Tin thủy sản Cá tra Việt Nam: Viễn cảnh sáng trên đất Mỹ

Cá tra Việt Nam: Viễn cảnh sáng trên đất Mỹ

Author Phan Thảo, publish date Tuesday. October 23rd, 2018

Sau thời gian dài gặp khó, cá tra Việt Nam đang hướng đến tương lai sáng hơn khi mới đây Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đề xuất công nhận hệ thống kiểm soát cá tra của Việt Nam tương đương Mỹ. Toàn ngành đang đợi phán quyết cuối cùng.

Cá tra Việt Nam liên tiếp gặp khó với hai “rào cản” lớn trên đất Mỹ 

Hoàn thành

Sau khi Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ, FSIS cũng đã xem xét tài liệu, tiến hành kiểm tra thực địa tại ba quốc gia này. Mới đây, FSIS đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá da trơn vào thị trường Mỹ. Nếu đề xuất trên là quyết định cuối cùng của Mỹ thì toàn bộ quy tắc kèm theo bản đề xuất sẽ được đưa vào Quy tắc liên bang (CFR).

Trước đó tại Việt Nam, từ ngày 14 - 25/5/2018, FSIS đã thực hiện việc thanh tra thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn đối với: 2 cơ quan kiểm tra Trung ương,1 phòng kiểm nghiệm, 8 cơ sở chế biến xuất khẩu và 2 cơ sở nuôi cá tra.

Trong bản báo cáo lần này, FSIS ghi nhận hệ thống văn bản pháp lý cũng như hệ thống tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ cơ bản phù hợp với các quy định của FSIS. Không phát hiện lỗi sai nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam. Tuy còn một số sai lỗi nhưng không đáng ngại và đã được các bên liên quan giải trình, khắc phục.

Như vậy, cá tra, basa của Việt Nam đã vượt qua “5 vòng xét duyệt” của phía Mỹ và đang đợi vòng 6 với phán quyết cuối cùng, khi đó sẽ quyết định “số phận” của cá tra, basa Việt Nam trên đất Mỹ.

Chuẩn bị

Thời gian qua, cá tra Việt Nam liên tiếp gặp khó với hai “rào cản” lớn trên đất Mỹ là thuế chống bán phá giá cao ngất ngưỡng, ở mức từ 2,39 - 7,74 USD/kg. Cùng đó là việc FSIS quyết định áp dụng kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ từ ngày 2/8/2017, sớm hơn thời điểm chính thức 1 tháng. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam, dẫn đến việc tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm này vào Mỹ năm 2017 giảm từ 21% trong 6 tháng đầu năm  xuống 17,6% trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, để tránh bị đẩy lùi và đánh mất thị phần ở thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cá tra đã có những thay đổi chiến thuật phù hợp nhằm duy trì nhịp độ xuất hàng. Điều này được chứng minh bằng sự khởi sắc trong xuất khẩu, nhất là từ đầu năm đến nay. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 255 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Trước đó, để hạn chế những bất lợi từ những rào cản tại thị trường Mỹ như thuế chống bán phá giá cao và chương trình thanh tra cá da trơn, toàn ngành đã định hướng các doanh nghiệp cá tra chủ động củng cố, gia tăng và chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi, điển hình như: Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia, ASEAN… Cùng đó, tập trung nâng cấp điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt quy định của nhà nhập khẩu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức kinh doanh, thay vì xuất khẩu sản phẩm fillet như thông thường đã đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên các thị trường.

Mặc dù theo xu hướng “chạy” sang các thị trường mới để phù hợp với thực tế và giảm thiểu rủi ro ở các thị trường truyền thống, thế nhưng, ngành cá tra vẫn xác định EU và Mỹ là những điểm đến quan trọng nhất. Bởi hiện nay, mặc dù có sụt giảm nhưng thị phần xuất khẩu của cá tra Việt Nam tại Mỹ và UE vẫn đảm bảo. Cùng đó, hướng tới thị trường cao cấp cũng giúp ngành cá tra Việt Nam tiếp tục “đại phẫu thuật” cả về phương thức sản xuất và công nghệ trong sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này gần như là bắt buộc, bởi vượt được “cửa ngõ” này sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường khác.

>> Theo VASEP, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD. Đứng đầu là thị trường Trung Quốc với gần 290 triệu USD, Mỹ đứng thứ 2 với hơn 255 triệu USD, EU vẫn đứng vị trí thứ 3 với hơn 139 triệu USD. Tiếp đến là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil… Dự báo năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra có thể vượt 2 tỷ USD.


Related news

giai-phap-cong-nghe-trong-nuoi-tom-tren-cat Giải pháp công nghệ trong… binh-dinh-dua-cong-nghe-cao-vao-nuoi-tom Bình Định: Đưa công nghệ…