ước tính của ngành chức năng, tổng sản lượng khai thác cá đồng của nông dân năm nay trên 300.000 tấn, tăng hơn 7.000 tấn so với năm vừa qua. Toàn tỉnh có khoảng 1.200 hộ nuôi cá nước ngọt, ước tính thu nhập bình quân mỗi hộ hàng chục triệu đồng; cá biệt có nhiều hộ có mức thu từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. 
Hiện toàn tỉnh có trên 250.000 ha nuôi cá đồng, tập trung chủ yếu ở vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tỉnh cũng đã xây dựng thương hiệu cho con cá đồng để nâng cao giá trị, duy trì và phát triển bền vững nghề truyền thống.


Related news

nong-dan-kha-len-nho-nuoi-ca-bong-tuong-o-hong-dan-bac-lieu Nông Dân Khá Lên Nhờ… trang-bai-ngheu-o-tan-thanh-tien-giang “Trắng” Bãi Nghêu Ở Tân…