Mô hình kinh tế Cần điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi trong mùa mưa

Cần điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi trong mùa mưa

Publish date Thursday. August 6th, 2015

Trong tuần qua, các diện tích bị thiệt hại xảy ra nhiều ở thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên. Theo ngành chức năng tôm chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu khiến mầm bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Ngoài các yếu tố khách quan do thời tiết, thì môi trường ô nhiễm đa số là do hộ nuôi sử dụng hóa chất quá liều và do lượng thức ăn tôm dư thừa lắng đọng lại trong ao, bà Phan Bạch Vân – Trưởng phòng NTTS – Chi cục NTTS tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Muốn nuôi tôm đạt năng suất cao, người nuôi phải làm tốt các khâu: cải tạo ao, nuôi nước, chọn giống, quản lý các yếu tố môi trường và thức ăn… Tất cả các khâu này đều rất quan trọng, nhưng xét về mặt chi phí thì khâu quản lý cho ăn là quan trọng nhất. Trong quá trình cho tôm ăn, bà con lưu ý không nên cho ăn quá nhiều vì lượng thức ăn dư sẽ tồn đọng ở đáy ao dễ phát sinh khí độc, cũng không nên cho tôm ăn khi trời đang mưa, trường hợp tôm nổi đầu thì không nên cho ăn, mà phải tạm ngưng một ngày để tôm ổn định trở lại, thức ăn phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.”

Theo kinh nghiệm của hộ nuôi, thông thường cho tôm ăn mỗi ngày 3 lần, tùy theo từng độ tuổi, giai đoạn lột xác và sức khỏe của tôm để có mức cho ăn hợp lý. Việc này đòi hỏi người nuôi phải theo sát ao tôm. Sẽ càng khó khăn hơn để điều chỉnh lượng thức ăn trong mùa mưa, bà con thường gặp tình trạng đang cho tôm ăn thì trời mưa, hoặc vừa mới cho ăn thì có mưa. Tôm bị ảnh hưởng của nước mưa và các chất từ bờ ao trôi xuống, sức ăn sẽ thay đổi đột ngột, người nuôi khó kiểm soát, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi, trong quá trình nuôi, khâu cho tôm ăn rất quan trọng. Nếu khi cho tôm ăn gặp trời mưa thì tôi sẽ ngưng và giảm lượng thức ăn lại, chờ qua cơn mưa xử lý nước ao xong tôi mới tiếp tục cho tôm ăn và trước khi cho ăn tôi kiểm tra xem lượng thức ăn dư thừa của cử trước như thế nào, để quyết định lượng thức ăn ở cử kế tiếp.”

Ngoài ra, ở một số nông hộ, việc bảo quản thức ăn cho tôm vẫn chưa đúng cách. Thường thì bà con sử dụng thức ăn công nghiệp, đòi hỏi phải có nơi chứa khô ráo, thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời. Mùa mưa nếu để thức ăn bị ẩm mốc biến chất, khi cho tôm ăn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tôm và gây thiệt hại cho người nuôi, bà Phan Bạch Vân – Trưởng phòng NTTS – chi cục NTTS tỉnh khuyến cáo: “Bà con nuôi tôm nên theo dõi quá trình hấp thụ thức ăn của tôm để chủ động lượng thức ăn, tránh tình trạng bị dư thừa. Trước khi cho tôm ăn, bà con kiểm tra xem nếu không còn thức ăn thừa thì tiến hành bổ sung thêm từ 5% đến 10% lượng thức ăn, nếu còn khoảng 30% lượng thức ăn thì bà con nên giữ nguyên lượng thức ăn ban đầu, nếu còn từ 60% đến 70% lượng thức ăn ban đầu thì lúc này bà con nên giảm lượng thức ăn từ 5% đến 10%.”

Ngoài 5.230 ha tôm nuôi đã thu hoạch, trong các diện tích thả giống đã có hơn 536 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ phải thả khắc phục, 200 ha phải thả lại lần 2. Hiện giá thức ăn tôm sú và tôm thẻ đang tăng nhẹ từ 30.050 đ/kg đến 39.300 đ/kg tùy loại, trong khi giá tôm nguyên liệu lại giảm mỗi kg từ 15.000 – 50.000 đ (đối với tôm sú), từ 20.000 – 30.000 đ/kg (đối với tôm thẻ). Tiến độ thả giống tôm năm nay chậm hơn năm rồi một phần do nắng nóng kéo dài, một phần do tâm lý người nuôi lo ngại giá tôm đang giảm. Do đó, rất cần bà con tính toán cẩn thận chi phí đầu tư, đặc biệt là chi phí thức ăn, để đảm bảo lợi nhuận cho vụ nuôi năm nay.


Related news

thua-thien-hue-duoc-mua-ca-nam Thừa Thiên Huế Được mùa… nghe-an-de-nuoi-tom-the-chan-trang-dat-hieu-qua Nghệ An để nuôi tôm…