Mô hình kinh tế Cần nuôi tôm, cá sạch và giảm giá thành

Cần nuôi tôm, cá sạch và giảm giá thành

Publish date Friday. September 4th, 2015

* Thưa ông, với đà sụt giảm như hiện nay, liệu những tháng cuối năm các mặt hàng thủy sản nào sẽ sớm phục hồi, triển vọng ra sao?

- Theo thông lệ, mức tiêu thụ thực phẩm tăng dần về cuối năm, nhất là thời điểm mừng Noel và năm mới. Cho nên việc tiêu thụ tôm cá sẽ tăng mạnh sắp tới là có căn cứ để dự báo. Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là tôm cá ta sẽ được tiêu thụ ở mức giá nào khi cán cân cung –cầu nghiêng nặng phía cung.

* Trong các mặt hàng xuất khẩu, ngành nông nghiệp kỳ vọng nhất vào sự phục hồi hàng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng giá thành nuôi tôm Việt Nam cao nên khó cạnh tranh, ông nghĩ sao?

- Giá thành tôm, cá Việt Nam cao là đúng. Bởi chi phí đầu vào cao trong khi sản phẩm tương đồng là cá pollock (minh thái) khai thác biển, chi phí thấp hơn. Giá thành tôm, cá của nước ta cao còn lý do các yếu tố đầu vào tăng qua hàng năm như giống, thức ăn, thuốc thú ý, năng lượng, nhân công, đồng nội tệ mạnh...

Các nước khác là đối thủ cạnh tranh như: Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan... hầu hết chi phí thấp hơn và nhất là đồng nội tệ của họ mất giá vài chục phần trăm thì chắc chắn giá tôm cá Việt Nam kém sức cạnh tranh trầm trọng. Thí dụ, tôm thẻ nguyên con cỡ 40 con/kg ở Việt Nam đang được mua khoảng 120.000 đồng/kg, thì tôm ở Ấn Độ chỉ khoảng 90.000 đồng/kg.

* Thách thức trên thị trường xuất khẩu, có ý kiến cho rằng hàng thủy sản của ta xuất đi nhiều nước, nhưng chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

- Tại sao người Việt không mặn mà với cá tra mà thích cá lóc, cá rô, cá trê dù giá các loại cá này cao gấp mấy lần cá tra? Do thói quen hay cá tra không ngon bằng các loại cá kia? Cá tra dẫu có bổ, ngon, có rẻ, đáng lẻ phải phù hợp túi tiền người Việt, sao cứ đặt vấn đề vì sao các tầng lớp tiêu thụ người nước ngoài (có thu nhập cao hơn hẳn chúng ta) mặn mà với cá tra?

Vấn đề là giữa các loại cá thịt trắng gồm cá tra, cá rô phi, cá minh thái, cá tuyết... thì cá tra giá rẻ nhất. Sở dĩ giai đoạn 2007 - 2010 cá tra lên ngôi là do số lượng cá minh thái tự nhiên ở Alaska (Mỹ) bị sụt giảm nghiêm trọng, khiến phải giảm hạn ngạch khai thác hàng triệu tấn/năm nên thị trường cá thịt trắng thiếu hụt nghiêm trọng.

Các hệ thống phân phối chọn cá tra thay thế và người tiêu dùng có dịp làm quen sản phẩm này. Từ 2010 đến nay, sản lượng tự nhiên cá minh thái phục hồi, người tiêu dùng trở lại với cá minh thái vừa ngon hơn và rẻ, nên thị phần cá tra giảm sụt là điều đương nhiên. Cá rô phi giá gấp đôi cá tra vẫn được tiêu thụ phổ biến ở dạng phi lê.

Cá minh thái do dai ngon hơn cá tra nên được làm chả khá phổ biến (dạng surimi). Còn cá tuyết giá rất cao, nhưng rất ngon, hút hàng! Thịt cá tra bở, nên chiên lên dễ bị co rút. Cách sử dụng phổ biến là tẩm bột rồi chiên hoặc hấp rồi sốt gia vị. Bởi vậy, làm sao nâng tỷ lệ hàng tinh chế cá tra xuất khẩu là bài toán không dễ dàng. Còn về nuôi tôm vừa qua đầy rủi ro do dịch bệnh triền miên.

* Như vậy theo ông, hướng khắc phục các yếu điểm để tăng giá trị bằng cách nào?

- Hướng cá tra là giảm diện tích và sản lượng nhằm tránh ứ đọng tạo áp lực bán rẻ và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào mảng tinh chế và từng bước có lộ trình nâng cấp chất lượng. Đối với tôm, người nuôi dẫu linh hoạt nhưng tính cộng đồng chưa cao và hệ thống quy chế điều chỉnh người nuôi chưa đồng bộ, chưa mạnh.

Cho nên nuôi tôm bị chết cũng chính vì tính "linh hoạt" của mình. Thí dụ linh hoạt mở rộng diện tích nuôi - "bất chấp", sử dụng các chế phẩm để nuôi – "bất chấp", khi ao bị sự cố thì thải ra môi trường cũng bất chấp... Thế mạnh con tôm Việt Nam nằm ở trình độ chế biến "chung" của các nhà máy chế biến, ở ngưỡng cao của thế giới.

Với tôm, tỷ lệ hàng tinh chế rất cao, sức cạnh tranh mạnh. Đó là lý do vì sao nhà máy chế biến chúng ta mua tôm 40 con/kg cao hơn hẳn bên Ấn Độ như nêu trên mà vẫn tiêu thụ tốt. Vì Ấn Độ chế biến hàng thô, còn ta mua chế biến hàng cao cấp hơn.

* Riêng với con tôm cần có biện pháp gì để tăng sức cạnh tranh, khai thác thị trường mới?

- Nếu việc nuôi tôm tốt (như Indonesia, Ấn Độ...) chắc chắn kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng đột biến. Bởi nhu cầu các hệ thống phân phối cao cấp ở Hoa Kỳ, EU rất cao và tín nhiệm hàng từ Việt Nam. Nhưng bù lại họ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt chẽ. Nuôi tôm tốt (tôm sạch) thì không cần thị trường mới, bởi những thị trường cao cấp nhất Việt Nam đều đang thâm nhập. Cái cần là nguyên liệu sạch. Kế tiếp là giảm giá thành.

* Hiện nay thỏa thuận khung hiệp định thương mại với EU (FTAVN-EU) vừa hoàn tất. Hiệp định TPP Việt Nam và các nước vào giai đoạn cuối… Nhiều dự báo các mặt hàng hàng xuất khẩu da giày, may mặc và thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, nhất là ưu đãi thuế quan. Theo ông ngành thủy sản cần chuẩn bị gì để đón lấy cơ hội?

- Hiện nay Thái Lan hết ưu đãi thuế quan ở EU. Việt Nam thì còn lợi thế này, nhiều hệ thống phân phối lớn từ EU qua mua tôm tinh chế Việt Nam. Sau khi ký FTA thì thuận lợi hơn về mặt giá cả (không thuế), nhưng liền đó (ngay bây giờ) là việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức nghiêm ngặt. Với TPP, tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ đang bị thuế chống bán phá giá. Loại thuế này không bị điều chỉnh bởi các điều khoản của TTP. TPP chỉ có lợi tôm Việt Nam là khả năng không còn bị VCD (thuế chống trợ giá).

Việc cần chuẩn bị là tổ chức nuôi sạch tôm, cá tra và nỗ lực bằng mọi giải pháp để giảm giá thành nuôi. Cơ quan chức năng phải cập nhật tình hình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các thị trường lớn và kịp thời có quy định nghiêm ngặt cho việc nuôi, chế biến tôm, cá tra ở Việt Nam. Đồng thời, phải có giải pháp tuyên truyền, giám sát, kiểm tra có hiệu lực thực sự cho những quy định mới này.

* Xin cảm ơn ông!


Related news

tom-da-tha-nuoi-tang-9-23-so-cung-ky Tôm đã thả nuôi tăng… tong-san-luong-thuy-san-8-thang-dat-4-25-trieu-tan-tang-3-0 Tổng sản lượng thủy sản…