Mô hình kinh tế Cần Hỗ Trợ Mạnh Để Ngư Dân Phát Triển

Cần Hỗ Trợ Mạnh Để Ngư Dân Phát Triển

Publish date Monday. December 23rd, 2013

Trong những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ giúp ngư dân ven biển có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn, nuôi trồng thủy sản bất ổn do tình hình dịch bệnh nên kinh tế ở các địa phương ven biển phát triển không bền vững. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, ngư dân rất cần được hỗ trợ.

NHIỀU CHÍNH SÁCH CHO NGƯ DÂN

Theo UBND tỉnh, từ năm 2008-2011, Phú Yên đã hỗ trợ dầu diezel (theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ) cho hơn 6.000 tàu cá các loại, với tổng số tiền hơn 145 tỉ đồng, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho đại bộ phận ngư dân nghèo, có điều kiện bám biển sản xuất. Phú Yên cũng đã thực hiện thí điểm trang bị máy thu trực canh cho 62 tàu cá là hộ nghèo và các chủ tàu có tàu hư hỏng nặng do thiên tai.

Đối với chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, trong 3 năm (2011-2013) đã hỗ trợ 3.266 chuyến biển cho 714 tàu đăng ký danh sách tham gia khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, với kinh phí hơn 103 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ một trạm bờ và 335 tàu cá trang bị máy thông tin liên lạc HF (VX-1700) có tích hợp định vị vệ tinh GPS. Dự án giám sát tàu cá xa bờ (dự án Movimar), tỉnh Phú Yên được phân bổ 120 thiết bị kết nối vệ tinh trên các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã từng bước trang bị phương tiện thông tin liên lạc cho các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh để liên lạc với hơn 970 phương tiện đánh bắt thủy sản xa bờ và trên 2.000 phương tiện đánh bắt thủy sản ven bờ, qua đó nắm được tình hình trên biển và phát huy được lực lượng tại chỗ trong công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý các tình huống trên biển.

Ông Võ Đốc, thuyền trưởng tàu cá PY92691TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Thời gian qua, ngư dân chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đánh bắt xa bờ đang gặp khó khăn, Nhà nước cần tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi nhằm tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích ngư dân ra khơi…”.

Cũng theo UBND tỉnh, nhiều công trình, dự án được đầu tư ở vùng biển như kè Khu A, Khu B, kè Tam Giang, kè Thị Thạc, kè sông Bình Bá (ở TX Sông Cầu), tuyến đường ven biển nam TP Tuy Hòa, khu tái định cư Phú Lạc (Đông Hòa).

Năm 2011-2012, Phú Yên đã đầu tư xây dựng 20 công trình thuộc 8 xã nghèo bãi ngang ven biển, với tổng kinh phí hơn 19,3 tỉ đồng (gồm 16 công trình đường giao thông nông thôn, 1 công trình đường ra bến cá, 2 chợ cá, 1 công trình bờ bao ngăn chặn, chống triều cường) và nhiều công trình điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư tại các xã vùng biển.

Về thực hiện chính sách cho vay vốn thủy sản, tính đến ngày 30/6/2013, toàn tỉnh có hơn 13.250 khách hàng vay vốn ngân hàng để đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản với số tiền hơn 682 tỉ đồng, trong đó lãi suất cho vay giảm từ 17 đến 19%/năm của năm 2011 xuống 9 đến 10%/năm cuối năm 2012 và trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm tiếp 3 đến 4%/năm.

Thực hiện chủ trương tổ chức lại sản xuất trên biển, các cơ quan, đoàn thể phối hợp vận động thành lập được 105 tổ tàu thuyền an toàn với 827 phương tiện tham gia. Đến nay, Phú Yên đã thành lập được 5 nghiệp đoàn nghề cá, đây là lực lượng nòng cốt xây dựng thế trận lòng dân tham gia bảo vệ an ninh - quốc phòng trên biển.

NGƯ DÂN CÒN KHÓ KHĂN

Phú Yên là tỉnh tiên phong trong nghề khai thác cá ngừ đại dương, tuy nhiên hoạt động đánh bắt hiện nay của bà con đang gặp phải những khó khăn. Không chỉ phải đối mặt với những thử thách giữa biển khơi trong điều kiện thời tiết thất thường, việc lo phí tổn cho chuyến biển khi giá cả ngày càng tăng cao, nhất là giá xăng dầu càng làm cho ngư dân thêm khó khăn.

Ông Ngô Ngọc Nhân, chủ tàu cá PY92492TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết, bình quân mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương chi phí khoảng 180 đến 200 triệu đồng. Với giá cá hiện nay, mỗi chuyến biển ngư dân phải đánh bắt ít nhất 1,4 tấn cá loại 1 trở lên mới có lãi.

Theo Sở NN-PTNT, trong năm nay có thời điểm hơn 80% tàu cá đánh bắt xa bờ phải nằm bờ. Nguyên nhân do chi phí chuyến biển tăng cao, giá bán thủy sản thấp, trong khi sản lượng đánh bắt không nhiều nên hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Không chỉ hoạt động khai thác thủy sản gặp khó khăn, trong năm qua nghề nuôi thủy sản của ngư dân ven biển trong tỉnh cũng gặp nhiều bất lợi.

Trong năm 2013, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 2.950ha thủy sản các loại và nuôi thủy sản bằng lồng bè (nước mặn) khoảng 27.550 lồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi cũng khá phức tạp, từ đầu năm đến nay đã có hơn 655ha tôm nuôi bị bệnh, với biểu hiện chủ yếu bị hoại tử gan tụy.

Trong khi đó có khoảng 370 lồng cá mú nuôi (khoảng 75.400 con) tại TX Sông Cầu bị bệnh lở loét và chết. Trước tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi, Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời cho Phú Yên 10 tấn Chlorin để dập dịch, góp phần hạn chế lây lan.

Theo UBND tỉnh, ngành thủy sản Phú Yên hiện vẫn còn những hạn chế như số lượng tàu thuyền tăng nhưng phần lớn là thuyền nhỏ hơn 20CV đánh bắt thủy sản ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi. Đối với tàu thuyền công suất lớn khai thác thủy sản xa bờ cũng phát triển về số lượng nhưng quy mô tàu và công nghệ kỹ thuật khai thác còn hạn chế.

Nuôi trồng thủy sản kém bền vững, hiệu quả bấp bênh do nhiều vùng phát triển quá ngưỡng quy hoạch, cơ sở hạ tầng nuôi chưa được đầu tư đúng mức, quản lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh, chất lượng vật tư phục vụ nuôi còn nhiều hạn chế, bất cập, dịch bệnh ngày càng phức tạp nhưng chưa có giải pháp phòng và chữa trị hiệu quả.

Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần còn nhiều yếu kém, đến nay Phú Yên chưa có cảng cá nào được đầu tư hoàn chỉnh. Điều kiện bốc dỡ hàng hóa và vệ sinh tại cảng còn yếu kém làm giảm chất lượng thủy sản qua bến; các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa gắn với đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nên hiệu quả không cao. Các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chỉ giải quyết được những khó khăn tạm thời trước mắt, nên sinh kế của ngư dân cũng thiếu bền vững…

TIẾP TỤC HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Đến nay, Phú Yên đã phủ kín điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, buôn, làng cá trong tỉnh, nâng tỉ lệ số hộ sử dụng điện đạt 99,87%, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của ngư dân trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo thuộc các xã ven biển được triển khai thực hiện tốt.

Đặc biệt, năm 2013 toàn tỉnh đã thực hiện đề án bê tông hóa xi măng đường giao thông nông thôn được hơn 300km, góp phần đáng kể cải thiện bộ mặt nông thôn, nhiều làng cá, xã biển trở nên khang trang, sạch đẹp. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong những năm, qua các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ nghèo có nhà ở tạm thuộc các xã ven biển.

Hàng chục khu tái định cư được xây dựng phục vụ việc di dời các hộ dân sống ven biển bị ảnh hưởng bởi thiên tai, triều cường xâm thực. Trong năm học 2011-2012, các địa phương đã hỗ trợ theo chính sách cho hơn 66.700 lượt học sinh, sinh viên thuộc các xã ven biển với tổng số tiền khoảng 30 tỉ đồng…

Ông Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

Khuyến khích, thu hút đầu tư và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở miền biển, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước, khuyến khích mô hình liên kết các doanh nghiệp và các tác nhân trong các khâu khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản.

Phú Yên sẽ thí điểm tổ chức sản xuất theo chuỗi trong khai thác cá ngừ đại dương, tiếp tục nhân rộng các nghiệp đoàn nghề cá, tổ, đội sản xuất trên biển, nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn trong đánh bắt thủy sản xa bờ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Tập trung đào tạo các ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản… gắn với chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến cho các hộ ngư dân.

Tăng mức đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực, phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản. Phấn đấu sau năm 2015 giám sát được 100% tàu cá hoạt động ở vùng biển xa, hỗ trợ đầu tư bảo quản chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, ngư dân, miền biển tạo động lực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.

Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 6.050 tàu thuyền, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên hơn 1.000 chiếc, đặc biệt có 62 tàu mỗi tàu có công suất trên 400CV. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.900ha và khoảng 25.000 lồng nuôi thủy sản nước mặn, có 84 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 17 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.

Phú Yên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4 cảng cá, 6 bến cá và 6 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Toàn tỉnh có 24 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đáp ứng phần lớn nhu cầu của ngư dân.


Related news

tai-dan-cung-noi-lo-dich-benh Tái Đàn Cùng Nỗi Lo… 2-600-ty-dong-phat-trien-thuy-hai-san-o-dong-bang-song-cuu-long 2.600 Tỷ Đồng Phát Triển…