Trồng lúa Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 11

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 11

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Friday. February 2nd, 2018

BỆNH HẠI LÚA (Diseases)

4/ Bệnh do tuyến trùng (Nematode diseases)

Tuyến trùng là một loại động vật rất nhỏ có hình dạng như con giun kim. Sinh sống bằng cách chích hút nhựa lúa, gây những hiện tượng biến dạng và bất thường của cây. Hai bệnh phổ biến và có tác hại nghiêm trọng ở ĐBSCL là: bệnh tiêm đọt sần và bệnh bướu rễ. 

4.1. Bệnh tiêm đọt sần (Hình 8.33): 

Bệnh do một loại tuyến trùng thân (Ditylenchus angustus) gây ra, chúng có thể tấn công vào bất cứ giai đoạn nào của cây. Bệnh xuất hiện nặng và hầu như thường xuyên ở những vùng lúa nổi và những chân ruộng trũng nước ngập sâu và rút chậm hoặc đất trầm thủy quanh năm. Các vùng Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh (Cửu Long), Thốt Nốt, Ômôn, Phụng Hiệp (Cần Thơ) là những vùng bị nhiễm thường xuyên và bị thiệt hại nặng trong giai đoạn trước những năm 1990, đặc biệt trên diện lúa mùa dài ngày. 

Tuyến trùng tấn công đầu tiên ở tại cổ của các lá non để lại các chấm trắng ở vùng cổ lá, nên nông dân còn gọi là bệnh khoang cổ. Bệnh nặng cả lá bị trắng, lá non mới ra quăn queo, lá khô héo và chết, bông lúa bị nghẹn, lá cờ quăn queo, hạt lép trắng, chồi non mọc ra bất thường. Lúa có thể bị thất thu hoàn toàn.

Để phòng ngừa bệnh nầy, nhất thiết phải vệ sinh đồng ruộng thật tốt, đốt cỏ rơm rạ trước, cày ải phơi đất ít nhất một tháng rồi cho ngập nước liên tục 3-4 tuần trước khi gieo cấy để diệt tuyến trùng trong đất hoặc khử đất trước khi cấy với các loại thuốc trừ sâu, xử lý rễ mạ trước khi cấy bằng cách ngâm 24 giờ trong dung dịch thuốc trừ sâu, giảm mực nước ruộng. Cuối cùng là thay giống lúa mùa muộn dài ngày bằng những giống lúa trung mùa ít nhiễm bệnh.

Hình 8.33 Bệnh tiêm đọt sần

4.2. Bệnh bướu rễ: (Hình 8.34) 

Do một loại tuyến trùng rễ Meloidogyne graminicola gây ra. Bệnh chỉ xuất hiện ở ruộng khô, đất thoáng khí. Bệnh thường xảy ra ở nương mạ hoặc lúa non trong điều kiện khô. Tuyến trùng trong đất xâm nhập vào rễ lúa làm rễ phù lên như cái bướu đường kính từ 1 – 5 mm. Rễ ngắn, đầu rễ trơ trụi không phát triển. Lá lúa vàng đỏ và khô héo cây lúa lùn xuống không nở bụi được và rất dễ bị héo lúc trưa nắng, cây lúa cũng dễ bị bệnh đốm nâu hơn. 

Nên làm mạ ướt để cấy giữ nước thường xuyên không để ruộng khô, đất cần được cày ải và cho ngập nước 2 – 3 tuần trước khi gieo cấy. Nếu lúa bị bướu rễ cần bơm nước ngập ruộng và giữ liên tục 3 – 5 cm, rãi 20 – 30 kg Basudin 10H hoặc Furadan 3H/ha hoặc các loại thuốc trừ sâu khác, vài ngày sau có thể bón một ít phân đạm và lân dễ tiêu giúp lúa mau hồi phục. 

Hình 8.34 Bệnh bướu rễ trên lúa


Related news

cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-12 Các thiệt hại trên ruộng… cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-10 Các thiệt hại trên ruộng…