Các Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Hiện Thực Hóa "Giấc Mơ"... Của Nông Dân!
Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.
Động lực phát triển kinh tế nông thôn
Trường Thủy là xã vùng gò đồi, có diện tích rừng trồng lớn của huyện Lệ Thủy. Những năm gần đây bên cạnh việc chú trọng phát triển thế mạnh kinh tế rừng, người dân nơi đây còn tận dụng thế mạnh về rừng để nuôi ong tự nhiên, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, các mô hình nuôi ong ở đây vẫn còn tự phát, riêng lẻ, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Thêm vào đó, do còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên nhiều hộ gia đình sau khi nuôi không hiệu quả đã không thể tiếp tục tái đàn. Nhận thức được tiềm năng và thế mạnh của vùng, đầu năm 2013, Hội Nông dân xã Trường Thủy đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong, nhằm giúp cho người nông dân liên kết với nhau. Thông qua CLB, người nông dân được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong. Nhiều hội viên được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi ong khác ở các tỉnh phía Bắc.
CLB cũng trực tiếp ra Hà Nội lấy ong giống tự nhiên tại Viện nghiên cứu nông nghiệp để phân phối cho các hội viên. Tuy chỉ mới đi vào hoạt động, nhưng CLB nuôi ong xã Trường Thủy đã thu hút được gần 100 gia đình hội viên tham gia, với hơn 200 đàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân 30 - 40 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Trương Tấn Ngọc, Chủ nhiệm CLB nuôi ong xã Trường Thủy cho biết: “Nuôi ong rất nông nhàn, vốn đầu tư ít (800 – 900 nghìn đồng/đàn) lại cho thu nhập cao. Tuy vậy, vì đây là giống ong tự nhiên, nên người nuôi cũng cần phải có hiểu biết về kỹ thuật để chăm sóc cho đàn ong không bỏ đi hoặc bị các côn trùng khác phá hoại. Tham gia vào CLB, bà con sẽ được cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu”.
Có thể nói rằng, liên kết chẳng những là động lực thúc đẩy giúp cho người nông dân tự tin lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp, mà còn là dịp để người nông dân chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
CLB trang trại tổng hợp Lệ Thủy được thành lập năm 2010, trên cơ sở các hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở 3 xã Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy. Thuận lợi của mô hình này là phần lớn những hội viên CLB đều có quy mô trang trại chăn nuôi khá lớn, tuy nhiên họ vẫn chưa tận dụng và phát huy hết những tiềm năng sẵn có của mình.
Hơn nữa, dù khoảng cách giữa các trang trại chỉ vài km, nhưng giữa các trang trại vẫn chưa có tính liên kết, tương trợ lẫn nhau. Từ khi thành lập CLB trang trại, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các hội viên của CLB có dịp được cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp với nhau trong việc quản lý, phát triển quy mô trang trại chăn nuôi.
Khi chưa sinh hoạt trong CLB, với hơn 2ha trang trại, anh Võ Văn Hùng ở thôn Nam Thiện (xã Dương Thủy) chỉ nuôi được vài trăm con gà, 8 con lợn nái và một vài ao cá.
Mỗi năm thu nhập của trang trại chỉ được vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào CLB trang trại, được các anh em hội viên trong CLB chia sẻ, góp ý, giúp đỡ, đến nay anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn trước rất nhiều lần.
Hiện, mỗi năm trang trại của anh nuôi đến 6.000 đến 7.000 con gà, 20 con lợn nái, 60 con lợn thịt, với 4 ao nuôi cá (hơn 1ha) đem lại thu nhập 400 -500 triệu đồng mỗi năm. Anh Hùng chia sẻ: “Từ khi vào sinh hoạt trong CLB, được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và được anh em góp ý nên tôi mới mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô hơn trước.
Mỗi khi có sự biến động về giá cả, vật nuôi, dịch bệnh, anh em trong CLB đều thông tin chia sẻ cho nhau rất kịp thời”.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đánh giá: “Liên kết để phát triển là xu hướng mà người nông dân lựa chọn hiện nay. Thông qua các mô hình này, người nông dân có điều kiện để hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn vay.
Đồng thời, qua đó có cơ hội được tiếp cận, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh”. Nhìn xa hơn, ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh thì cho rằng: Việc liên kết này về lâu dài còn là cơ hội cho việc tích tụ ruộng đất để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
“Một cây làm chẳng nên non”...
Tuy nhiên, hầu hết các mô hình liên kết trong chăn nuôi hiện nay chỉ thuần túy là sự liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, dẫn đến tính liên kết vẫn còn mang tính tự phát, riêng lẻ. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành liên quan nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân vẫn còn hạn chế.
Anh Lê Xuân Ngọc, người được mệnh danh là “Vua ếch” ở Lệ Thủy, Chủ nhiệm CLB trang trại tổng hợp Lệ Thủy cho biết: Ban đầu mới thành lập, CLB thu hút được 13 hội viên (3 trang trại ở xã Tân Thủy, xã Dương Thủy 4 và xã Mỹ Thủy 6 trang trại). Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoạt động, số hội viên CLB chỉ còn lại 8 trang trại hội viên”.
Lý giải về việc này, anh Ngọc cho biết: Thực ra, cho đến bây giờ, hoạt động của CLB chỉ mang tính tự phát mà thôi. Nội dung của những buổi sinh hoạt của CLB chỉ là những chia sẻ về kỹ thuật và kinh nghiệm giữa các anh em hội viên có được, nên chưa có sức thu hút, gắn kết chặt chẽ với nhau.
Trong khi đó, mong ước của chúng tôi không chỉ dừng lại ở chừng đó, mà còn muốn hướng đến việc tạo ra một mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất một cách chuyên nghiệp.
Ví như, liên kết là để có một đầu mối cung cấp thức ăn, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh, dịch bệnh, tạo nên những sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu và đầu ra sản phẩm phải ổn định, lâu dài. Điều này, chúng tôi cần sự giúp đỡ, tiếp sức của các cấp chính quyền địa phương.
Trên thực tế, qua tìm hiểu các mô hình, thì mục đích của việc liên kết là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc vay vốn được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngay trong khâu này cũng còn vấp phải những vướng mắc nhất định. Tiền thân của HTX chăn nuôi Quảng Ninh là CLB các trang trại chăn nuôi Quảng Ninh, bao gồm tập hợp 12 trang trại chăn nuôi. Ban đầu, lúc mới tham gia vào CLB theo quy chế, mỗi hội viên phải đóng góp 3 triệu đồng, với mục đích tạo nguồn vốn giúp đỡ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn.
Tuy nhiên, nhận thấy cần phải có một tư cách pháp nhân để tận dụng được những nguồn vốn vay ưu đãi khác, năm 2012, các hội viên CLB đã chủ động cùng nhau thành lập nên HTX chăn nuôi. Sau khi thành lập, HTX đã được Quỹ hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cho vay 300 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này, HTX đã đến mua thức ăn tại nhà máy sản xuất để cung cấp cho các trang trại, giảm bớt chi phí đầu vào cho các xã viên, bình quân mỗi năm từ 40 đến 50 triệu đồng/trang trại.
Thế nhưng, so với nhu cầu thực tế, chừng đó mới chỉ đủ cho 4 đến 5 trang trại quay vòng vốn trong thời gian 1 năm. Đến nay, sau những thiệt hại trong các cơn bão năm 2013 vừa qua, nhiều trang trại buộc phải mang sổ đỏ của mình thế chấp ngân hàng để có tiền khắc phục thiệt hại, mua thức ăn và tái đầu tư để tiếp tục chăn nuôi.
Một bài toán khác nữa khiến chị Nguyễn Thị Nhị, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quảng Ninh và các xã viên HTX đau đầu nữa, đó là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, hầu hết các trang trại hội viên vẫn phải thụ động tự liên hệ nơi tiêu thụ. Chị Nhị cho biết: “Khi thành lập HTX, chúng tôi đã lên kế hoạch rất rõ. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động cho thấy chỉ một mình nông dân chúng tôi sẽ khó mà thực hiện được”.
Chính sự liên kết còn lỏng lẻo và chưa bền vững này đã dẫn đến sau một quá trình liên kết, hoạt động của một số mô hình ngày càng “mờ nhạt” dần. Ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh thì “Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Nhất là vai trò định hướng của các cơ quan, ban ngành liên quan chưa cụ thể và thống nhất”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Nam Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì cho rằng mấu chốt ở ngay nội tại của quy trình liên kết nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất của các mô hình vẫn chưa được xây dựng rõ ràng, cụ thể.
Còn theo ông Trương Văn Lanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT): Hiện nay, các mô hình liên kết ở tỉnh còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Điều này do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân cơ bản là thiếu sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền các cấp. Chính vì vậy, người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu, mặc dù chúng ta đã có cơ chế, chính sách.
Có thể nói rằng, liên kết trong chăn nuôi là động lực để phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời về lâu dài nó còn là nền tảng cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa “giấc mơ” này, người nông dân vẫn cần lắm sự “xắn tay” vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa từ chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan.
Ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 62/2013/QĐ-TTg nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và quy định cụ thể về các chế độ ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng doanh nghiệp, nông dân trong quá trình phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao