Tôm thẻ chân trắng Cách diệt giáp xác, cá tạp trong ao hiệu quả

Cách diệt giáp xác, cá tạp trong ao hiệu quả

Publish date Saturday. January 3rd, 2015

Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm dùng để diệt cá tạp nhưng trong thành phần chủ yếu vẫn là 1 trong hai chất này

Dây thuốc cá
Dây thuốc cá được trồng nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh... - Ảnh Internet

 

1. Rotenon (Dây thuốc cá)

Dây thuốc cá (Derris elliptica) được trồng nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh... để lấy rễ. Rễ có thể phơi khô chế thành dạng bột để sử dụng. Rễ dây thuốc cá chứa hoạt chất chính là Rotenon, có tác dụng độc với cá và côn trùng nên thường được dùng để làm cho cá bị say để dễ bắt. Tuy nhiên ít độc hơn với loài giáp xác.

Theo các nghiên cứu thì cơ chế gây độc của rotenon qua khả năng ức chế sự oxy hoá, ngăn chận hoạt động của glutamate và pyruvate gây ngạt cho cá. Tính độc đối với cá tăng khi nước có tính acid; do vậy khi trong nước có tính kiềm cao phải tăng liều lưộng sử dụng. Trong cơ thể rotenone nhanh chóng được chuyển hoá qua gan. Ở ngoài trời rotenone có đặc điểm bị phân hủy nhanh ngay khi tiếp xúc với ánh sáng và không khí. Ngoài ra Rotenon trong nước dể bị KMnO4 làm mất độc tính với cá.

Người ta giã nát hay băm nhỏ rễ dây thuốc cá sau đó ngâm vào nước ao, hồ, sông, suối để thuốc cá, cá bị ngộ độc sẽ nổi lên. Dây thuốc cá còn được dùng để diệt sâu bọ, côn trùng, trừ sâu dùng trong cây trồng nông nghiệp. Theo kinh nghiệm dân gian, nước sắc hoặc nước ngâm rễ dây thuốc cá có tác dụng sát khuẩn, ghẻ lở cho súc vật.

Khi sử dụng dây thuốc cá để diệt cá tạp thì cần lưu ý là hoạt chất Rotenon càng mất hoạt tính khi độ mặn càng cao. Vì vậy, đối với các vùng nước ngọt hoặc có độ mặn dưới 10 phần ngàn thì dùng dây thuốc cá. Còn khi độ mặn trên 10 phần ngàn thì nên sử dụng bã trà (Saponine), vì hoạt tính của saponine tăng khi độ mặn tăng.

Nếu là ao nuôi tôm thì phải cải tạo ao thật kỹ trước khi sử dụng cũng như sau khi sử dụng. Vì dư lượng thuốc còn lại có thể làm cho tôm chết. Tốt nhất đối với ao nuôi tôm thì không nên sử dụng dây thuốc cá. Nồng độ sử dụng hiệu quả là 1ppm (loại 5% nguyên chất).

2. Saponine (Bột bã trà)

Saponin còn gọi là saponoid là một glycoside tự nhiên thường gặp trong nhiều loài thực vật. Saponin cũng có trong một số động vật như hải sâm, cá sao. Theo tiếng Latinh “sapo” có nghĩa là xà phòng và thực tế thường gặp là từ “saponification” có nghĩa là sự xà phòng hóa trong cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Saponin có nhiều nhất trong bã hạt trà, được chiết xuất từ hạt Camellia sp. Saponin được dùng để diệt cá tạp trong các ao nuôi tôm, vì nó là chất độc đối với cá nhưng không gây tác hại trên các loài giáp xác (tôm).

Saponin có tác dụng ức chế hô hấp của tất cả các loài động vật ở dưới nước có máu đỏ (máu có nhân haemoglobin), cá nằm trong nhóm này. Tôm cũng như các loài giáp xác khác có máu thuộc nhóm nhân haemocyanin (máu màu xanh da trời) nên không bị tác động bởi Saponin.

Khi dùng các chất này để diệt cá, người nuôi lưu ý tới độ mặn của nước ao nuôi vì đây là yếu tố quyết định tới tính chất của rotenon và saponin, khi độ mặn của nước ao nuôi càng lớn thì mức độ tác dụng của saponin càng lớn còn của rotenon càng giảm.

Biện pháp kỹ thuật diệt cá ở giai đoạn xử lý nước

- Với ao có độ mặn thấp: nếu sử dụng rotenon thì liều lượng rotenon sử dụng sẽ thấp do tác động của rotenon càng mạnh hơn khi được sử dụng ở độ mặn thấp, tuy nhiên trong thực tế nuôi trồng thuỷ sản thì người nuôi đa số sử dụng saponin do tính phổ biến, vì vậy khi dùng ở những vùng nuôi có độ mặn thấp, người nuôi tôm cần lưu ý sử dụng với liều lượng cao hơn mức bình thường để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Lưu ý: sử dụng Saponin khi dùng có thể ngâm nước trước khoảng 12h là tốt nhất và sau khi dùng thì tác dụng thường chậm, sau khoảng 3-4h mới bắt đầu thấy cá chết.

- Hiện nay, do lợi nhuận nên một số sản phẩm Saponin có hàm lượng saponin rất thấp hay không có và thay vào đó là một số chất có độc tính rất mạnh với động vật thuỷ sản (chất này làm cho cá chết nhanh và tồn lưu lâu trong ao nuôi, khiến ao có gây màu...chất này thường là chất đã bị cấm) nhưng nhà sản xuất vẫn ghi đầy đủ trên bao bì các thành phần Saponin, Rotenon này, người nuôi khi mua Saponin cần lựa chọn những công ty có uy tín, sản phẩm có công bố chất lượng đầy đủ.

- Liều lượng sử dụng để diệt cá:

+ Độ mặn từ 20‰ trở lên: 10 - 15kg/ 1.000 m3.

+ Độ mặn từ 20‰ trở xuống: 15 - 20kg/ 1.000 m3.

3. Chlorine

Chlorine thường được dùng với mục đích chính là khử dùng nhằm tiêu diệt hay làm bất hoạt các vi sinh vật trong nước. Nhưng với liều lượng cao, chlorine có thể diệt cá tạp hay giáp xác trong ao nuôi.

Sau 3 - 4 ngày lấy nước, dùng chlorine liều 25-30ppm (25-30kg/1.000m3) diệt giáp xác, cá tạp…

Lưu ý:

- Khi sử dụng hóa chất Chlorine diệt khuẩn cần lưu ý vào chỉ số pH và hàm lượng vật chất lơ lửng có trong ao để phát huy hết tác dụng của chlorine.

- Hiệu quả sử dụng giảm khi pH cao, khi đáy ao và nguồn nước có nhiều chất hữu cơ sẽ xảy ra phản ứng phụ, sinh ra chất độc cho tảo nên khó gây màu nước.

- Sau khi sử dụng Chlorine nên chạy quạt để giảm hàm lượng Clo trong ao thời gian từ 10-12 ngày thì mới sử dụng các sản phẩm khác tiếp tục.

TipsKết quả thử nghiệm sử dụng Chlorin trong diệt khuẩn Vibrio parahaemolitycus và Vibrio vulnificus (tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm) trong phòng thí nghiệm cho thấy 100% các mẫu Chlorin thu được từ các vùng nuôi (bao gồm Chlorin do Trung Quốc và Nhật Bản sản xuất) đều cho hiệu quả cao trong việc diệt khuẩn với nồng độ từ 5 ppm (Sở NN & PTNN Tiền Giang).

 

4. Antimycin A

Antimycin A là một chất kháng sinh tự nhiên do vi khuẩn dạng sợi Streptomyces griseus sinh ra. Tác động gây hại của Antimycin A là do ngăn cản quá trình vận chuyển điện tử, tức là nó có thể ngăn cản quá trình hô hấp. Sau khi phát hiện ra Antimycin 20 năm, người ta sử dụng nó vào việc diệt cá vì thấy rằng nó có độc tính cao đối với cá ở vùng nồng độ thấp hơn nhiều so với nồng độ có hại đối với các loài thủy động vật khác.

Antimycin A có một số đặc trưng sau: ít độc đối với động vật có vú, dễ phân hủy thành loại không độc, dễ sử dụng do có hoạt tính sinh học cao, liều lượng sử dụng thấp, cá không cảm nhận được nên không dễ trốn tránh, hóa chất này không có màu và mùi sau khi gặp nước, có thể khử độc tính rất nhanh với thuốc tím.

Độc tính của Antimycin A rất khác nhau đối với các loại cá: cá có vảy dễ bị thương tổn nhất, cá da trơn chịu đựng tốt hơn. Vì vậy hóa chất trên được sử dụng để diệt cá có vảy trong ao nuôi cá da trơn với liều lượng 3 – 10 µg/L. Trong phần lớn các trường hợp cá da trơn có thể chịu đựng được liều lượng ít nhất là 20 µg/L.

Độc tính của Antimycin A phụ thuộc vào điều kiện môi trường: giảm mạnh khi pH cao hơn 8.5 và ở vùng nhiệt độ thấp. Antimycin A ít được sử dụng để diệt cá hàng loạt vì để đạt được mục đích trên thì Rotenon có giá thành hạ hơn.

WarningCận thận với Cypermethrin

Trong vụ nuôi tôm 2011 vừa qua, một số nơi bà con nuôi tôm sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật, trong đó phần lớn sử dụng thuốc chứa gốc Cypermethrin để diệt giáp xác, đặc biệt là trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm.

Cypermethrin là loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc trừ sâu cho cây trồng (thuốc Bảo vệ thực vật); khi dùng liều cao dễ tồn lưu gây hại cho tôm thả nuôi trong thời gian qua. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ ... thuốc Bảo vệ thực vật này sẽ phân hủy từ từ.

Việc diệt cá tạp bằng thuốc trừ sâu rất nguy hại đến cá nuôi sau này và sức khỏe con người, tác hại lâu dài do hóa chất tồn lưu trong nước và trong đất từ 15 ngày đến vài năm tùy theo gốc của hóa chất được sử dụng làm thuốc.

Theo các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, gốc Cypermethrin có thể tồn tại trong môi trường nước từ 40-70 ngày.

Cypermethrin có khả năng gây ức chế thần kinh của người và động vật, và có thể gây chết người và động vật thuỷ sinh nếu ở liều lượng cao. Trong thời gian thuốc diệt giáp xác vẫn còn ngưỡng độc ức chế thì những ao đó rất khó gây màu, dễ sinh tảo độc, hạn chế sinh vật phù du phát triển làm tôm chậm lớn, nếu độc tố vẫn còn tồn lưu sẽ ảnh hưởng đến hệ gan tụy làm cho gan tôm bị yếu, sức đề kháng kém dễ phát sinh dịch bệnh. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây tôm chết hàng loạt trong thời gian qua, mà các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 xác định triệu chứng bệnh trên tôm là bệnh gan tụy do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa gốc Cypermethrin (Trung tâm KNKN Cà Mau).

Lời khuyên: Với những rủi ro trên, không nên sử dụng Cypermethrin!

 

Nguồn: www.aquatec.vn tổng hợp

Tags: diệt giáp xác, diệt cá trong ao, Rotenon, Dây thuốc cá, Saponine, Bột bã trà, Chlorine, Antimycin A, Cypermethrin


Related news

tao-lam-cach-xu-ly-va-phong-ngua-tao-lam Tảo lam, cách xử lý… quan-ly-khi-doc-h2s-trong-ao-tom Quản lý khí độc H2S…