Nuôi lợn (Heo) Cách Phòng Bệnh Sưng Phù Đầu Lợn

Cách Phòng Bệnh Sưng Phù Đầu Lợn

Publish date Monday. July 8th, 2013

Bệnh sưng phù đầu lợn do trực khuẩn E.Coli gây ra. Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn lợn cai sữa và sau cai sữa 1-3 tuần lễ, giai đoạn này lợn con được tách khỏi mẹ nên thường có thay đổi về thức ăn, dinh dưỡng, chuồng trại nuôi nhốt. Mặt khác những yếu tố stress bất lợi (thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm) hoặc chuồng trại thiếu vệ sinh cũng là những nguyên nhân làm cho E.Coli phát triển và gây bệnh. Bệnh cũng có thể gặp ở những đàn lợn con còn đang bú mẹ (dưới 40 ngày tuổi) hoặc ở lợn con mới trưởng thành (giai đoạn chuyển sang nuôi thịt) nhưng với tỷ lệ thấp hơn.
Triệu chứng bệnh

Bệnh thường diễn ra nhanh, nhiều trường hợp lợn chết đột ngột không biểu hiện triệu chứng hoặc trước đó lợn đi chao đảo, hay nằm, vận động thiếu phối hợp. Trên một đàn lợn, bệnh thường xảy ra trên các con lớn nhất, sau đó lây sang các con khác. Hiện tượng phù thũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh, thường thấy ở vùng đầu như: gây phù mí mắt làm mắt như lồi ra ngoài; phù ở hầu chèn ép thanh quản làm thay đổi tiếng kêu của lợn (tiếng khàn): phù thũng não và bị chèn ép dẫn đến những triệu chứng thần kinh co giật, liệt 2 chân sau, chuyển động mất định hướng, đâm đầu vào tường.

Hiện tượng choáng cấp tính cũng là triệu chứng thường gặp thể hiện qua sự thở khó, xung huyết ở các niêm mạc (mắt, mồm), xanh tím ở các vùng ngoại biên như tai, mõm.

Thân nhiệt của lợn bình thường, không sốt, lợn có thể bị tiêu chảy hoặc không tiêu chảy. Tỷ lệ chết thay đổi từ 40 đến 90% thậm chí 100%.

Cách phòng bệnh

Khi độc tố của E.Coli đã nhiễm vào máu thì mọi việc chữa trị đều không hiệu quả. Do vậy phòng bệnh là cách duy nhất để tránh bệnh sảy ra.

1. Vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng

Luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, khô ráo; thức ăn, nước uống hợp vệ sinh nhằm giảm mật độ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lợn. Sau mỗi lứa cần sát trùng và tẩy uế chuồng trại bằng thuốc Prophyl, Halamid, Hanlotdin hoặc vôi bột...

- Tập cho lợn ăn sớm vào tuần lễ thứ hai bằng thức ăn thế sữa.

- Cung cấp cho lợn con đầy đủ các nhu cầu về vitamin và khoáng chất (bổ sung premix vào khẩu phần ăn). Khi thay đổi thức ăn cho lợn phải thay đổi từ ít đến tăng dần trong 3 ngày sau đó mới cho ăn hoàn toàn thức ăn mới.

- Khi cai sữa nên giữ lợn con ở lại chuồng và chuyển lợn mẹ sang chuồng khác. Trong những ngày đầu không nên cho lợn ăn quá nhiều, giảm chất bột, chất đạm và tăng thức ăn thô xanh trong khẩu phần. Khi lợn ăn xong dọn sạch máng ăn, máng uống không để thức ăn dư thừa trong máng.

2. Bằng thuốc kháng sinh:

Là biện pháp rất quan trọng và cần thiết, không nên bỏ qua, kể cả khi đã thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh bằng vệ sinh chăm sóc hay đã tiêm phòng bằng văcxin cho lợn. Dùng kháng sinh trong vòng 3 ngày liền và lặp lại khi cần thiết đối với những trường hợp sau: khi cai sữa cho lợn con; khi thay đổi thức ăn; khi chuyển nuôi thịt, thay đổi chuồng trại, hoặc nhập lợn về....

Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau trộn vào thức ăn hoặc nước uống.

- Cofacoli: 1,3 g/ 10 kg thể trọng/ngày.

- Colisultrix: 2-2,5 g/10 kg thể trọng/ngày.

- Naote-sol: 60-120 mg/kg thể trọng/ngày.

- Norfacoli: 1g/5-7 kg thể trọng/ngày.

Khi trong đàn có con có triệu chứng phải cách ly con ốm và phòng bệnh toàn đàn cho lợn bằng các loại kháng sinh sau:

- Genta-costrim: 1g/8-10 kg thể trọng, cho uống.

- Genorfcoli: 2mg/10 kg thể trọng, tiêm bắp thịt.

- Colidox-plus: 0,5-1 g/con/ngày, cho uống.

- Coli flox: 1 ml/15 kg thể trọng/ngày, tiêm bắp.

Kết hợp với việc ngừng cho lợn ăn 12 giờ và cho uống tự do, sau đó cho ăn lại từ ít đến tăng dần đến đủ khẩu phần thức ăn có trộn kháng sinh.

Thời gian cập nhật: 10:45 AM Wednesday, November 15


Related news

nuoi-duong-va-cham-soc-lon-nai-sinh-san Nuôi Dưỡng Và Chăm Sóc… benh-cau-trung-heo-con-va-cach-phong-tri Bệnh Cầu Trùng Heo Con…