Mô hình kinh tế Cách Làm Khuyến Nông Của Chị Hậu

Cách Làm Khuyến Nông Của Chị Hậu

Publish date Tuesday. June 18th, 2013

Rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành thú y nhưng chị Phạm Thị Hậu, 31 tuổi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ - Thái Nguyên) không xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn hay cơ quan Nhà nước mà lại đam mê công việc của một khuyến nông viên. Bởi chị tâm niệm, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, ổn định đã là một niềm hạnh phúc...

Mỹ Yên là xã miền núi vùng cao, có nhiều dân tộc cùng chung sống, địa bàn rộng lớn lại trải dài trên 25 thôn xóm, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém... nên những năm trước đây, đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, năng suất cây trồng – vật nuôi đều thấp.

Với lợi thế có 5 xóm chuyên sản xuất chè với tổng diện tích trên 400ha, năm 2007 chính quyền xã thực hiện chủ trương cải tạo những diện tích chè kém chất lượng, già cỗi. Chị Hậu cho biết: “Thời gian đầu triển khai mô hình, các hộ đều rất ngại ngần, băn khoăn vì nếu chặt bỏ hết chè cũ, trồng chè mới thì biết bao giờ mới được thu hoạch? Trong khi họ lại là những hộ dân sống dựa chủ yếu vào cây chè.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu rằng việc thay thế này được thực hiện dần dần, nghĩa là sẽ trồng xen giống chè mới vào giữa 2 luống chè giống cũ. Chúng tôi đã hướng dẫn bà con chặt bớt tán cây chè cũ, chăm sóc chè mới trồng đúng kỹ thuật, cây chè lớn đến đâu thì chặt bỏ chè cũ dần đến đó”.

Không chỉ giúp bà con trong việc cải tạo chè, chị Hậu còn đảm đương cả những công việc liên quan đến chăn nuôi, xây dựng lịch cấy lúa, trồng ngô... cho toàn bộ các thôn xóm của xã. Ngoài ra, mỗi năm chị còn triển khai tập huấn cho bà con sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi... “Trước đây Mỹ Yên có 2 khuyến nông viên, công việc được chia đôi, song từ năm 2006 đến nay, chỉ còn mình tôi đảm nhiệm nên phải kiêm nhiều lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm – ngư nghiệp”, chị Hậu tâm sự.

Đến nay, chị Hậu đã gắn bó với công việc khuyến nông được gần 8 năm. Khối lượng công việc hàng ngày của chị có lẽ nhiều gấp 3, 4 lần so với cán bộ khuyến nông cấp huyện, tỉnh. Càng khó khăn hơn khi địa bàn chị làm việc có nhiều đồng bào dân tộc, trình độ dân trí còn hạn chế nên mọi việc đều phải “cầm tay chỉ việc” cho bà con, nhất là khi phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan, phải diễn đạt hết sức ngắn gọn, cụ thể để bà con dễ nắm bắt và áp dụng.

Theo chị Hậu, khó khăn lớn nhất của các khuyến nông viên cấp xã và thôn bản là tìm cách truyền đạt, hướng dẫn bà con thế nào cho hiệu quả, bên cạnh đó, đội ngũ khuyến nông viên thôn bản còn phải chịu nhiều thiệt thòi do chưa được hỗ trợ kinh phí đi lại, địa bàn rộng lớn. “Nếu không yêu nghề, không tâm huyến với bà con, chắc chúng tôi cũng khó trụ vững. Nhưng với những kiến thức mình đã được học, tôi rất muốn trở thành một khuyến nông viên giỏi để chia sẻ khó khăn với người nông dân, giúp họ có thêm nhiều mùa vụ thắng lợi”.


Related news

hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ca-lon-an-toan-sinh-hoc Hiệu Quả Từ Mô Hình… mot-nha-vuon-an-nen-lam-ra Một Nhà Vườn Ăn Nên…