Mô hình kinh tế Cà Mau Bùng Phát Dịch Bệnh Trên Trà Lúa Hè Thu

Cà Mau Bùng Phát Dịch Bệnh Trên Trà Lúa Hè Thu

Publish date Monday. July 7th, 2014

Đến thời điểm này toàn tỉnh Cà Mau đã xuống giống dứt điểm trà lúa hè thu với hơn 36.600 ha. Tuy nhiên, sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cùng với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác đã và đang khiến lúa bị ảnh hưởng khá nặng.

Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Cà Mau Nguyễn Út Em cho biết, hiện dịch bệnh trên lúa xuất hiện khá nhiều, nhất là bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá, ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, gây thiệt hại một số nơi. Mặt khác, do người dân nôn nóng, phun trừ sâu bệnh không đúng cách nên làm diện tích lúa bị ảnh hưởng khá lớn.

Tác động kép

2.250 ha lúa hè thu của huyện Thới Bình hầu như đều nằm trong giai đoạn 30-50 ngày tuổi. Hiện diện tích thiệt hại ước khoảng 260 ha. Tân Lộc Bắc là xã bị ảnh hưởng khá lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai cho hay: “Tình hình dịch bệnh lúa hè thu trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp. Dù đã được phòng trừ hơn nửa tháng nay mà vẫn chưa thuyên giảm, đang khiến cho người dân lo lắng vô cùng”.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảo, ấp 9, xã Tân Lộc, bị thiệt hại khoảng 50% diện tích lúa. Ông Bảo thở dài: “Giờ nông dân chúng tôi không biết làm thế nào nữa, đã phun xịt 4 lần trên diện tích 2 ha, tốn hơn 2 triệu đồng mà vẫn chưa thấy hiệu quả.

Một số hộ xung quanh cũng chung tình trạng như vậy”. Thê thảm hơn ông Bảo, mảnh ruộng 1,4 ha của ông Nguyễn Văn Á cặp bên đã chết trắng vì dịch bệnh.

Ðược biết, không chỉ do ảnh hưởng của thời tiết khiến các trà lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn mà sự “tác động kép” của vấn đề nhiễm phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ do cải tạo đất không kỹ đã khiến cho công tác phòng trừ càng trở nên khó khăn hơn.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình, cho biết: “Ðây là giai đoạn khó khăn cho người nông dân, khi dịch bệnh bùng phát, thời tiết cứ mưa liên tục khiến cho việc phun xịt thuốc phòng trừ không hiệu quả. Mặt khác, nhiều cánh đồng xuất hiện phèn “áo” bộ rễ cây lúa không thể hấp thu dinh dưỡng được”.

Các giống lúa mà bà con nông dân sử dụng đều nhiễm bệnh: OM 6976, OM 5451... Ông Lý Huỳnh Khương, nông dân ấp 7, xã Tân Lộc, than: “2 ha lúa của gia đình tôi lúc đầu cũng phát triển khá tốt, được 20-25 ngày tuổi thì nhiễm bệnh đạo ôn rồi sâu cuốn lá. Ðã tiêu tốn hơn 2 triệu đồng tiền thuốc trong vòng 30 ngày nay mà tình hình càng phức tạp hơn. Năm nay, nông dân làm lúa thì làm chứ không có lời, vì chi phí bỏ ra cho phòng trừ dịch bệnh quá nhiều rồi”.

Cần tăng cường phòng trừ

Ðược biết, đạo ôn xuất hiện khi ẩm độ cao và bào tử nấm sẽ phát tán theo dòng nước, gió và sương. Do vậy, khả năng lây nhiễm rất lớn nếu như không có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ðiều đáng lo ngại hơn hết là các trà lúa đang giai đoạn làm đòng, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ chuyển sang đạo ôn cổ bông, gây lem lép hạt và năng suất thấp sẽ không là chuyện lạ.

Mặt khác, khi bà con nông dân phun xịt quá nhiều lần sẽ khiến cho những thiên địch có lợi trên lúa chết đi và nguy cơ bùng phát rầy trong thời gian tới.

Ông Út Em khuyến cáo, nông dân không nên nóng vội trong việc phòng trừ, phun quá nhiều lần thuốc sẽ khiến lá bị rụi hết, cần phun xịt theo nguyên tắc 4 đúng. Theo đó, người dân cần thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, kết hợp vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối giữa N-P-K.

Khi phát hiện bệnh mới xuất hiện, cần ngưng ngay việc bón phân urê, phân bón qua lá và sử dụng một trong các loại thuốc hoá học phòng trừ với liều lượng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.


Related news

hieu-qua-tu-mo-hinh-tham-canh-keo-tai-tuong Hiệu Quả Từ Mô Hình… lua-chon-giong-rau-mau-canh-tac-trong-mua-mua Lựa Chọn Giống Rau Màu…