Mô hình kinh tế Cá Ngừ Đại Dương Được Mùa, Được Giá

Cá Ngừ Đại Dương Được Mùa, Được Giá

Publish date Thursday. December 4th, 2014

Thời điểm này, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định hành nghề khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) đã cập bến để bán sản phẩm. Đáng chú ý là sản lượng CNĐD khai thác đạt khá, sản phẩm bán với giá cao, nên ngư dân rất phấn khởi.

Niềm vui đầu mùa

Có mặt tại cảng cá Quy Nhơn vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12, chúng tôi hòa vào niềm vui của ngư dân với những chiếc tàu cập bến, mang về cá nặng đầy khoang, kẻ bán người mua nhộn nhịp, không khí lao động rất khẩn trương.

Ông Cao Văn Sơn, ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu BĐ 95961 TS cùng với 16 thuyền viên vừa bán cá xong đã sắm “tổn”, mở chuyến biển mới. Ông Sơn cho biết: “Chỉ 10 ngày bám biển, chúng tôi đã khai thác được gần 2 tấn CNĐD.

Chuyến biển ngắn, sản lượng và giá bán sản phẩm khá cao (110 ngàn đồng/kg), trong khi đó giá xăng dầu giảm mạnh, nên đã giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thuyền viên trên tàu được chia trên 4 triệu đồng, ai cũng phấn khởi. Sắm “tổn” xong chúng tôi tiếp tục ra khơi ngay”.

Vừa cập bến để bán sản phẩm sau hơn 20 ngày đánh bắt cá trên biển, tàu của ông Nguyễn Quê, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) cũng đã khẩn trương lấy lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước đá… để trở lại ngư trường. Ông Quê thổ lộ: “Chuyến vừa rồi, tàu cá BĐ 96776 TS của tôi đã khai thác được 53 con CNĐD, tổng sản lượng gần 3 tấn.

Cá đã bán cho Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định với giá từ 94.000 đến 115 ngàn đồng/kg. Thời điểm này, mở biển hiệu quả hơn, do giá xăng dầu đang giảm mạnh, trong khi nước biển mát, cá ngừ xuất hiện nhiều. Làm ăn thuận lợi, cả chủ và thợ bạn đều quyết tâm mở chuyến biển mới ngay”.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 tàu cá công suất lớn hành nghề câu mực kết hợp câu CNĐD và nghề vây ánh sáng kết hợp câu CNĐD, cùng 500 tàu khác chuyên nghề câu CNĐD đã ra khơi.

Ngư trường chính khai thác CNĐD chủ yếu là khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Từ cuối tháng 11 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 tàu khai thác CNĐD của ngư dân trong tỉnh cập bến, bình quân mỗi tàu khai thác được 1,5 tấn sản phẩm.

Không chỉ ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ, các cơ sở hậu cần nghề cá hiện cũng đang tất bật với công việc của mình. Tất cả các điểm thu mua CNĐD ở cảng cá Quy Nhơn đều mở cửa, mua sản phẩm, rồi cấp tốc chở đi giao ngay cho khách hàng.

Những cây xăng, nhà máy sản xuất nước đá hoạt động liên tục, khẩn trương phục vụ cho những chiếc tàu nhanh hướng mũi ra khơi. Tàu cập cảng, cấp tốc chuyển cá lên cân; tiếp theo là nước đá, dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm nhanh chóng được chuyển xuống tàu, và tàu lại tiếp tục hải trình bám biển khơi xa.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Nhờ được đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu của ngư dân, nên số lượng tàu cá cập cảng để bán sản phẩm và lấy “tổn” ngày càng nhiều, nguồn thu từ dịch vụ hậu cần nghề cá nhờ đó cũng tăng đáng kể”.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển

Nhằm giúp ngư dân khai thác thủy sản đạt hiệu quả, năm 2014, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tranh thủ ra khơi khai thác thủy sản (KTTS) đạt kế hoạch đề ra; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, ngư đội liên kết bám biển khai thác, đánh bắt.

Đến nay, ngư dân trong tỉnh đã thành lập được 318 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với tổng số 1.144 tàu cá tham gia; mỗi tổ, đội có từ 4 - 6 tàu cá. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội đoàn kết nhiều nhất, gồm 217 tổ, đội với 712 tàu; chủ yếu là các tàu khai thác, đánh bắt CNĐD, câu mực; huyện Phù Mỹ có 47 tổ, đội với 191 tàu;

TP Quy Nhơn có 29 tổ, đội với 96 tàu; Phù Cát có 25 tổ, đội với 145 tàu. Qua việc thành lập các tổ, đội đã giúp ngư dân KTTS đạt hiệu quả cao hơn; đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển; góp phần bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân KTTS theo tinh thần QĐ 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiếp nhận 5.998 hồ sơ tàu cá đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, máy HF, bảo hiểm tàu cá của ngư dân, trong đó có 4.263 hồ sơ đạt yêu cầu đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền 159 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngư dân ở các địa phương ven biển có điều kiện đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu cá để tham gia KTTS tại các vùng biển xa; tăng sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngư dân tỉnh ta đã khai thác được 190 ngàn tấn thủy sản các loại, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8.600 tấn CNĐD, tăng 6,7%.

Hiện nay, bên cạnh việc vận động ngư dân bám biển, chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần QĐ 48/2010 và NĐ 67/2014 của Chính phủ, đồng thời xây dựng dự án mô hình thí điểm khai thác, thu mua và xuất khẩu CNĐD theo chuỗi, trình UBND tỉnh phê duyệt, đưa vào thực hiện nhằm tăng sản lượng và giá trị sản phẩm CNĐD, tăng thu nhập cho ngư dân”.

Nguồn bài viết: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=32336


Related news

ung-dung-vietgap-trong-nuoi-trong-thuy-san-dieu-kien-can-du-va-cap-thiet Ứng Dụng VietGAP Trong Nuôi… san-luong-nuoi-trong-thuy-san-o-binh-thuan-uoc-dat-14-600-tan Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy…