Mô hình kinh tế Cà Phê Chứng Nhận Tìm Đầu Ra Thông Thoáng

Cà Phê Chứng Nhận Tìm Đầu Ra Thông Thoáng

Publish date Friday. December 5th, 2014

Những tháng đầu niên vụ cà phê 2014/2015, người trồng cà phê yên tâm hơn so với vụ trước nhờ giá cà phê tăng cao. Tuy vậy, việc tiêu thụ cà phê trong niên vụ này vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là với cà phê có chứng nhận bền vững

Giá tăng đầu vụ

Theo TS Trần Công Thăng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), đầu vụ cà phê 2014/2015, giá cà phê đang có diễn biến khác quy luật. Cụ thể, nếu như trước đây, khi vào vụ mới, giá cà phê thường giảm, thì ngược lại, giá cà phê trong nước và giá cà phê XK đều đang tăng.

Những thông tin từ các tỉnh trồng cà phê trọng điểm ở Tây Nguyên cho thấy, dù giá cà phê vẫn biến động bất thường, lúc tăng, lúc giảm, nhưng đang ở mức khá tốt. Cụ thể, đầu tháng 12, giá cà phê nhân xô ở Đăk Lăk và Gia Lai là 40.900đ/kg, Đăk Nông 41.100đ/kg và Lâm Đồng 40.500đ/kg. Giá cà phê XK hiện đang ở mức khoảng 2.006 USD/tấn (trừ lùi 60 USD/tấn). Những mức giá này đều cao hơn nhiều so với đầu niên vụ 2013/2014. Bởi theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tháng 11/2013 là thời điểm giá cà phê của niên vụ 2013/2014 xuống thấp nhất khi giá trung bình trong tháng chỉ đạt 30.700đ/kg, còn giá XK trung bình chỉ đạt 1.521 USD/tấn (FOB).

Giá cà phê đang khá tốt, một phần có thể do khả năng sản lượng cà phê sẽ giảm ở những nước sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng. Riêng ở Việt Nam, theo dự báo của IPSARD, diện tích cà phê niên vụ này sẽ vào khoảng 626.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn (niên vụ trước đạt sản lượng 1,289 triệu tấn). Tuy nhiên, theo thông tin từ một số địa phương, nhiều diện tích cà phê trong niên vụ 2014/2015 sẽ giảm mạnh năng suất.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, trong niên vụ 2014/2015, diện tích cà phê cho sản phẩm ở tỉnh này vào khoảng trên 190 ngàn ha, sản lượng dự kiến khoảng 420.000 tấn. Nhưng do hạn hán, gần 5.000 ha cà phê ở Đăk Lăk đang có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ về năng suất nên nhiều diện tích cà phê ở tỉnh này có thể bị giảm năng suất tới 30-40%.

Tìm đầu ra cho cà phê chứng nhận

Theo ông Lê Văn Bằng, Trưởng đại diện Hiệp hội 4C tại Việt Nam, đến tháng 10/2014, đã có trên 170 ngàn ha cà phê ở nước ta có chứng nhận 4C, với sản lượng được chứng nhận 4C là 614.086 tấn. Còn theo ông Nguyễn Văn Thiết (UTZ Certified Việt Nam), trong niên vụ 2014/2015, sản lượng cà phê có chứng nhận UTZ sẽ đạt 195.412 tấn.

Điều đáng ghi nhận là sản lượng cà phê có chứng nhận được tiêu thụ (với tư cách là cà phê có chứng nhận bền vững) đang tăng khá nhanh. Chẳng hạn, với cà phê có chứng nhận UTZ, đến hết tháng 11 năm nay, đã có 64 ngàn tấn được tiêu thụ, tăng khá nhiều so với mức 49 ngàn tấn trong cả năm ngoái.

Dự kiến đến hết năm nay, sẽ có khoảng 68 ngàn tấn cà phê UTZ được tiêu thụ và trong năm 2015, sản lượng cà phê UTZ được tiêu thụ sẽ vào khoảng 90 ngàn tấn.

Tuy nhiên, nếu so với tổng sản lượng cà phê đã được chứng nhận, thì lượng cà phê có chứng nhận đã được tiêu thụ vẫn rất thấp. Ông Thiết cho biết, nguyên nhân quan trọng là do sự tăng trưởng thị trường đầu ra không kịp so với tăng trưởng về chứng nhận đầu vào. Cụ thể, trong những năm qua, chứng nhận đầu vào đã tăng tới 100%, trong khi sự phát triển thị trường lại chỉ tăng 35%. Đây là một thực trạng chung của cà phê chứng nhận trên thế giới.

Bởi hiện nay, trên thế giới có nhiều chứng nhận bền vững khác nhau cho cà phê, nhưng sản lượng cà phê có chứng nhận được tiêu thụ đều chưa cao. Khá nhất là chứng nhận Organic thì lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt trên 50%. Ở những chứng nhận khác, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng trên dưới 30%. Số cà phê có chứng nhận còn lại vẫn đang được tiêu thụ như cà phê không có chứng nhận.

Một số nguyên nhân khác cũng đang làm cho cà phê chứng nhận vẫn khó tiêu thụ là chất lượng tập huấn của nông dân chưa cao, khiến cho giá trị mang lại chưa đúng thực chất, năng lực thương mại của các đơn vị chứng nhận cũng chưa cao…

Về điều này, ông Nguyễn Tấn Trung, nông dân ở Di Linh (Lâm Đồng), đã thẳng thắn cho biết rằng, hiện nay đang có tình trạng nhiều nông dân đang trộn lẫn các sản phẩm có chứng nhận khác nhau, dẫn tới sự chồng chéo, khiến cho sản lượng cà phê có chứng nhận trên thực tế không cao so với thống kê của các tổ chức chứng nhận. Mặt khác, do sự lỏng lẻo trong quản lý của một số đơn vị chứng nhận nên đang dẫn tới tình trạng làm ăn gian dối ở nhiều hộ nông dân, khiến cho chất lượng không đảm bảo ở nhiều sản phẩm cà phê có chứng nhận.

Chính vì vậy, trong niên vụ 2014/2015, thay vì đẩy mạnh việc gia tăng sản lượng có chứng nhận như thời gian qua, các tổ chức chứng nhận sẽ tập trung vào củng cố chất lượng của số cà phê đã được chứng nhận, đồng thời đẩy mạnh công tác thương mại cho cà phê có chứng nhận. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị được chứng nhận, kết nối nhà sản xuất với các tổ chức hỗ trợ bền vững trên toàn cầu để nâng cao chất lượng tập huấn cho nông dân…

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/ca-phe-chung-nhan-tim-dau-ra-thong-thoang-post135582.html


Related news

lay-lai-niem-tin-cay-mia Lấy Lại Niềm Tin Cây… nguoi-chan-nuoi-bo-sua-gap-kho-dau-ra Người Chăn Nuôi Bò Sữa…