Tin nông nghiệp Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Cần quy trình khoa học cho thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Author Lê Bền, publish date Saturday. May 29th, 2021

Thiết bị bay phun thuốc BVTV không hoàn toàn là giải pháp hoàn hảo. Vì vậy, cần sớm có nghiên cứu bài bản, khoa học về quy trình áp dụng các thiết bị này.

Sẽ nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn khoa học

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), việc sử dụng drone trong trong phun thuốc BVTV có nhiều nổi trội hơn so với các phương pháp truyền thống.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã ứng dụng công nghệ này, đặc biệt Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đang quan tâm và thử nghiệm công nghệ này tại một số nước Châu Phi để phòng trừ dịch châu chấu sa mạc.

Với sự chủ động trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã qua nhiều kênh, nhập drone với đa dạng cấu hình, công suất… cho thấy khả năng áp dụng giải pháp công nghệ mới này một cách khá hiệu quả vào phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Sau này, drone cũng có thể ứng dụng vào gieo sạ đối với các tỉnh ĐBSCL hay để bón các dạng phân qua lá…

Ngoài các lợi ích như an toàn cho người sử dụng, công suất lớn, tiết kiệm thời gian…, thiết bị này cũng còn một số vấn đề cần làm rõ. Theo đó, cần có căn cứ về mặt khoa học, hướng dẫn một cách thực sự có hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, chưa có kết quả chính thức nào để khẳng định được sử dụng drone trong phun thuốc BVTV giúp giảm được lượng thuốc BVTV. Trong các hướng dẫn sử dụng của FAO, drone vẫn chỉ là một công cụ phải sử dụng thuốc BVTV đúng với liều lượng ghi trên nhãn.

Bên cạnh đó, có tình trạng hiện nay, nhiều nơi đã thông tin, quảng cáo một cách quá lên rằng cây trồng nào, dạng thuốc nào cũng có thể sử dụng được drone. Đây là những thông tin hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Cục BVTV ghi nhận các kết quả từ sự chủ động của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc nghiên cứu, ứng dụng thử thành tựu của khoa học, công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, để sử dụng một cách hiệu quả thực sự, có cơ sở khoa học và đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy thời gian tới, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn, tổng thể hơn cả về hiệu quả sử dụng cũng như về mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của drone.

Trong đó, cần đánh giá mức độ an toàn của việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV đối với các đối tượng khác trong khu vực sử dụng như thủy sản, ong… Ngoài ra, phải đi sâu vào kỹ thuật, tìm ra các dạng thuốc, hiệu lực sinh học có thể sử dụng phù hợp, hiệu quả với drone.

Thứ hai là phải nghiên cứu các đối tượng cây trồng phù hợp với việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV. Ví dụ, ở các khu vực trồng cây phân tán, cây công nghiệp, việc sử dụng drone có thể nói là hiệu quả không cao, hoặc như các đối tượng ở mặt dưới của lá như bọ xít muỗi, bệnh thán thư…

Do đó, các đối tượng sinh vật gây hại cũng cần được đánh giá, phân loại để áp dụng drone một cách phù hợp trong phun thuốc phòng trừ. Ví dụ, các đối tượng nằm trong thân, dưới đất, cỏ dại bám ở gốc thì gần như không có tác dụng khi sử dụng drone.

Cục BVTV cũng sẽ nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn về dạng thuốc được sử dụng phù hợp với drone. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục có trách nhiệm phải nói rõ vấn đề này.

Ông Hoàng Trung cũng cho rằng, cơ chế hoạt động của các loại thuốc cũng cần được đánh giá trước khi đưa vào sử dụng với drone. Bên cạnh đó, cần đánh giá về các đối tượng cây trồng và các đối tượng gây hại nào có thể sử dụng drone trong phun trừ một cách có hiệu quả.

Mặt khác, sẽ cần đánh giá, phân loại theo công suất, thông số kỹ thuật của drone tương ứng với các đối tượng cây trồng phù hợp. Ví dụ drone công suất lớn có thể phù hợp cho phun thuốc BVTV cho lúa hoặc một số đối tượng cây trồng, nhưng không thể sử dụng cho rau vì sẽ làm nát cây…

Từ những đánh giá trên, mục tiêu của Cục BVTV là sẽ cùng với các doanh nghiệp đưa ra được quy trình, tài liệu hướng dẫn sử dụng drone trên cả nước. Ngoài ra, Cục cũng sẽ xây dựng tiêu chuẩn khảo nghiệm thuốc BVTV sử dụng bằng drone.

Nhiều băn khoăn về hạn chế của drone

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, cần có những nghiên cứu cụ thể, có cơ sở khoa học hơn trong việc áp dụng drone trong phun thuốc BVTV.

Theo đại diện Trung tâm Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam (Cục BVTV), để phun trừ có hiệu quả, thuốc BVT phải tiếp xúc được với các đối tượng cần bảo vệ hoặc tiêu diệt. Tuy nhiên, việc sử dụng drone có thể có nhiều hạn chế trong phun thuốc BVTV như khó tiếp xúc đối với các đối tượng sâu bệnh hại như rầy nâu, khô vằn phía dưới đối với cây lúa hoặc các loại cây tán dày…

Ngoài ra, việc sử dụng drone sẽ dùng ít nước hơn so với truyền thống cũng làm giảm hiệu quả của thuốc. Một vấn đề nữa là sử dụng drone khiến những hạt thuốc rơi tự do nhưng chậm, vì vậy có thể một số thuốc sẽ bị bay hơi trước khi tiếp xúc với lá. Việc sử dụng drone với nồng độ thuốc đậm đặc hơn so với phun truyền thống cũng có thể khiến cây bị ngộ độc cấp tính.

Bên cạnh đó, việc sử dụng drone sẽ gây ra tình trạng lãng phí thuốc BVTV, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái nếu sử dụng đối với các cây trồng phân tán…

Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) thì cho rằng, hiện ở ĐBSCL đang ứng dụng drone ngày càng phổ biến trên lúa và một số ở cây ăn trái. Nhiều nông dân đánh giá drone có hiệu quả cao đối với các đối tượng dịch hại nằm ở phía trên của tán lá.

Tuy nhiên, với các loại cây có độ cao không đồng đều trong cùng một diện tích như dừa thì khả năng tiếp xúc với lá không tối ưu do drone chỉ bay được ở một độ cao ổn định nhất định mà không thể liên tục thay đổi độ cao phù hợp với từng độ cao của cây trồng, dẫn đến khoảng cách thuốc BVTV đến ngọn cây không tối ưu như nhau.

Trung tâm BVTV phía Bắc cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của drone và đưa ra cách sử dụng cho từng loại thuốc. Bên cạnh đó, cần phải có những đánh giá khoa học về ảnh hưởng đối với môi trường và cây trồng khi sử dụng drone để phun thuốc BVTV có nồng độ cao (do ít nước hơn). Bởi bình thường, lượng nước khi phun thuốc BVTV là 400-500 l/ha, trong khi đó dùng drone thì chỉ có khoảng 15 l/ha.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị thời gian tới, cần có những đánh giá thêm về quy trình, hiệu quả của việc sử dụng drone đối với các khu vực trồng xen canh.

Cũng theo ông Dương, ở ĐBSCL, hiện nay bà con sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và trừ ốc bươu vàng cùng lúc, do đó, cần có những nghiên cứu về khả năng sử dụng thuốc hỗn hợp khi phun bằng drone.

Bên cạnh đó, cần có tiêu chuẩn cơ sở để khảo nghiệm các thiết bị, các dạng thuốc để tới đây, cần phải ghi rõ vào nhãn thuốc liều lượng sử dụng (lượng nước) khi sử dụng với drone.

Cục BVTV cho biết trên cơ sở tổng hợp những kết quả của các doanh nghiệp, đơn vị đã ứng dụng drone thời gian qua, cũng như kinh nghiệm quốc tế đã có, Cục BVTV sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cả về thiết bị, quy trình sử dụng một cách khoa học, an toàn, hiệu quả nhất cho việc ứng dụng drone trong công tác BVTV.

Trước mắt, Cục BVTV đề nghị cần tập trung vào nghiên cứu, hoàn thiện quy trình áp dụng drone đối với 5 nhóm thuốc dạng lỏng gồm EC, SC, SE, SL, ME; 4 nhóm thuốc dạng rắn gồm WP, SP, WG, GR.

Về đối tượng cây trồng, tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình áp dụng drone đối với cây lúa (chú trọng sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, thuốc trừ cỏ); sâu keo mùa thu và khô vằn trên ngô; rệp đỏ, sương mai trên các cây ăn quả (nhất là cây có múi, xoài, vải; các cây công nghiệp như cà phê, chè, điều; sâu róm trên cây thông và sâu tơ trên nhóm rau thập tự.


Related news

nuoi-luon-khong-bun-lai-chuc-trieu-dong-moi-thang Nuôi lươn không bùn, lãi… mua-mua-nen-than-trong-cac-dich-hai-tren-lua-lam-dong-va-tro Mùa mưa nên thận trọng…