Mô hình kinh tế Cá Trê Phi Nuôi Khỏe, Bán Khó

Cá Trê Phi Nuôi Khỏe, Bán Khó

Publish date Wednesday. March 4th, 2015

Sau mô hình nuôi tôm sú thất bại, nhiều người dân ở Vinh Hưng (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi cá trê phi. Do phát triển ồ ạt, “đầu ra” cá trê phi rơi vào thế khó khăn.

Đi đâu ở Vinh Hưng cũng nghe người dân địa phương “trạo miệng” chuyện nuôi cá trê phi. Chuyện chẳng mấy vui, thậm chí nhiều người đang héo ruột vì tham gia nuôi cá trê phi đến tuổi thu hoạch nhưng bán ra rất khó. Ông Nguyễn Sáo, thôn Phụng Chánh, một trong những người có diện tích nuôi cá trê phi lai lớn ở xã Vinh Hưng.

Với gần 20 bể, diện tích gần 200m2, thời gian trước bình quân mỗi năm gia đình ông xuất hai lứa hơn 20 tấn cá. Trừ các khoản chi phí, như thức ăn, giống... gia đình ông thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Gần 2 năm nay, việc đưa cá ra thị trường gặp khó khăn. Hiện tại gia đình ông còn đọng hơn 3 tấn cá đang thời kỳ thu hoạch.

Gia đình ông Bùi Hữu Tỵ ở cùng khu vực ông Sáo cũng tham gia nuôi cá trê phi từ năm 2011, hiện rất lo khi cá đã đến thời gian thu hoạch. Hơn 15 bể, ông định tính xuất ra khoảng hơn 10 tấn cá nhưng chờ tư thương đến mỏi mắt. Năm trước tại thời điểm này, giá cá được tư thương mua 30 nghìn đồng/ kg. Nay, tư thương gọi điện về báo giá còn 23 - 24 nghìn đồng. Với mức giá này gia đình ông Ty cầm chắc thua lỗ.

Tìm hiểu chuyện người nuôi cá trê phi ở Vinh Hưng rơi vào cảnh khó đầu ra, một cán bộ ở địa phương lý giải, từ khi mô hình nuôi tôm sú bên phá cầu Hai thất bại, bà con chuyển sang nuôi trong bể xi măng. Với chi phí khoảng 5 triệu đồng xây bể và tiền con giống, sau thời gian 4 tháng, mỗi bể cá mang lại nguồn lãi từ 5 - 7 triệu đồng.

Đó là cách làm xem như mô hình “cứu khó giảm khổ” vào những năm trước vì bà con thừa nhận cá trê phi dễ nuôi, ăn tạp, ít dịch bệnh, chóng lớn. Thấy được hiệu quả kinh tế của cá trê phi, các hộ dân đã ồ ạt nhân rộng. Ban đầu chỉ vài chục hộ, đến nay xã Vinh Hưng đã có trên 200 hộ nuôi cá. Hộ nhiều đầu tư nuôi trên 20 bể.

Hộ ít cũng 2 - 3 bể. Tổng sản lượng cuối năm 2014 ước hơn 800 tấn. Vào thời gian cao điểm như năm 2011, 2012, có gần 300 hộ nuôi, tổng sản lượng lên đến 1,2 nghìn tấn. Do nguồn cung quá lớn, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào tư thương dẫn đến tình trạng ép giá, gây khó khăn cho người nuôi. Lo hơn khi cá đã đủ thời gian thu hoạch, đủ trọng lượng nhưng không bán được trong khi đó phải tiếp tục duy trì nuôi khiến chi phí thức ăn đội lên cao.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, hiện tại mô hình nuôi cá trê phi ở địa phương phát triển rất tốt nhưng đầu ra không ổn định Sản lượng cá khi thu hoạch do tư thương địa phương bao tiêu cung ứng đến các chợ lân cận. Khi chợ ế, người nuôi cũng “buồn” theo.

Từ thực trạng trên, lãnh đạo địa phương đã vận động người dân giảm nuôi cá trê phi và tổ chức nuôi xen ghép với các loài thuỷ sản khác; đồng thời không xem mô hình nuôi cá trê phi làm nguồn thu nhập chính của gia đình; từng bước chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp theo xu thế phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Đầu tư vốn và công sức bỏ ra nhưng đến khi thu hoạch lại phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Đây là bài học lớn cho việc mở rộng sản xuất tự phát, ồ ạt, tâm lý chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà không tính đến quá trình phát triển bền vững là điều lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm cân nhắc.


Related news

nhung-ty-phu-chan-dat Những Tỷ Phú Chân Đất tong-san-luong-thuy-san-2-thang-dau-nam-dat-793-000-tan-tang-3-2 Tổng Sản Lượng Thủy Sản…