Nuôi lợn (Heo) Các biến dị di truyền trên heo nuôi (Phần 1)

Các biến dị di truyền trên heo nuôi (Phần 1)

Author Trần Thị Nhung - Chi cục Thú y Bình Dương, publish date Wednesday. May 30th, 2018

Chăn nuôi heo quy mô lớn như chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thì tỷ lệ heo bị khuyết tật gây thiệt hại lớn tới chi phí sản xuất do ảnh hưởng đến hiệu suất của toàn trang trại. Các rối loạn di truyền ở heo thường phát sinh từ những bất thường trên hệ gen của chúng. Có một số bệnh sẽ thể hiện ngay ở heo mới sinh (bẩm sinh), tuy nhiên cũng có nhiều bệnh chỉ biểu hiện ở giai đoạn heo trưởng thành hoặc sau khi giết mổ. Có 200 loại bệnh do rối loạn gen gây ra từ những bệnh rất hiếm đến các bệnh phổ biến.

Dưới đây chúng tôi xin phân tích một số nguyên nhân, cơ chế biến dị di truyền và một số biến dị di truyền quan trọng của heo.

Tỷ lệ sơ sinh đối với heo con thông thường bị dị dạng hay khuyết tật ít nhất là 1%. Các khuyết tật này có thể do các yếu tố môi trường hay di truyền, tuy không thường xuyên nhưng khi xảy ra cũng gây thiệt hại đến kinh tế. Trước đây đối với những hiện tượng khuyết tật thông thường đều cho rằng là biến dị di truyền nhưng sau này phát hiện thêm hiện tượng thai không bình thường do một số yếu tố ngoại cảnh như: nhiễm virus, thiếu chất trong dinh dưỡng, hoặc trong quá trình mang thai heo nhiễm hóa chất hay thuốc trừ sâu.

Theo tính toán của FAO (2015), chỉ riêng bốn khuyết tật (choãi chân, thoát vị bẹn, thoát vị rốn và tịt hậu môn) đã chiếm 0,263%. Tức là, cứ 380 lợn sơ sinh sống thì có 1 con khuyết tật bẩm sinh. Như vậy, mỗi năm tổn thất 3.340.000 lợn con trên toàn cầu. Nếu trị giá một lợn con là 30 USD thì bốn khuyết tật vừa nêu đã gây tổn thất cho toàn cầu 100 triệu USD mỗi năm.

Nhóm tác giả Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (2012), khảo sát 900 lợn sơ sinh tại 2 trại lợn ở Đồng Nai trong 5 tháng, cho thấy có 31 con (3,44%) bị thoát vị rốn (2,11%) và thoát vị bẹn (1,33%).

Hình 1. Heo con bị dị tật (Nguồn internet)

1/ Nguyên nhân gây ra các biến dị:

Khi trong bầy heo sơ sinh có con bị dị dạng thì người chăn nuôi phải xác định lại xem hiện tượng biến dị này có nguồn gốc di truyền hay không bằng cách trả lời các câu hỏi như:

  • Có phải tất cả những con heo dị tật sinh ra đều cùng một giống hay cùng một bố sinh ra không? Do hiện tượng biến dị này ít khi xảy ra do đó nếu hiện tượng này xảy ra trên nhiều giống heo, hay trên nhóm heo có cùng bố hoặc có quan hệ họ hàng hoặc xảy ra trên đàn lai mà không xảy ra trên đàn bố mẹ thuần chủng.
  • Nếu hiện tượng này xảy ra ở các con có cùng chung một bố thì có phải tất cả các lứa lợn con cùng chung một bố đều xảy ra hay không?  Nếu các con đẻ ra ở các lứa có cùng chung bố hoặc cùng chung mẹ thì có thể nghi ngờ có liên quan tới di truyền. Nếu hiện tượng xảy ra cùng bố nhưng con mẹ không có quan hệ họ hàng thì phải xét tới các yếu tố ngoại cảnh vì nếu dị tật là do biểu hiện của gen trội thì con bố phải có biểu hiện khuyết tật.
  • Có phải hiện tượng dị tật xảy ra do giao phối cận huyết hay không? Việc giao phối cận huyết làm tăng sự xuất hiện và biểu hiện của các gen lặn.
  • Các lứa heo bị dị tật có cùng chung điều kiện môi trường khi heo mẹ mang thai không? Vì không thể là biến dị di truyền khi các lứa heo cùng bố và cùng mẹ cùng nguồn gốc được sinh ra ở các thời điểm khác nhau lại có biểu hiện dị tật và không có biểu hiện dị tật trong khoảng thời gian theo dõi.

2/ Cơ chế của khuyết tật di truyền:

Những sai lệch về cấu trúc nhiễm sắc thể (NST): NST có hình sợi chỉ nằm trong nhân tế bào và mang thông tin di truyền. Trong tế bào cơ thể NST chỉ tồn tại thành một cặp, song tế bào trứng và tinh trùng chỉ có 1 NST và có 2 loại NST là NST bình thường và NST giới tính.

Số lượng NST tăng hoặc giảm hơn so với bình thường, trên heo có 19 cặp NST dù số lượng NST tăng hay giảm đều dẫn tới hậu quả làm cho phôi bị chết sớm. Nếu số lượng NST giơi tính tăng lên làm cho heo bị vô sinh.

Nếu có những thay đổi về cấu trúc NST trong quá trình NST tách ra hoặc tái tổ hợp lại không bình thường trong quá trình tạo trứng hay tinh trùng đều làm cho thai dị dạng, chết trong bào thai hoặc khi sinh ra sẽ chết.

  • Di truyền đơn giản: Gen là đơn vị di truyền nhỏ nhất nếu các gen này có biến đổi trên nhiễm sắc thể thì thường không có thay đổi bất thường trên tính trạng. Ngoài ra có thể di truyền cho thế hệ sau theo cơ chế đơn giản như:
  • Di tryền gen trội đơn giản: nếu các gen di truyền đủ biểu hiện ra ngoài thành dị tật thì đó là gen trội bản chất của tính trạng này là do quá trình chọn lọc tự nhiên.
  • Di truyền gen lặn liên kết giới tính: gen này chỉ có trên NST X vì NST Y chỉ có rất ít gen hoạt động do vậy tần suất biểu hiện trên con đực cao hơn trên con cái.
  • Di truyền hạn chế giới tính: tức là biến dị này chỉ xảy ra trên con đực hoặc con cái do tình trạng này có liên quan tới nhứng đặc thù giới tính như bệnh thoát vị dương vật chỉ sảy ra trên con đực.
  • Di truyền đa gen: Những biến dị này do nhiều gen trên NST gây ra nó phản ánh tỷ lệ sự sai khác về di truyền trong tổng số tất cả những sai khác của tính trạng đó.

Khả năng di truyền tiềm ẩn là những biến dị có khả năng di truyền nhưng chỉ thể hiện khi gặp một điều kiện ngoại cảnh cụ thể. Khả năng di truyền có thể cao nhưng gặp môi trường bất lợi thì tỷ lệ mắc bệnh nhỏ.

(còn tiếp)


Related news

cac-bien-di-di-truyen-tren-heo-nuoi-phan-2 Các biến dị di truyền… mot-so-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-lay-nhiem-dich-tieu-chay-cap-tren-heo-con-ped Một số cách điều trị…