Tôm thẻ chân trắng Các khí độc trong ao nuôi tôm

Các khí độc trong ao nuôi tôm

Publish date Sunday. December 28th, 2014

Khác với nuôi tôm sú thâm canh (mật độ tối đa 30 – 40 con/m2), tôm chân trắng được nuôi với mật độ cao hơn, ít nhất gấp 2 lần. Bên cạnh đó, trong nuôi tôm sú, khí độc NO2 ít hiện diện hơn so với nuôi tôm chân trắng.

Khí độc trong ao nuôi tôm
Một ao nuôi tôm thẻ chân trắng

 

Có rất nhiều trường hợp, khi kiểm tra chất lượng nước ao nuôi tôm chân trắng, theo thói quen khi nuôi tôm sú, người nuôi chỉ kiểm tra NH3 và không phát hiện sự hiện diện của chúng trong môi trường nước, tuy nhiên tôm vẫn lờ đờ, sốc, đỏ thân, bỏ ăn, có dấu hiệu chậm tăng trưởng, nổi đầu và chết. Các kiểm tra sâu hơn sau đó với các kỹ thuật viên có kiến thức chuyên sâu và am hiểu về chu trình chuyển hóa vật chất trong ao nuôi cho thấy NO2 tồn tại trong ao nuôi với hàm lượng rất cao.

Giải quyết vấn đề này, tôm nuôi sẽ hoạt động tích cực trở lại và tăng trưởng tốt. Tuy vậy, như đã nói ở trên, vì tôm chân trắng được nuôi thâm canh với mật độ rất cao và hàng ngày một lượng lớn thức ăn giàu dinh dưỡng được bổ sung vào ao nuôi, do vậy mà việc xử lý các khí độc trong ao nuôi tôm chân trắng không hề đơn giản.

Ammonia tồn tại trong môi trường nước ở hai dạng NH4+ (dạng ion) và NH3 (dạng không ion), dạng ion ít gây độc cho tôm, trong khi đó dạng không ion lại gây độc cho tôm. Hàm lượng NH3 hiện diện trong môi trường nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó pH và nhiệt độ là hai hai yếu tố quan trọng nhất, nhìn chung nếu nhiệt độ càng cao, pH càng cao, hàm lượng ôxy thấp thì tính độc NH3 càng cao, tuy nhiên nếu độ mặn gia tăng thì tính độc của chúng giảm chút ít nhưng không đáng kể.

Tỷ lệ NH3 (%) trong nước theo nhiệt độ và pH ở độ mặn 0 – 5 ‰ (Creswell, R.L., 1993)

pH Nhiệt độ
20 25 30 35
7.0 0.39 0.56 0.80 1.11
7.8 2.43 3.46 4.83 6.36
8.0 3.80 5.37 7.44 10.11
8.2 5.90 8.25 11.30 15.13
9.0 28.33 36.21 44.55 52.93

Nguồn: Nguyễn Phú Hòa – Chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Tỷ lệ NH3 (%) trong nước theo nhiệt độ và pH ở độ mặn 0 – 40 ‰ (thep Creswell, R.L., 1993)

pH Nhiệt độ
20 25 30 35
7.0 0.22 0.31 0.44 0.62
7.8 1.36 1.95 2.74 3.81
8.0 2.15 3.05 4.28 5.91
8.2 3.36 4.37 6.61 9.05
9.0 17.98 23.94 30.88 38.58

Nguồn: Nguyễn Phú Hòa – Chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Hàm lượng NH3 và NO2 cao trong môi trường nước gây độc trên tôm nuôi, biểu hiện rõ nhất là tôm chậm tăng trưởng, giảm ăn, nổi đầu, chết dần hàng ngày, nếu tính trạng kéo dài tôm sẽ giảm sức đề kháng, tích tụ NH3 và NO2 nhiều trong cơ thể và dẫn đến dễ nhiễm bệnh khác như phân trắng, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đen mang, đốm trắng, hoại tử cơ…

Quá trình Nitrate hóa

Quá trình nitrat hóa là một quá trình sinh học mà ở đó vi khuẩn nitrat hóa sẽ ôxy hóa amonia (độc cho tôm) thành nitrat (không độc cho tôm) thông qua sự hình thành nitrit (gây độc cho tôm) trong điều kiện có ôxy (Ritmann và Mac Carty, 2001).

Quá trình này gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: amonia (NH3) biển đổi thành NO2-
Giai đoạn 2: NO2- biến đổi thành NO3-

Giai đoạn thứ nhất, nhóm vi khuẩn nitrit như Nitrosomonas sppNitrosococcus spp đóng vai trò chủ yếu, trong khi đó giai đoạn 2, nhóm vi khuẩn nitrat hóa như Nitrobacter sppNitrospira spp là những nhân tố chính thúc đẩy quá trình.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của quá trình này là nhóm vi khuẩn nitrat hóa có tốc độ phát triển rất chậm và đấy là vấn đề hết sức quan trọng. Khi NH3 bắt đầu hiện diện thì quần thể vi khuẩn ôxy hóa ammnium bắt đầu phát triển, tuy nhiên chúng cần đến 02 tuần để đạt trạng thái ổn định. Bên cạnh đó, các nhóm vi khuẩn nitrat hóa là nhóm vi khuẩn hiếu khí bắt buộc, điều này có nghĩa là ôxy đóng vai trò quan trọng trong quá trình nitrat hóa, trong khi đó quá trình biến đổi NH3 thành nitrit thì cần hàm lượng ôxy nhỏ hơn nhiều.

Chính vì vậy, khi hàm lượng ôxy bị hạn chế, NH4+ vẫn có thể bị ôxy hóa chuyển sang NO2-, nhưng chúng sẽ tích lũy trong nước ao, kết quả là hàm lượng NO2- tăng cao và gây độc cho tôm. Quá trình này thường xảy ra trong ao thiếu ôxy do không được sục khí đầy đủ hoặc có sự tồn tại những khu vực yếm khí (góc chết) trong ao.

Các biện pháp kiểm soát tích lũy Nitrite và cách phòng ngừa

Biện pháp Hạn chế
Thay nước Giải pháp này không khả thi trong nuôi tôm chân trắng, vì thay nước thường dẫn đến biến động chất lượng nước lớn, trong khi tôm chân trắng cần sự ổn định cao của môi trường như mật độ tảo, độ kiềm và pH.
Kiểm soát tảo Tảo hấp thụ các dạng nitơ vô cơ để tăng sinh khối, tuy nhiên biện pháp này có nhiều hạn chế trong ao nuôi mật độ cao, do tốc độ đồng hóa chậm của tảo. Ngoài ra, tảo không thể thực hiện quá trình này vào ngày thiếu ánh sáng (mây mù, mưa) và quần thể tảo cũng thiếu ổn định trong ao nuôi tôm chân trắng.
Bổ sung vi khuẩn nitrit và nitrat hóa vào ao nuôi Nhóm vi khuẩn này thường phát triển chậm và cần phải có đủ ôxy để phát triển tăng sinh khối. pH tối ưu cho nhóm này từ 7,5 – 8,6. Sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng được bổ sung thường xuyên vào ao nuôi tôm chân trắng ngay từ đầu vụ nuôi và định kỳ, liên tục và trong điều kiện hệ thống cung cấp ôxy hoàn chỉnh và đầy đủ suốt vụ nuôi.
Kiểm soát bằng hệ thống Biofloc Hạt floc thường có vi khuẩn nitrat hóa cao, bên cạnh đó hệ thống Biofloc được khuấy đảo nước liên tục, tuy nhiên Biofloc không phải dễ áp dụng trong điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi hiện nay. Thêm vào đó, để vận hành hệ thống Biofloc thì người nuôi cần phải có kiến thức đầy đủ, thực sự am hiểu về nó
Sử dụng Yucca Yucca chỉ hấp thụ NH3, ít hấp thu NO2 và không giúp đẩy nhanh quá trình nitrat hóa.

 

Biện pháp phòng ngừa khí độc NO2

Chu trình Nitơ trong nước
Chu trình Nitơ

 

- Cải tạo ao nuôi hoàn chỉnh, bùn và chất cặn bã phải được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi ao nuôi trước khi bắt đầu vụ mới.

- Sử dụng các sản phẩm vi sinh chất lượng và đáng tin cậy có chứa nhóm vi khuẩn nitrat (Nitrosomonas sppNitrobacter spp) định kỳ và liên tục suốt vụ.

- Sử dụng kết hợp Yucca định kỳ để giảm NH3, thông qua đó giảm hàm lượng NO2. Sử dụng enzyme thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ.

- Duy trì mật độ tảo có lợi trong ao ổn định.

- Cung cấp đầy đủ ôxy trong ao nuôi, bố trí quạt nước hợp lý tránh các “góc chết” trong ao và xi-phông loại bỏ chất hữu cơ thường xuyên (xem thêm thiết bị tăng cường ôxy đáy thủy sản).

- Quản lý cho ăn tốt, tránh cho ăn dư thừa.

Cách xử lý sự cố phát sinh khí độc NO2

Rất nhiều ao nuôi tôm chân trắng – chiếm khoảng 80% khi kiểm tra khí độc NO2 đều cho thấy chúng hiện diện với hàm lượng cao, cá biệt có những trường hợp hàm lượng khí độc NO2 vượt ngưỡng cho phép khi tôm nuôi chưa đạt tới 30 ngày tuổi. NO2 và NH3 thường xuất hiện trong ao tôm chân trắng, tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ có NO2 tồn tại ở mức cao, trong khi NH3 thì có hàm lượng thấp hoặc không phát hiện.

NO2 rất ít khi được phát hiện trong ao nuôi tôm sú, nhưng với tôm chân trắng thì NO2 thực sự là vấn đề mà người nuôi tôm tại Việt Nam thường gặp phải. Rất nhiều người nuôi tôm quản lý thức ăn rất tốt, không có tình trạng dư thừa, nhưng NO2 vẫn xuất hiện trong ao nuôi của họ. Có ba nguyên nhân chính yếu dẫn đến tình trạng trên:

- Tôm chân trắng được nuôi với mật độ cao, do đó hàng ngày một lượng lớn thức ăn được cho vào ao nuôi, mặc dù thức ăn không dư thừa nhưng thực tế chỉ có khoảng 30% – 40% lượng thức ăn ăn vào hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng (để có FCR 1:1), khoảng 60 % - 70% lượng thức ăn bài tiết ra ngoài và gây nên tình trạng ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi và qua đó làm phát sinh NH3 và NO2.

- Vi sinh vật hữu ích không tồn tại trong ao nuôi hoặc tồn tại với mật số rất thấp không đủ để chuyển hoá hoàn toàn các khí độc thành NO3 không độc cho tôm.

- Hàm lượng ôxy không được cung cấp đầy đủ dẫn đến chu trình Nitrat hoá không diễn ra hoàn toàn và dẫn đến việc tích tụ NO2 trong ao nuôi (như giải thích ở trên), bên cạnh đó nó cũng làm giảm mật số vi sinh vật hữu ích trong ao.

Một trong những quan sát cảm quan dễ thấy nhất khi ao nuôi có sự tồn tại của NO2 là tôm nuôi thiếu linh hoạt, lờ đờ, chậm tăng trưởng và bắt mồi kém, đôi khi phát hiện tôm chết ở dưới ao, hoặc trong vó mà không đánh giá được nguyên nhân ban đầu.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phú Hòa – Chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

2. Trương Quốc Phú, Vũ Ngọc Út  dịch - Quản lý chất lượng nước ao nuôi thủy sản (Water quality for aquaculture – Claude E.Boyd – Đại học Auburn, Alabama 36894, USA) – Bộ môn Khai Thác và Nuôi Trồng Thủy Sản.

3. Yoram Avnimelech, Peter De Schryver, Mauricio Emmericiano, Dave Kuln, Andrew Ray, Nyan Taw – Biofloc Tecnology – A Practical Guide Book – Second Edition – Technion Israel Institute of Technology – Public by World Aquaculture Society.

4. Nguồn: VinhthinhBiostadt

Tags: khí độc trong ao nuôi tôm, khắc phục khí độc ao nuôi tôm, quản lý khí độc ao nuôi tôm, ảnh hưởng khí độc đối với tôm


Related news

anh-huong-oxy-hoa-tan-trong-ao-nuoi-thuy-san Ảnh hưởng ôxy hòa tan… nang-kiem-trong-ao-nuoi-thuy-san Nâng kiềm trong ao nuôi…