Mô hình kinh tế Cách Nào Thu Hút Đầu Tư Vào Nông Nghiệp?

Cách Nào Thu Hút Đầu Tư Vào Nông Nghiệp?

Publish date Friday. November 11th, 2011

Là lĩnh vực luôn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, song việc đầu tư nguồn lực của Nhà nước cũng như doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Làm thế nào để khu vực này thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý. Xin ghi lại một số "kế sách" của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Phải làm rõ từng chính sách

 
Hồ Xuân Hùng
Ông Hồ Xuân Hùng, Cựu Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNN

Có thể nói, những năm qua, ít có doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì đây là ngành có nhiều rủi ro. Thứ nhất, đầu tư lớn mà hiệu quả thấp; thứ hai là mâu thuẫn giữa thị trường lớn trong khi sản xuất nhỏ. Nếu không giải quyết được 2 mâu thuẫn này thì việc thu hút đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp, nông thôn sẽ không mang lại hiệu quả.

Tôi cho rằng, chúng ta phải có giá đỡ cho doanh nghiệp, đồng thời kích thích họ phát huy lòng yêu nước, yêu quê hương. Vậy ai sẽ làm giá đỡ, theo tôi, chính là Chính phủ. Và chúng ta phải làm rõ từng chính sách cụ thể. Tại sao thời gian qua, nhiều ý kiến băn khoăn rằng vì sao Nhà nước không quy hoạch khu công nghiệp, chế xuất lên vùng đồi núi mà lại lấy đất lúa? Rất đơn giản, bởi giao thông ở các vùng đó đi lại khó khăn, chi phí tốn kém, trong khi trình độ nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu và như thế thì làm sao doanh nghiệp có thể đầu tư được.

Tôi lấy ví dụ thế này, Chính phủ ban hành chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên là làm việc 7 giờ/ngày, cùng với đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. Song việc thực hiện vô cùng khó. Ở một khía cạnh khác, với hạ tầng giao thông như hiện nay, nếu đầu tư vào, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn, nếu Nhà nước không tìm cách giảm chi phí này giúp họ thì việc thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy ở miền núi sẽ khó vô cùng. Ngoài ra, nếu chúng ta thực hiện tốt chế độ bảo hiểm rủi ro thì dần dần, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp.

Cùng với đó, chúng ta cần chú trọng tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết, vì vậy làm sao phải có khung pháp lý để bảo vệ cam kết giữa người bán với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn hiện nay, nhiều khi vì lợi nhuận trước mắt, nông dân phá hợp đồng với doanh nghiệp, song việc xử kiện vô cùng khó.

Nông nghiệp ngày càng hấp dẫn đầu tư

 
Võ Chí Thành
Ông Võ Chí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương

Mấy năm qua, tỷ lệ đầu tư vốn cho nông nghiệp có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp theo cam kết cũng chỉ đạt dưới 1%, rất thấp so với các ngành khác. Đó là chưa kể ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam, mà cụ thể là khối tư nhân cũng chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, bây giờ thời thế thay đổi, bối cảnh thay đổi, nông nghiệp không chỉ trở thành lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn là lĩnh vực ngày càng hấp dẫn dưới góc độ đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực vốn, bản thân Nhà nước cũng có 3 vấn đề. Thứ nhất, vốn Nhà nước phải được đưa vào cơ sở, kết cấu hạ tầng để đảm bảo rằng đó là nền tảng cho phát triển nông nghiệp ổn định. Và nguồn vốn này chắc chắn được điều chỉnh theo hướng tăng dần. Thứ hai, dưới góc độ vốn thì Việt Nam vẫn còn xa mới sử dụng hết các nguồn hỗ trợ cho nông nghiệp mà theo cam kết quốc tế có thể đạt đến 10% giá trị sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là chúng ta dùng như thế nào để vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa để nông dân được hưởng lợi. Thứ ba, vốn nhà nước phải gắn với một số định chế tài chính, ví dụ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các ngân hàng thương mại nhằm tạo ra một độ năng động nhất định để tín dụng của các ngân hàng, trong đó có khối tư nhân, đổ vào nông nghiệp.

Hiện nay, bên cạnh nguồn vốn Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp tăng lên thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho lĩnh vực này cũng bắt đầu tăng. Nhưng muốn phát huy hiệu quả những đồng vốn đó, ngành nông nghiệp phải tạo thêm giá trị gia tăng và nó phải bắt đầu từ khâu sản xuất của nông dân, doanh nghiệp... Nếu như mối liên kết 4 nhà được thực hiện tốt thì nó sẽ góp phần giảm chi phí nội hóa và tăng định lượng.

Nên học kinh nghiệm quốc tế

 
Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn

Suy giảm đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi ngành này có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế. Tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững là nền tảng để tạo ra ổn định xã hội, ổn định mức thu nhập cho người lao động và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mặc dù có thể đem lại hiệu quả cao nhưng cũng thường xuyên gặp rủi ro lớn về thời tiết, thị trường đầu ra và đầu vào. Với xuất phát điểm thấp, Nhà nước cần ưu đãi nhiều hơn cho xây dựng hạ tầng và vốn thì mới có thể đủ sức lôi kéo các doanh nghiệp lớn.

Khi được hỏi, đã có 76% doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn cho rằng thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển của họ trong 5 năm tới, trong đó 33% doanh nghiệp cho là đặc biệt trở ngại. Các chính sách vĩ mô từ trước tới nay vẫn ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu hoặc tạo ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các ngành phi sản xuất như tài chính, chứng khoán, bất động sản nên các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam cũng như các tập đoàn nước ngoài đều có mặt trong các ngành này, nhưng lại rất ít đơn vị đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân thì từ trước tới nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách được cho là hết sức ưu đãi đối với doanh nghiệp. Song tôi cho rằng, những chính sách đó vẫn chưa đủ sức hấp dẫn họ. Trong khi trên thực tế, nhiều nước có cùng điều kiện sản xuất nông nghiệp như Việt Nam đã làm và làm rất hiệu quả. Cũng xuất phát điểm là nước nông nghiệp nên trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, họ chú trọng đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí để giải quyết đất đai bị phân tán, nhỏ lẻ, họ đã đưa các nhà khoa học xuống nông thôn để chuẩn bị kỹ lưỡng việc quy hoạch đất đai và thông qua nông hộ để bàn bạc với người dân, từ đó thống nhất phương án quy hoạch lại đất đai. Khi người dân đồng ý, Chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ để cải tạo đồng ruộng và làm đường giao thông nội đồng. Kết quả là, mặc dù quy mô ruộng đất của nông hộ vẫn ở mức 1ha, nhưng các mảnh ruộng của họ trở nên vuông vắn, dễ canh tác bằng máy, thu hoạch dễ dàng và tạo điều kiện áp dụng kỹ thuật sản xuất mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên học tập kinh nghiệm của các nước để áp dụng chính sách hiệu quả.


Related news

hon-50-trieu-usd-ho-tro-nong-dan-dung-may-tinh Hơn 50 Triệu USD Hỗ… thanh-lap-nghiep-doan-nghe-ca-o-binh-thuan Thành Lập Nghiệp Đoàn Nghề…