Mô hình kinh tế Cần Ngăn Chặn Tình Trạng Chặt Cây Sắn Bán Cho Thương Lái

Cần Ngăn Chặn Tình Trạng Chặt Cây Sắn Bán Cho Thương Lái

Publish date Friday. June 7th, 2013

Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.

MUA BÁN RẦM RỘ

Hiện thương lái lùng sục về tận các miền quê thuộc các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An để đặt mua cây sắn. Tình trạng này diễn ra rầm rộ gần một tháng nay. Dọc theo tuyến đường trục dọc phía tây Phú Yên từ xã Sơn Hội (Sơn Hòa) đến xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) có đến vài chục điểm thu mua cây sắn. Hì hục băm chặt cây sắn, chị Nguyễn Thị Tình, một nông dân ở xã Xuân Quang 3 cho hay: Cứ 20 cây bó thành một bó, bán được 6.000 đồng. Một ngày, đàn ông mạnh tay chặt bán kiếm 150.000 đến 200.000 đồng. Cây sắn bán có tiền nên nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng đi chặt. Ban đầu họ chặt cây sắn của gia đình trồng trên vùng gò đồi gần nhà, sau đó “cơm đùm, cơm dỡ” lên tận các xã Sơn Định, Sơn Long (Sơn Hòa) tìm chặt cây sắn để bán.

Thấy cây sắn có giá, nhiều nông dân ở các xã Sơn Thành Đông, Hòa Phú (Tây Hòa) cũng đổ xô chặt bán. Tại các ngã ba, ngã tư đường giao thông, cây sắn được tập kết đủ các kích cỡ chờ xe chở đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Xuân, ở xã Sơn Thành Tây đang vác bó sắn cây chất thành đống bên lề đường, chờ xe tải chở, cho biết: Năm nay cây sắn được nhiều thương lái đặt mua. Mấy ngày qua, những gia đình ở đây đều đổ xô đi chặt về bán nên nhà nào cũng có cây sắn chất đầy trước nhà chờ thương lái đến chở.

Tại vùng trồng sắn ở các xã An Thọ, An Xuân (Tuy An), cây sắn cũng được thương lái săn lùng ráo riết. Trước đây họ rảo mua cây sắn to khỏe, sau sắn khan hiếm dần thì cả cây nhỏ cũng được thương lái mua. Bà Trần Thị Diệu ở xã An Thọ (Tuy An), cho biết: “Thấy thương lái đến từng nhà hỏi mua cây sắn nên tôi vác rựa dạo các bờ gò tìm chặt sắn để bán kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, sắn nhà tôi lại bị chặt trộm sạch rồi”. Không riêng gì bà Diệu, nhiều nông dân ở xã An Thọ chất cây sắn để dành trồng dặm khi nắng hạn sắn chết, nhưng hiện tại cây sắn giống không còn.

NGUY CƠ LÂY LAN DỊCH BỆNH

Tình trạng thiếu hụt nguồn sắn giống cũng diễn ra tại nhiều địa phương. Bà Lê Thị Thủy ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) giãi bày: “Ở đây có nhiều gia đình trồng sắn cùng thời điểm với tôi, nhưng cây mọc thưa thớt do nắng nóng kéo dài. Mấy ngày qua, tôi đi tìm sắn cây để trồng dặm nhưng không có”.

Trước đây 2 năm, nhiều người từng rủ nhau đi chặt cây sắn để bán. Có người chở cây sắn về nhà chất đống chờ khô làm củi, nhưng sau đó có thương lái hỏi mua bán được hàng triệu đồng. Sau đó, thương lái đặt hàng số lượng lớn nhưng không quay lại, vì thế cây sắn được chất từ vườn nhà ra đến ngoài ngõ, để lâu bị chết khô… Điều lạ nữa là, thương lái đặt vấn đề mua cây sắn bó gọn gàng chở đi nơi khác bán làm sắn giống, nhưng khi mua thì họ chỉ đếm số lượng cây/bó, có những bó cây sắn trầy xước cả thân vẫn mua.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, một tài xế xe tải ở huyện Đồng Xuân cho hay: Cây sắn mua rồi được chở thẳng lên Gia Lai bán lại cho các thương lái đặt hàng. Tại đây họ bán đi đâu thì không rõ. Còn chị Thủy, một thương lái mua cây sắn ở huyện Tây Hòa cho hay: Họ chở sắn vô phía Nam bán lại cho khách hàng đặt sẵn.

Điều đáng lo ngại đó là hiện các vùng trồng sắn ở Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An đang bị bệnh chổi rồng. Còn bệnh nhện đỏ hại sắn đang phát sinh gây hại tại huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Đây là các bệnh lây truyền nhanh qua đường vận chuyển hom giống; vì vậy nếu không ngăn chặn kịp thời thì bệnh lây lan trên diện rộng, khả năng bùng phát thành dịch.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Để phòng trừ bệnh chổi rồng, nhện đỏ hại sắn, người dân tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh, phải tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh. Khi trồng sắn, ta nên sử dụng hom đã sạch bệnh, không được vận chuyển cây sắn từ vùng có bệnh sang các vùng khác vì như thế dịch bệnh lây lan nhanh.

Theo ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân: Năm 2011, phòng có công văn gởi các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không nên nhất thời chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên đi yếu tố sản xuất lâu dài, vì dễ dẫn đến nguy cơ thiếu giống sắn trầm trọng.


Related news

sau-rieng-nui-cam-chet-dan-khong-ro-nguyen-nhan Sầu Riêng Núi Cấm Chết… thu-tuong-chi-dao-mua-tam-tru-1-trieu-tan-thoc-gao Thủ Tướng Chỉ Đạo Mua…