Tin nông nghiệp Cần xây dựng thương hiệu cho na dai Bồ Lý

Cần xây dựng thương hiệu cho na dai Bồ Lý

Author Thanh Huyền, publish date Tuesday. August 30th, 2016

Hiện nay, với việc áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào trồng và chăm sóc, na dai Bồ Lý không những cho năng suất cao mà còn có chất lượng tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Tuy nhiên, một điều trăn trở lớn nhất của người dân và chính quyền địa phương là chưa xây dựng được thương hiệu cho cây na để có một thị trường tiêu thụ ổn định, vững chắc.

Có mặt ở thôn Trại Mái, xã Bồ Lý những ngày này, chúng tôi được hòa chung không khí tấp nập, hối hả của người nông dân thu hoạch na để kịp giao cho thương lái.

Ông Lương Văn Xuất, Trưởng thôn Trại Mái cho biết: “Toàn thôn có 170 hộ thì nhà nào cũng trồng na.

Na có đặc điểm chín nhanh, lại rất thu hút côn trùng và chim.

Vì vậy, nếu không thu hoạch sớm sẽ hỏng nên nhà nào cũng phải tập trung nhân công để hái giao cho thương lái.

Mỗi ngày đều đặn 2 lần vào buổi sáng sớm và đầu giờ chiều, thương lái đến từng hộ dân để thu mua.

Thời điểm này, na được thương lái mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg na loại I và 20.000 đồng/kg na loại II”.

Cũng theo ông Xuất, trồng na tốt nhất là vào tháng Giêng hàng năm, từ khi trồng đến khi được thu hoạch khoảng một năm rưỡi.

Với đặc thù riêng về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu tạo nên na dai Bồ Lý có đặc điểm thơm, ngon, quả to, đều, vỏ mỏng, ít hạt, có vị ngọt sắc và giữ được mẫu mã lâu hơn các loại na ở nơi khác.

Tuy nhiên, trước đây, vụ thu hoạch na thường tập trung chỉ trong vòng 1 tháng nên những khi chín rộ thường bị thương lái ép giá.

Nay, bà con nơi đây đã biết áp dụng tiến bộ KHKT để rải vụ cho na như: Kỹ thuật cắt tỉa cành sau thu hoạch, thụ phấn nhân tạo…Nhờ vậy, vụ thu hoạch na kéo dài được hơn 2 tháng (bắt đầu từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8); sản lượng và chất lượng na cũng vì thế mà tăng theo.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến vườn na của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân, một trong những hộ có diện tích trồng na lớn của thôn Trại Mái và cũng là người đi đầu trong việc áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, thụ phấn nhân tạo cho na.

Đã hơn 1 tháng nay, ngày nào bà Xuân cũng phải dậy sớm hái na để kịp giao cho thương lái.

Đang nhanh tay hái những quả na chín cuối cùng, bà Xuân phấn khởi cho biết: “Hiện, gia đình tôi có 3 ha đất vườn với khoảng 500 gốc na.

Sau vụ thua hoạch năm ngoái, gia đình tôi trồng thay thế 400 gốc nên năm nay chỉ có 100 gốc cho thua hoạch quả.

Hiện, na đang vào vụ chín rộ, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đó.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 1 tấn quả, cho thu lãi gần 30 triệu đồng”.

Đồng chí Trần Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho biết: “Hiện, toàn xã có gần 70 ha trồng na, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Ngọc Thụ, Trại Mái, Đồng Bụt…

Cây na dai gắn bó với bà con nông dân xã Bồ Lý đã từ rất lâu.

So với trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn thì trồng na mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do vốn, chi phí chăm sóc ít, lại tận dụng được đất đồi.

Hơn nữa, cây na thích hợp với đất đai và khí hậu của địa phương nên sinh trưởng và phát triển khá tốt, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.

Mỗi vụ, hộ trồng nhiều thì thu hàng trăm triệu đồng, hộ ít nhất cũng vài ba chục triệu.

Không chỉ vậy, người trồng na ở Bồ Lý đã biết áp dụng những tiến bộ KHKT vào chăm sóc na nên năng suất và chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, hiện nay, na dai của địa phương vẫn chưa có một thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là thương lái thu mua đem đi bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Cũng nhiều lần tỉnh có chủ trương xây dựng thương hiệu cho na dai Bồ Lý nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Người dân và chính quyền nơi đây rất mong tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng thương hiệu để na dai Bồ Lý có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa trên thị trường”.

Với vị trí địa lý cách Khu danh thắng Tây Thiên chưa đầy 10 km, na dai Bồ Lý có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục được bày bán trên thị trường.

Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là một yếu tố quan trọng để na dai Bồ Lý có một thị trường tiêu thụ ổn định, vững chắc.

Để làm được điều này, cần sự vào cuộc hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể trong việc hướng dẫn trồng và chăm sóc na an toàn, đảm bảo chất lượng; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, người nông dân Bồ Lý cũng nên trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP để tự mình khẳng định thương hiệu.

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa Khu danh thắng Tây Thiên sẽ có thêm một sản phẩm du lịch thương hiệu na dai Bồ Lý.


Related news

lap-thach-lap-lang-xanh-nha-xanh Lập Thạch lập làng xanh,… lan-dau-tien-tieu-huy-5-tan-thuoc-bao-ve-thuc-vat-trung-quoc Lần đầu tiên tiêu hủy…