Tin thủy sản Cả nước cùng đồng hành

Cả nước cùng đồng hành

Author Phạm Thu, publish date Tuesday. March 7th, 2017

Ngay sau công văn của Bộ NN&PTNT về vấn đề giải quyết dứt điểm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, nhiều tỉnh, thành cũng tích cực vào cuộc.

Trong ảnh: Nuôi tôm theo công nghệ sinh học được nhiều địa phương áp dụng     Ảnh: Minh Triết 

Chỉ tiêu rõ ràng

Ngày 17/1/2017, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chung, kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”, kiểm soát chặt chẽ công đoạn có nguy cơ, nguy cơ cao trong quá trình sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn có xác nhận của người tiêu dùng. Theo đó, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi xuống 15 - 20% so năm 2015. Phấn đấu trên 50% cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT; 100% diện tích nuôi nghêu được kiểm soát thu hoạch; 80% tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV trở lên được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm...

Tại Thanh Hóa, ngày 20/2, UBND tỉnh này cũng ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo chuyển biến mạnh mẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản. Đồng thời, giảm 10% so năm 2016 về tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản…; 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn có xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng; phấn đấu 15% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận…

Tích cực thực hiện

Với các chỉ tiêu đặt ra, các tỉnh, thành đều có những chương trình hành động cụ thể, tuy nhiên, việc thực thi như thế nào mới thực sự được quan tâm. Bởi như trong chăn nuôi, mặc dù cả hộ nuôi và địa phương đều ký cam kết chăn nuôi sạch, không sử dụng chất cấm, hơn nữa chăn nuôi áp dụng theo quy chuẩn VietGAP, thế nhưng, qua kiểm tra vẫn phát hiện lô heo nuôi (hơn 80 con) của một hộ có Salbutamol, chất tăng trọng đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Đấy là một điển hình để nói lên việc quyết tâm của các cấp ngành là rất cần thiết, tuy nhiên, quan trọng hơn là phải là việc chỉ đạo thực thi sát sao của các đơn vị thực hiện, để từ chính sách đến thực tế được nhanh nhất và nhất thiết phải có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh ở đây là ý thức của người sản xuất, kinh doanh; cần phải xây dựng cho họ sự tự giác thực hiện, chăn nuôi vì lợi nhuận nhưng cũng vì sức khỏe cộng đồng; có như vậy mới có thể giảm được tình trạng xấu.

Với riêng thủy sản, ý thức tự giác không chỉ liên quan có vậy, mà nó còn là hình ảnh quốc gia. Bởi, thủy sản Việt Nam không chỉ tiêu thụ trong nước, mà phần lớn dành cho xuất khẩu, nhất là con tôm đang ngày có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới và đang trên tiến trình hình thành thương hiệu quốc gia. Chỉ cần một thị trường lên tiếng, những địa phận khác cũng ít nhiều biến động.

Đây cũng là lý do mà trong chương trình hành động thì khâu thông tin tuyên truyền luôn được chú trọng. Điểm mấu chốt, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông về các địa điểm cung cấp sản phẩm an toàn và địa điểm cung cấp sản phẩm không an toàn đến người tiêu dùng. Có chặt chẽ, có công khai thì mới có hy vọng cho một sự “trong sạch” toàn diện.

>> Một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thanh, kiểm tra, như: Có trọng tâm, không thực hiện theo kế hoạch mà đột xuất; phối hợp giữa các lực lượng, trong đó chú trọng lực lượng công an; đồng thời xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.


Related news

ca-tra-khoi-duyen-dau-nam Cá tra “khởi duyên” đầu… he-thong-nuoi-tom-tuan-hoan-tai-panama Hệ thống nuôi tôm tuần…