Cây cao su Cách Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao Su

Cách Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao Su

Publish date Wednesday. April 30th, 2014

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su, nhất là vào thời điểm cây ra lá non, thuận lợi cho các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, nhện vàng phát sinh gây hại.

Vì thế, bà con nông dân cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, tránh để bệnh hại xảy ra làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của vườn cây.

Gia đình ông Trần Xuân Thu ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) có 2 ha cao su. Thời gian này, khi thời tiết giao mùa giữa mùa lạnh sang hanh khô, mỗi ngày ông đều ra thăm vườn một lần, tiến hành phát dọn ở những khu vực có nhiều cỏ dại để phòng tránh các loại sâu bệnh phát sinh. Tuy nhiên, qua theo dõi, vườn cây của ông vẫn có những biểu hiện của bệnh phấn trắng, Ông Thu cho biết: “Mấy ngày này, khi thấy các biểu hiện của bệnh phấn trắng và bắt đầu có hiện tượng rụng lá non, phiến lá bị biến dạng, tôi lập tức tỉa bỏ những cành bị bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ. Nhờ đó, phần nào hạn chế được sự phát sinh của sâu bệnh trên cây cao su”.

Ông Hoàng Văn Cúc ở bon Bu Lanhxã Đắk R’tíh (Tuy Đức) có gần 1 ha cao su nhưng gần đây đã phát hiện một số cây bị bệnh héo đen đầu lá. Để ngăn bệnh phát sinh mạnh gây hại, ông huy động cả nhà gồm 5 người ra vườn để kiểm tra từng cây một và tiến hành phun thuốc phòng trừ.

Ông Cúc cho biết: “Nhờ trước đó được tham gia lớp tập huấn về cách nhận biết, phòng trừ bệnh trên cây cao su do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức nên khi thấy khoảng 10% cây có lá non nhú chân chim trên vườn, tôi dùng máy phun 2-3 lần với chu kỳ 10 ngày/lần vào buổi sáng, khi trời ít gió. Khi cây ra lá được khoảng 90% thì tôi không phun nữa. Nhờ cách làm này mà tôi đã khống chế được dịch bệnh lây lan”.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tuy Đức thì toàn huyện hiện có 7.158 ha cao su, trong đó có trên 1.550 ha ở thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, qua kiểm tra, ở nhiều vườn cây đã có biểu hiện của sâu bệnh. Do đó, Phòng đang tập trung cử cán bộ xuống cơ sở, cùng với khuyến nông, bảo vệ thực vật xã, thôn, bon hướng dẫn, chỉ đạo bà con tăng cường các biện pháp chăm sóc đúng cách như bón cân đối các loại phân bón, giảm mật độ cạo mủ, vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành bị bệnh đem đi tiêu hủy, phun thuốc hóa học tránh để bệnh hại lây lan ra diện rộng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì hiện nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm hécta cao su có biểu hiện của sâu bệnh gây hại, nhất là tại các huyện Tuy Đức, Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Trước tình hình này, mới đây, Chi cục cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật nhanh chóng triển khai kiểm tra, theo dõi diễn biến bệnh trên toàn bộ diện tích, hướng dẫn nhân dân phòng, trừ hiệu quả. Khi vườn cao su mắc các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, bà con phải biết sử dụng đúng thuốc đặc trị, đúng lúc, đúng liều lượng.

Cụ thể, có thể sử dụng các loại thuốc hóa học như: Bột lưu huỳnh thấm nước (Kumulus 80WP, Sulox 80WP) nồng độ 0,3%; Hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp của Carbendazim và Hexaconazole (Arivit 250SC, Vixazol 275SC) nồng độ 0,2% hoặc Diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) nồng độ 0,05 - 0,1%.

Phun thuốc lên tán lá khi có 10% cây có lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng phun khi 80% cây có lá ổn định. Dùng máy phun cao áp, phun 2-3 lần với chu kỳ 7-10 ngày/lần vào buổi sáng ít gió với lượng nước 1.000 - 1.400 lít/ ha.

Những nơi có điều kiện, nhà vườn có thể sử dụng thêm phân bón qua lá để tăng cường sức đề kháng cho cây. Đồng thời, nông dân cũng cần kết hợp với các biện pháp như bón thêm kali, giảm đạm, tạm ngưng hoặc hạn chế bớt số lần cạo mủ, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành bị bệnh đem đi tiêu hủy…


Related news

mot-so-ky-thuat-cham-soc-va-khai-thac-cao-su-tieu-dien-co-hieu-qua Một số kỹ thuật chăm… phong-tru-benh-hai-tren-cay-cao-su-thoi-ky-thay-la Phòng Trừ Bệnh Hại Trên…