Cam go cuộc chiến chống chất cấm
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, điển hình là chất tạo nạc nhóm beta-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol) đối với heo, vàng ô trong nuôi gà được xem là tội ác nhưng xử lý nhẹ tay, thiếu quyết liệt đã vô tình dung túng cho sai phạm.
Sức khỏe người tiêu dùng còn tiếp tục bị đe dọa nếu cơ quan quản lý không có giải pháp mạnh tay và đồng bộ.
Phạt nhẹ để khỏi bị kiện!
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết đàn heo của tỉnh hiện lên đến 1,5 triệu con, cơ quan chức năng không thể kiểm tra xuể nên chỉ tập trung ở những nơi có nguy cơ cao.
Với nông hộ, kết quả giám sát mới nhất cho thấy tình hình cải thiện đáng kể với 4/102 mẫu vi phạm.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang tập trung kiểm tra các vựa, nơi vỗ béo heo từ 70-90 kg đến khi xuất chuồng vì thường xuyên sử dụng chất cấm.
“Cái khó hiện nay là chúng ta gọi đó là chất cấm nhưng lại cho phép tồn dư trên thịt, nước tiểu...
Khi phát hiện vi phạm lại cho nuôi nhốt để thải hết chất cấm ra, sau đó tiếp tục giết mổ và kinh doanh như thường.
Hơn nữa, việc phạt tiền lại theo hành vi, lô hàng 1 con heo cũng như lô 1.000 con heo có chất cấm thì rất khó răn đe” - ông Báu bức xúc.
Theo quy định hiện hành, các chất Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng luật lại cho phép tồn tại trong giới hạn.
Cụ thể, với Salbutamol (chất đang dùng phổ biến hiện nay), trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nếu có dưới 50 ppb; nước uống, thịt, gan, máu ngưỡng dưới 5 ppb và nước tiểu dưới 2 ppb vẫn được chấp nhận.
Từ đây, dễ nảy sinh tranh chấp pháp lý giữa cơ quan thực thi và chủ hàng.
Bởi khi kiểm tra nhanh thấy dương tính nhưng lúc phân tích ở phòng thí nghiệm (có giá trị pháp lý) nếu không vượt ngưỡng trên thì vẫn không vi phạm.
“Đã cấm thì phải không được tồn tại, kiểm tra phải bằng 0 nhưng lại cho tồn dư, người chăn nuôi sẽ lợi dụng quy định này mà cho heo ăn chất cấm ở liều lượng ít để không vượt ngưỡng” - ông Báu đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, cho biết cũng vì quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi còn quá mơ hồ nên mới đây khi phát hiện 105 con heo trên địa bàn dương tính với chất cấm, chi cục đã rất “đau đầu” trong việc xác định trường hợp vi phạm là “nông hộ” hay “trang trại” (mức phạt tiền khác nhau) nên đành áp dụng khung phạt tiền thấp nhất để tránh thưa kiện.
Cho tồn dư để tránh oan sai
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng những quy định của pháp luật để xử lý chất cấmcơ bản đã đủ nhưng các địa phương chưa vận dụng hết.
“Quy định hiện hành phạt theo hành vi nên lô hàng 1 con heo hay 1.000 con heo đều bị phạt như nhau.
Nhưng biện pháp bổ sung là tiêu hủy lô hàng ở lần tái phạm hiện chưa thấy địa phương nào áp dụng.
Heo có chất cấm không tiêu hủy mà cứ đòi xử lý hình sự, bỏ tù người ta sao được?!” - ông Dương nhấn mạnh.
Thực tế, việc người nuôi heo sử dụng chất tạo nạc nhóm beta-agonist được phát hiện vào năm 2006, khi ấy Việt Nam đã phải gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm tra do phòng thí nghiệm trong nước chưa đủ năng lực.
Năm 2012, chất cấm bùng phát và người tiêu dùng đã “tẩy chay” thịt heo đến nỗi giá heo hơi rớt từ 47.000 đồng/kg còn 37.000 đồng/kg, mỗi tháng ngành nuôi heo thiệt hại đến 2.800-3.000 tỉ đồng.
Sau đó, tình hình được kiểm soát dần cho đến cuối năm 2014 thì bùng phát trở lại và đến nay chưa có dấu hiệu dừng.
Ngoài chất tạo nạc, thời gian gần đây, thị trường còn nổi lên chất vàng ô trộn trong thức ăn cho gà nhằm tạo màu bắt mắt nhưng độc hại cho người sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM, chưa có phòng thí nghiệm nào thực hiện được các xét nghiệm liên quan đến chất này.
Theo lãnh đạo ngành chăn nuôi, những phát hiện thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Những địa phương phát hiện vi phạm nhiều là do quy mô chăn nuôi lớn hoặc tăng cường kiểm tra.
Những địa phương chưa phát hiện không hẳn là “an toàn” mà do việc kiểm tra chưa trúng.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, việc quy định giới hạn cho phép các chất trên không phải là cho phép tồn dư mà chỉ là ngưỡng để phòng thí nghiệm kiểm tra không có sai số.
“Không có gì là tuyệt đối, có cái vi phạm do vô tình, có cái do cố ý.
Nếu cố ý thì nồng độ luôn cao chứ không ai cho vào thấp vì không có hiệu quả.
Quy định này để tránh oan sai” - ông Dương nói.
Bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (chủ lò mổ An Hạ - huyện Củ Chi, TP HCM):
Nên kiểm tra chất cấm tại lò mổ
Do còn hạn chế về kinh phí, phương tiện, nhân lực nên tần suất lấy mẫu kiểm tra chất cấm tại các lò mổ hiện nay của cơ quan chuyên môn còn thấp.
Cùng một thời điểm, chỉ có thể tiến hành kiểm tra lại 1-2 cơ sở trong khi TP HCM có hơn 20 lò mổ đang hoạt động.
Do vậy, dẫn đến tình trạng khi nghe tin lò mổ này bị kiểm tra thì thương lái có nguồn heo “có vấn đề” sẽ đổ về lò khác mổ để khỏi bị kiểm tra.
Vì vậy, nên có quy định bắt buộc tất cả lò mổ trang bị hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện xét nghiệm nhanh để kiểm soát chất cấm trước khi đưa vào giết mổ nhằm hạn chế tình trạng trên.
Ngoài ra, cần có biện pháp ngăn chặn tối đa các lò mổ lậu để bảo đảm việc kiểm soát chất cấm tại lò mổ hợp pháp có hiệu quả.
Hiện nay, tình trạng giết mổ lậu vẫn còn tràn lan.
Trong đó, đa phần nguồn heo bệnh, heo ăn chất cấm, tiêm thuốc an thần độc hại sẽ được ra thị trường tiêu thụ bằng con đường này.
TS Kiều Minh Lực (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam):
Sản xuất phải an toàn
Ngay từ khi bắt đầu phát triển chăn nuôi heo tại Việt Nam vào năm 2000, Công ty C.P đã có quan điểm nói không với chất tạo nạc.
Do vậy, công ty thực hiện các giải pháp đồng bộ từ con giống, công nghệ chăn nuôi, thức ăn, chuồng trại đến tổ chức quản lý… để thịt heo bảo đảm an toàn thực phẩm và có tỉ lệ nạc cao theo yêu cầu của thị trường mà không sử dụng chất tạo nạc.
Với các trại nuôi gia công cho C.P, chúng tôi yêu cầu họ chỉ sử dụng con giống, thức ăn và danh mục thuốc thú y do C.P cung cấp.
Nếu họ vi phạm, C.P sẽ có biện pháp chế tài mà cao nhất là chấm dứt hợp đồng.
Từ tháng 8 đến nay, C.P áp dụng việc kiểm tra chất Salbutamol và Clenbuterol 100% lô heo thịt trước khi xuất bán nhằm bảo đảm heo xuất trại không có chất cấm.
Hiện nay, nhiều người chăn nuôi áp dụng mô hình sản xuất tốt còn trăn trở việc sản phẩm của mình khi ra thị trường bị đánh đồng với thịt có chất cấm, thịt bẩn, “vàng thau lẫn lộn” và không được mức giá cao hơn.
Theo tôi, nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các sản phẩm an toàn xây dựng được hệ thống phân phối và tiếp cận với người tiêu dùng càng nhanh càng tốt.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
TP HCM:
An toàn cho người thực thi
TP HCM vừa ngưng kiểm soát giết mổ một lò mổ và Chi cục Thú y TP đã bị tòa tuyên bồi thường mấy trăm triệu đồng.
Mặc dù rõ ràng là không sai, lò mổ vi phạm quy định về môi trường và điều kiện vệ sinh nên phải ngưng để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nhưng quá trình triển khai, chi cục có sơ hở về thủ tục hành chính nên tòa tuyên thua.
Đây là một bài học xương máu cho cơ quan thực thi pháp luật.
Vì vậy, khi sửa luật cần sửa toàn diện theo hướng đủ mạnh, chặt chẽ nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc để cán bộ thực thi không bị ảnh hưởng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao