Mô hình kinh tế Cá Tra Gặp Hạn, Doanh Nghiệp Mắc Cạn

Cá Tra Gặp Hạn, Doanh Nghiệp Mắc Cạn

Publish date Monday. May 28th, 2012

Giá cá tra trượt dốc thảm hại không chỉ làm cho người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến “chết ngộp”, mà còn kéo theo hàng loạt nhà máy sản xuất thức ăn cho cá cũng “chết” theo.

* Người nuôi lao đao

Ông Nguyễn Văn Thể, ở cù lao Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, cho hay: Giá cá tra lao dốc thấp hơn giá thành sản xuất đã làm cho người nuôi khốn đốn. Từ mức lãi hơn 4.000 đồng/kg, trong vòng 3 tháng nay giá giảm mạnh xuống dưới giá thành. Hiện tại, giá cá tra đang đứng ở mức 22.500 đồng/kg trả tiền liền, 23.000 đồng/kg thì doanh nghiệp thiếu nợ. Với giá này, nếu người nuôi giỏi kỹ thuật thì chỉ huề vốn, nhưng thiếu tiền đóng lãi ngân hàng, lãi mua thức ăn. Với giá cá như hiện nay, có lẽ có thêm nhiều “đại gia” phải giải nghệ nghề nuôi cá tra. 

Còn nếu muốn theo nghề cũng không có vốn vì ngân hàng đã thông báo đòi nợ mặc dù đến ngày 30-5-2012 mới đến hạn. Ông Thể là khách hàng thân tín của ngân hàng nên mới được vay 500 triệu đồng, vậy mà lần này cũng không được cho vay tiếp. Theo ông Thể, hiện tại, có nhiều người nuôi cá nợ ngân hàng, gần đến ngày thu hoạch là cán bộ ngân hàng túc trực để thu nợ. Ngoài ra, có nhiều người không còn khả năng trả nợ tiền thức ăn, nợ ngân hàng… đã kêu bán ao nuôi cá tra nhưng chẳng ai thèm ngó. Giải pháp cuối cùng là con nợ thỏa thuận gán ao cho chủ nợ với giá 170 - 190 triệu đồng/ao (1.300 m2).

Còn ở Đồng Tháp, Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã nuôi cá thua lỗ, thiếu tiền thức ăn 45 tỉ đồng, đã phải chọn giải pháp giao 40 ha đất ao nuôi cá cho bà Trần Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty Thủy sản Ngư Long. Ngoài ra, công ty này còn thiếu nợ vay của các ngân hàng tại TP.Cần Thơ 241,974 tỉ đồng, trong đó nợ xấu 236,269 tỉ đồng. Đáng chú ý là công ty này đã vay tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hậu Giang với tổng dư nợ là 29,107 tỉ đồng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang 1,207 triệu USD. Các ngân hàng này đã nhiều lần thông báo về số nợ quá hạn trên, nhưng đến nay công ty vẫn chưa trả.

* Doanh nghiệp khốn khó

Con cá tra trượt dốc đã kéo theo hàng loạt nhà máy sản xuất thức ăn lâm vào cảnh khốn khó. Ông Phạm Văn Bên, chủ DNTN Cỏ May, Khu công nghiệp TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Ngành sản xuất thức ăn đang sàng lọc rất kịch liệt. Trước kia, ở Đồng Tháp có khoảng 24 nhà máy chế biến thức ăn cho cá tra, nhưng hiện chỉ còn số nhà máy đứng vững đếm chưa đầy bàn tay, số còn lại đang thoi thóp. Bình quân 10 nhà máy chuyên sản xuất thức ăn cho cá tra ở ĐBSCL thì chỉ còn 1 - 2 nhà máy hoạt động.

Trước diễn biến của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi nhà nông phải có vốn, công ty phải đủ năng lực về tài chính và uy tín thì mới trụ được. Còn khi các nhà máy chế biến thức ăn cho cá “chết” thì người nuôi cá cầm chắc khó khăn, vì hệ số thức ăn tăng lên 1,8 kg mới được 1 kg cá. Ông Trần Văn Hùng, ở phường Tân Long, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Trước đây, các đại lý cung cấp thức ăn còn cho gối đầu và được trả chậm đến khi thu hoạch cá. Còn hiện nay, các đại lý căng như dây đàn, mua thức ăn phải thanh toán tiền ngay mới bán. Còn ông Tăng Trình, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tâm sự: Bây giờ, đại lý buộc người nuôi cá phải ứng trước 50% - 70% tiền mới cung cấp thức ăn, chưa kể còn phải đóng lãi khi mua thức ăn ghi nợ.

* Giải pháp: Treo ao!

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, do giá cá bấp bênh, chi phí đầu tư cao nên nông dân không mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư chăm sóc. Nếu như cuối năm 2011, diện tích nuôi cá tra của huyện đạt 74,5 ha, sản lượng trên 15.000 tấn, thì đến thời điểm này người dân mới thả nuôi được 57 ha, do giá cá nhiều biến động, thiếu vốn, nhiều hộ nuôi thua lỗ dẫn đến treo ao.

Tại HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có diện tích 28 ha nuôi, sản lượng 2.000 tấn/năm và nhu cầu đến 3.000 tấn thức ăn cho cá/năm, nhưng đã liên kết với ngân hàng, công ty thức ăn nên giảm được chi phí trung gian. Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy, giá cá tra trong những năm qua không ổn định đã gây không ít khó khăn cho người nuôi, một số hộ dân phải nghỉ nuôi do thua lỗ. Một phần các hộ nuôi chưa chủ động được đầu ra, các doanh nghiệp thu mua cá nguyên liệu thông qua hợp đồng thường bất lợi cho người dân do hợp đồng không ràng buộc rõ ràng nên người nuôi thường bị doanh nghiệp chiếm dụng tiền cá hoặc bị bẻ hợp đồng khi giá cá xuống thấp. 

Mặt khác, người dân không biết được thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật trong việc lập hợp đồng kinh tế nên bị lừa tiền bán cá dẫn đến một số trường hợp bị phá sản. Trong khi chi phí đầu vào từ thức ăn, thuốc điều trị bệnh và các chi phí khác liên tục tăng kéo theo giá thành chăn nuôi cao làm cho diện tích nuôi cá tại địa phương liên tục giảm. Nếu như năm 2007, diện tích nuôi cá tra ở TX.Ngã Bảy lên đến trên 70 ha, còn hiện nay diện tích đã thả chưa đầy 51 ha.

Với tốc độ “treo ao” như hiện nay, liệu những nhà máy chế biến thức ăn và những “đại gia” nuôi cá tra còn lại có thể đeo bám được với nghề không? Và, liệu mục tiêu xuất khẩu cá tra 2 tỉ USD trong năm 2012 có khả thi? Ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang gặp “hạn” lớn.

Related news

nhin-dat-ma-bon-phan Nhìn Đất Mà Bón Phân tom-nuoi-tiep-tuc-bi-nhiem-benh Tôm Nuôi Tiếp Tục Bị…