Mô hình kinh tế Cách làm mới trong ghép cải tạo cà phê

Cách làm mới trong ghép cải tạo cà phê

Publish date Wednesday. June 3rd, 2015

Gia đình ông vào lập nghiệp trên mảnh đất này từ năm 1996, bắt đầu trồng cà phê từ 3 ha. Đến năm 2000, vườn cà phê của gia đình ông cho thu hoạch. Chính lúc này ông bắt đầu chọn lọc những cây đẹp, nổi trội có quả to đẹp, chịu hạn tốt và cho năng suất cao để giữ lại làm cây giống đầu dòng. Những cây không có đặc tính nổi trội và cho năng suất bình thường ông tiến hành ghép cải tạo.

So với nhiều cách ghép của bà con nông dân trồng cà phê, ông Nhiên đã nghĩ ra một cách ghép cải tạo khác. Ông thường ghép nhiều gốc nuôi nhiều thân, khi cây cà phê trồng trước già cỗi thì các gốc ghép sau còn trẻ và khỏe mạnh để nuôi thân cây trước. Do đó cây cà phê của gia đình ông rất khỏe và không có biểu hiện già cỗi. Những cây cà phê năng suất không đạt, ông vẫn để lại và ghép dần bằng mắt ghép của cây giống tốt. Hoặc ông trồng cây giống tốt cạnh cây giống cũ, sau đó ông ghép áp 2 giống lại, khi cây giống này phục hồi và phát triển đến thời điểm cho thu hoạch quả và đạt năng suất, ông cưa bỏ cây giống cũ.

Từ cách nghĩ, cách làm sáng tạo, ông đã có hướng đi trước so với mọi người trong việc tự chọn lọc cà phê giống tốt, đồng thời có kế hoạch ghép cải tạo lại những cây cà phê cho năng suất thấp. Cách ghép cải tạo của ông giúp sản lượng cà phê thu hoạch vẫn được giữ ổn định do không bị ngắt quãng vì thời gian phải ghép cải tạo và tăng hơn so với bình thường. Ông cho biết: “Cà phê ghép theo hình thức này thì chăm sóc kỳ công hơn. Nhưng cà phê ghép được chọn lọc nên sai quả hơn, to hơn, cây tập trung nhiều dinh dưỡng nuôi quả hơn”. Năm 2014, với diện tích 3 ha, gia đình ông thu được trên 15 tấn cà phê nhân.

Ông Nhiên cũng là người có tư duy sản xuất mới và luôn hướng tới sản xuất cà phê sạch, cà phê bền vững. Vườn cà phê của gia đình ông từ khi trồng đến nay không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông cũng rất hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, ông luôn hướng sử dụng phân hữu cơ là chủ đạo.

Hàng năm ông thường xuyên bổ sung lượng phân hữu cơ cho vườn cà phê của gia đình. Những việc làm của ông đã giúp ông gặp được nhiều thuận lợi trong sản xuất. Năm 2014, ông được Công ty chế biến cà phê tại Tp. Hồ Chí Minh đặt mua 10 tấn cà phê lụa với giá 46.000 đồng/kg, đắt hơn cà phê sản xuất bình thường 5.000 đồng/kg cùng thời điểm.

Ông Nhiên chia sẻ: “Muốn làm được cà phê lụa đẹp, chất lượng cao thì khâu thu hái phải đảm bảo, cà phê phải đạt độ chín từ 95% trở lên, phải phơi được nắng”. Tuy yêu cầu khắt khe là thế nhưng ông Nhiên vẫn thực hiện rất tốt các khâu của làm cà phê sạch.

Ông cho biết thêm, vì mong muốn được làm cà phê sạch mà ông đã tìm hiểu rất nhiều về cách làm cà phê sạch, cà phê vỏ lụa. Ban đầu ông cũng gặp phải không ít những khó khăn nhưng ông không nản chí, ông đã tìm hiểu và mua máy xát vỏ lụa của cà phê catimor để sử dụng cho cà phê vối nhưng loại máy này chưa thực sự phù hợp để sản xuất cà phê vối lụa. Ông là người rất ham học hỏi, nghe ở đâu có khoa học kỹ thuật là ông đến, ở đâu nói về cà phê sản xuất sạch, bền vững là ông tìm hiểu.

Tháng 3/2015, ông đã tự bỏ kinh phí đi và tìm hiểu về quy trình kỹ thuật cũng như các loại máy móc trang thiết bị cho sấy khô và sản xuất cà phê vối vỏ lụa để về tự làm tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 tại tỉnh Đăk Lăk. Qua chuyến đi, ông đã tìm hiểu được nhiều điều nhưng điều mà ông mong muốn là mua được máy chế biến cà phê vỏ lụa cho gia đình thì chưa thực hiện được. Ông tâm sự, các loại máy trưng bày tại đây đều là máy phục vụ cho sản xuất với công suất lớn, loại máy phục vụ cho sản xuất của gia đình không có mà phải đặt mua, giá của loại máy này tương đối cao nên hiện giờ ông chưa làm được. Trong thời gian tới ông sẽ cố gắng thực hiện được ước muốn của mình.

Với cách nghĩ và cách làm của mình, ông Nhiên xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong sản xuất cà phê bền vững, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm sạch mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.


Related news

xuat-khau-ca-phe-thach-thuc-4-thang-cuoi-vu Xuất khẩu cà phê thách… can-nhieu-giai-phap-dong-bo-de-phat-trien-mo-hinh-canh-dong-lon Cần nhiều giải pháp đồng…