Trồng lúa Cảnh báo bệnh đạo ôn hại mạ

Cảnh báo bệnh đạo ôn hại mạ

Author Thanh Tâm, publish date Thursday. January 17th, 2019

Mặc dù mới chỉ xuống giống bắc mạ chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân 2019, song theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại tại một số địa phương.

Một số trà mạ Xuân sớm có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân cần theo dõi, phát hiện sớm để phun phòng

Trong đó, tập trung nhiều ở các xã Xuân Giang, Xuân Trường (huyện Nghi Xuân) với tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7- 10%, cục bộ 20 - 30%. Nhóm giống bị bệnh rơi vào trà xuân sớm và xuân trung, bao gồm: IR1820, XT28, Xi23, NX30. Hiện các trà mạ này đã đồng loạt xuống cấy.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh nhấn mạnh: Mặc dù diện tích phá hại chưa lớn (khoảng 0,1 ha mạ), tuy nhiên, vào thời điểm này, các trà mạ xuân muộn (Nhị ưu 838, Nếp 98, Nếp 87, HT1…) cũng bắt đầu bước vào giai đoạn xuống giống - mũi chông, bệnh có điều kiện để phát sinh sang các giống mới. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, sương mù nhiều là môi trường lý tưởng cho bệnh đạo ôn phát triển. Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát công tác dự tính, dự báo của ngành chuyên môn trên các phương tiện truyền thông; chủ động phát hiện và phun phòng bệnh đạo ôn trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy để hạn chế nguồn bệnh ngay từ đầu vụ.

Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo, khi phát hiện mạ nhiễm bệnh, bà con tiến hành xử lý bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Isoprothiolare, Propiconazole, Tricyclazole, Fenoxanil, Kasugamycin; các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Fuji one 40WP, Fu Nhật 40WP, Ninja 35SE… Đồng thời, ngừng bón đạm và các chế phẩm có chứa đạm, duy trì đủ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho mạ sinh trưởng phát triển tốt; thực hiện đầy đủ quy trình bắc mạ và kỹ thuật che phủ ni lông. Tiến hành làm đất ruộng cấy, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ bờ để tiêu diệt các ký chủ phụ của bệnh đạo ôn; tuân thủ lịch thời vụ gieo cấy.

Đối với quy trình phun thuốc, thực hiện khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau 7 - 10 ngày kiểm tra lại nếu thấy vết bệnh cấp tính thì tiến hành xử lý thuốc lần 2. Những diện tích mạ bị nhiễm bệnh nặng đã có biểu hiện lụi phải tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng.


Related news

kinh-nghiem-bon-phan-cho-lua-ngan-ngay-vu-he-thu-o-nam-bo Kinh nghiệm bón phân cho… mot-so-bien-phap-chu-yeu-phong-tru-lua-co Một số biện pháp chủ…