Mô hình kinh tế Cánh Đồng Lớn Gặp Khó

Cánh Đồng Lớn Gặp Khó

Publish date Tuesday. May 13th, 2014

Đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu thông qua cánh đồng lớn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ổn trong hợp tác sản xuất lúa giữa các bên trong mô hình mới này.

Tại cuộc họp về vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo các tỉnh ĐBSCL sáng 12.5 ở TP.HCM, Bộ NNPTNT quyết định giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chủ trì, phối hợp với các địa phương để tiếp tục triển khai mô hình này trong vụ hè thu 2014.

Thực hiện kiểu đối phó

Ông Lê Thanh Tùng – chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết, chưa kể Cà Mau và Bến Tre, hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký thực hiện cánh đồng lớn tại các ấp, xã của 11 tỉnh còn lại thuộc vùng ĐBSCL. Tổng diện tích đăng ký đạt khoảng 134.000ha.

Trong khi đó, diện tích hè thu xuống giống theo kế hoạch khoảng 1 triệu ha, với cơ cấu giống đa dạng để các DN chọn lựa, yên tâm thực hiện các liên kết sản xuất. Dự kiến, tổng diện tích cánh đồng lớn đăng ký có thể lên 186.000ha trong vụ tới. Do đó, có thể triển khai thực hiện liên kết sản xuất lúa ngay trong vụ hè thu này.

Ông Nguyễn Hùng Linh – Chủ tịch VFA cũng cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, đã có 16 DN đăng ký tham gia quy hoạch vùng nguyên liệu lúa gạo tại ĐBSCL. Mối liên kết trong sản xuất – tiêu thụ giữa DN và nông dân cũng có bước tiến triển mới. Tuy nhiên, theo ông Linh, vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể gỡ.

Còn ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang thì cho rằng, trong tình hình hiện nay, vấn đề khó khăn nhất của DN cũng như bà con nông dân là vấn đề giá đầu ra. Trong quá trình liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn, khi giá giảm một số DN giữ vững hợp đồng đã thỏa thuận trước đó nhưng vẫn có DN “bỏ chạy”.

“Một số DN tham gia mua lúa trong cánh đồng lớn với mục đích để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, họ làm kiểu đối phó. Do đó, cần phải giám sát quá trình thực hiện ngay từ đầu vụ. Đến cuối vụ, tiếp tục kiểm tra, nếu DN làm không tốt sẽ rút tên ra, đưa DN khác vào” - ông Phả cho biết thêm.

“Dây dưa” sẽ thất bại

Dù đã được triển khai thí điểm từ năm 2011 nhưng đến nay, việc liên kết sản xuất giữa DN và nông dân vẫn còn là những “mô hình”. DN gặp nhiều khó khăn khi thay đổi phương thức hoạt động, còn nông dân vẫn chưa quen với cách làm ăn lớn trong quy mô tập thể.

Đại diện Công ty Gentraco (Cần Thơ) cho biết, đơn vị này thực hiện liên kết sản xuất với nông dân trong vụ hè thu với diện tích 3.000ha. Việc mở rộng diện tích liên kết phụ thuộc vào năng lực sấy của DN. Để đầu tư lò sấy cần vốn lớn, DN dù muốn mở rộng cũng không thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An: Đến nay, mô hình liên kết sản xuất lúa ở Long An vẫn khó triển khai, nhất là liên kết ngang giữa các ND với nhau và liên kết chéo với DN. Hơn nữa khi mở rộng, DN không có đủ năng lực để thực hiện”.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) thì cho rằng, VFA có hơn 100 hội viên trên khắp ĐBSCL. Do đó, chỉ cần từ 5-6 DN tham gia liên kết sản xuất, diện tích trung bình mỗi DN từ 10.000 – 20.000ha là Việt Nam có thể chủ động được vùng nguyên liệu gạo cho xuất khẩu.

“Hơn nữa, ngành lúa gạo nếu cứ dây dưa, ngồi bàn qua tính lại mãi e rằng gạo sẽ giống nhiều mặt hàng khác hiện nay, đang trong tình trạng chết dần do bị nước ngoài khống chế hết. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ ăn gạo thương hiệu nước ngoài với cái giá như giá sữa bây giờ vậy” - ông Bình nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc thí điểm là để rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo. Bộ NNPTNT thống nhất giao VFA làm chủ đầu mối, tiếp tục triển khai thí điểm liên kết sản xuất lúa trong vụ hè thu 2014.

Theo đó, VFA sẽ chọn các DN có năng lực, tự nguyện tham gia vào mô hình tại các địa phương. Ngoài ra, sẽ có Tổ công tác cánh đồng lớn bám sát các địa phương, DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.


Related news

67-hoat-chat-tru-sau-duoc-dung-tren-rau 67 Hoạt Chất Trừ Sâu… buoi-da-xanh-ben-tre-khong-du-xuat-khau Bưởi Da Xanh Bến Tre…