Mô hình kinh tế Cần Thận Trọng Cho Vụ Nuôi Mới

Cần Thận Trọng Cho Vụ Nuôi Mới

Publish date Wednesday. October 30th, 2013

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013, ngoại trừ chỉ tiêu giảm diện tích thiệt hại từ 20% trở xuống là không đạt, còn lại các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt là giá tôm trong suốt vụ luôn ở mức cao, đã làm cho vụ tôm thành công ngoài mong đợi.

Thành công cả 3 chỉ tiêu

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng 10, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 46.500ha tôm nước lợ, vượt 3,4% kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) trên 16.000ha, tăng gần 2,3 lần so với kế hoạch. Diện tích thu hoạch đến cùng thời điểm trên gần 22.000ha, với năng suất tôm sú nuôi quảng canh cải tiến đạt 0,5 tấn/ha, nuôi thâm canh đạt 3,1 tấn/ha và nuôi bán thâm canh đạt 1,6 tấn/ha.

Riêng tôm TCT có năng suất bình quân ước đạt 4,5 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi ước đạt trên 57.000 tấn. Kết quả này cho thấy, tôm TCT ngày càng có vị trí quan trọng hơn nhờ lợi thế về thời gian nuôi ngắn, ít bị dịch bệnh và giá bán không thua kém tôm sú. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhận định: "Với tình hình như hiện nay, sản lượng tôm nuôi đến cuối vụ ước đạt khoảng 68.500 tấn, tăng 22% so với kế hoạch. Giá tôm từ đầu vụ đến nay cũng rất hấp dẫn nên phần lớn hộ có thu hoạch đều cho lợi nhuận cao".

Năm nay, người nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung thắng lớn nhất, khi năng suất bình quân ước đạt 6 tấn/ha và tỷ lệ thiệt hại chỉ ở mức 13%. Nhiều hộ nuôi trong huyện thu vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng từ tôm TCT. Dự báo, vụ nuôi 2014 sẽ ít người nuôi tôm sú. Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Trên 87% diện tích nuôi có lãi, chỉ có khoảng 13% diện tích từ huề đến lỗ. Số hộ nuôi có lãi tiền tỉ năm nay tăng lên khá nhiều". Theo ông Nguyễn Văn Khởi, thành công của mùa tôm năm nay do việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Đặc biệt, công tác quản lý, chỉ đạo vụ nuôi thực hiện khá chặt chẽ. Tỉnh đã thực hiện nghiêm việc tạm ngưng thả giống ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, đã giúp hạn chế thiệt hại và sự lây lan.

Sẽ tăng mạnh diện tích tôm TCT

Kế hoạch năm 2014, diện tích nuôi tôm TCT tăng gần gấp 3 lần so với kế hoạch 2013 (20.000ha). Tuy nhiên, với những kết quả từ vụ nuôi 2013, nhiều ý kiến cho rằng, diện tích nuôi tôm TCT nhiều khả năng sẽ tăng nhiều hơn kế hoạch. Nếu diện tích tăng một cách đột biến sẽ kéo theo không ít những phát sinh gây bất lợi cho người nuôi. Điều dễ nhận thấy nhất ở vụ nuôi 2013 là tình trạng thiếu điện.

Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: "Hiện nay, Cù Lao Dung có 7 cụm nuôi chưa có điện 3 pha, thậm chí có khu vực chưa có điện (phải dùng máy xăng hoặc dầu nên chi phí đội lên rất cao) trong khi số diện tích mở mới đang tăng lên từng ngày". Để giải quyết tạm thời nhu cầu điện cho vụ nuôi 2014, theo Điện lực Sóc Trăng, cần tăng cường thêm 103 trạm biến áp với tổng vốn đầu tư khoảng 36 tỉ đồng. Đây là vấn đề khó nên điện lực đề nghị tỉnh xem xét cho công ty ứng trước vốn để thi công kịp thời vụ.

Khó khăn cho vụ nuôi tôm mới còn đến từ chất lượng con giống, nguy cơ dịch bệnh, biến động thị trường, ô nhiễm môi trường do tình trạng nuôi trước lịch thời vụ, nuôi quanh năm để chạy theo giá thị trường. Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đúc kết: "Hầu hết số hộ tuân thủ theo lịch thời vụ đều thành công, nhưng mô hình nuôi phù hợp thì đến nay vẫn chưa có. Nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh gây thiệt hại cho những vụ nuôi tiếp theo vẫn chưa được giải quyết.

Ngành chức năng cần quan tâm kiểm soát tốt chất lượng con giống, vùng nuôi và đúc kết những mô hình nuôi thành công, cũng như thất bại để rút kinh nghiệm và nhân rộng". Về con giống, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận: "Đây là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị nuôi tôm hiện nay, khi diện tích nuôi trong tỉnh có trên 45.000 ha, nhưng không có trại giống nên việc con giống chưa bảo đảm chất lượng len lỏi vào vùng nuôi là rất khó kiểm soát".

Phải thận trọng cho vụ nuôi mới

Viện Nuôi trồng Thủy sản II đưa ra lời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ con số thiệt hại 30% ở vụ nuôi 2013 và khuyến cáo người nuôi chỉ nên nuôi với mật độ thưa, chọn con giống tốt, sạch bệnh, nuôi an toàn sinh học và nên có thời gian cho đất nghỉ ngơi để cắt mầm bệnh. Theo Trung tâm Thú y vùng VII, việc công bố kết quả tìm ra tác nhân gây hội chứng EMS chỉ mới là bước đầu. Các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra cơ chế gây bệnh, giải pháp phòng trị vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng đến cuối năm nay sẽ có kết quả tốt.

Một số ý kiến đặt ra, thị trường tôm nước lợ thế giới năm 2014 chưa ai dám chắc điều gì! Nhưng chắc chắn phong trào nuôi tôm trong nước sẽ phát triển mạnh vì nhiều người nuôi tôm sẽ say men "thắng lớn"… bất chấp lời khuyến cáo. Theo các doanh nghiệp trong tỉnh Sóc Trăng nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục khó khăn. Ông Nguyễn Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam, thừa nhận: "Đối với các hợp đồng ký trước tháng 7, phần lớn đều bị lỗ do giá tôm nguyên liệu tăng cao. Hiện nay, công ty chỉ tập trung thu mua để hoàn tất các hợp đồng đã ký, chưa dám ký hợp đồng mới sang năm vì giá tôm vẫn còn tiếp tục tăng".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lê Thành Trí, đề nghị các ngành, các cấp, nhất là người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trước những rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ở vụ nuôi tới. Các nhà máy và người nuôi phải gắn kết với nhau, trước mắt để hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, giá cả, tiêu thụ…Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, chấp hành lịch thời vụ; tổ chức lại sản xuất theo hướng cải thiện thu nhập các tác nhân tham gia chuỗi giá trị con tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng.


Related news

hieu-qua-kep-tu-mo-hinh-lua-ca-mua-lu-o-tien-giang Hiệu Quả “Kép” Từ Mô… tang-cuong-quan-ly-de-phat-trien-ben-vung Tăng Cường Quản Lý Để…