Tin thủy sản Cách phòng bệnh cho thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Cách phòng bệnh cho thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Author Ks. Ngô Xuân Lai, Trạm KN-KN Sông Cầu, publish date Friday. August 31st, 2018

Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Mùa mưa lũ thường cũng là mùa khai thác, đánh bắt cá tự nhiên của người dân dưới nhiều hình thức như câu, giăng lưới, đóng đáy, cào… tại các thủy vực tự nhiên đã làm gia tăng các bệnh cho động vật thủy sản ngoài tự nhiên.

Khi có sự trao đổi nước giữa các thủy vực tự nhiên và vùng nuôi thủy sản do con người hoặc nước lũ tràn về là nguyên nhân lây lan các chứng bệnh phổ biến cho sinh vật nuôi như các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột... Do đó cần phải tiến hành các biện pháp quản lý ao, chăm sóc động vật thủy sản trong mùa mưa bão như sau:

- Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao.

- Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu là do thiếu ô xy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/100m3 nước để làm cho nước trong sạch.

- Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

- Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite hoặc sử dụng các chất có chứa Tricloisoxianuric axit định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để quản lý môi trường ao nuôi.

- Đối với nuôi cá lồng, bè cần sử dụng hoá chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác. Hoặc sử dụng hóa chất có thành phần chính là Tricloisoxianuric axit đựng trong túi vải treo trong lồng, bè (vị trí và độ sâu treo như túi vôi). Liều lượng sử dụng là 50g/10m3 nước, khi thuốc tan hết thì bổ sung thuốc mới.

- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng dầu mực nhằm bao bọc thức ăn tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10g/kg thức ăn.

- Trường hợp mưa liên tục nhiều ngày, tại các ao nuôi tôm nước lợ có độ mặn giảm thấp trong khoảng thời gian dài cần chuẩn bị nước mắm nhỉ chất lượng cao để kịp thời phối trộn cùng thức ăn công nghiệp kích thích cho tôm ăn, tăng cường tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm.


Related news

thu-hang-ty-dong-tu-ca-lang-nha-giong Thu hàng tỷ đồng từ… phong-benh-tong-hop-cho-thuy-san-trong-mua-he Phòng bệnh tổng hợp cho…