Trồng lúa Cảnh giác với 'lúa ma'

Cảnh giác với 'lúa ma'

Author Trần Xuân Định, publish date Wednesday. October 17th, 2018

Lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang) có tên khoa học là Oryza Rufipogon. Lúa ma đã từng gặp ở Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam (Long An, Bình Thuận từng chịu thiệt hại do lúa ma trong thập niên 1990).

Lúa ma - nỗi ám ảnh của nông dân

Hiện tượng

Hiện lúa ma có mặt và gây hại ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, nhất là Long An, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và nó đã được ngăn chặn nhờ áp dụng các giải pháp canh tác và quản lý chặt chẽ.

GS.TS Bùi Chí Bửu và các nhà khoa học đã nghiên cứu sâu về lúa ma ở Đồng Tháp Mười và đồng bằng sông Cửu Long. Lúa ma có thể làm thất thu năng suất lúa từ 15 – 20%, nếu bị lẫn tạp lúa ma với tỷ lệ từ 35% trở lên, năng suất có thể giảm 50 - 60%, thậm chí không cho thu hoạch, sự xâm nhiễm của nó nghiêm trọng hơn trên các ruộng lúa gieo sạ, nông dân sử dụng lúa giống tự để từ vụ trước.

Lúa ma rất giống lúa thường, ở giai đoạn đầu sinh trưởng nhanh; lúa trổ bông sớm hơn một chút, có râu dài, hoặc không có râu, tỉ lệ lép cao; đặc biệt là rất dễ rụng hạt khi có một cơn gió thoảng qua. Khi lúa chín, chỉ cần dùng tay gạt nhẹ là hạt lúa ma đã rụng tơi tả. Với tác động cơ giới khi thu hoạch thì hầu như chỉ còn lại cọng rơm. Vì thế lúa ma có khả năng tồn tại lâu và lan sang vụ kế tiếp.

Do gieo sạ, gieo vãi nên khó phát hiện và tiêu diệt bằng các biện pháp làm cỏ tay, khó khử lẫn và khi rụng xuống hạt bị vùi trong đất có sức sống cũng như duy trì sức nảy mầm trong vài năm, mật độ được tích tụ dần qua các vụ khiến tỷ lệ lúa ma trong ruộng tăng dần theo cấp số nhân qua các vụ, lúa ma sinh trưởng mạnh át cả lúa trồng.

Mặt khác cũng có sự giao phấn (tỷ lệ nhỏ) với lúa thường mà bà con gieo cấy, việc tự để giống từ những khu vực này khiến các dạng lúa phân ly với tính trạng xấu trở lên phức tạp hơn.

Lúa ma có râu khá dài, dễ dàng nổi trên mặt nước rồi lan truyền đi nơi khác qua các kênh tưới, tiêu; râu dài nên chim, chuột cũng khó ăn, cộng với sức sống và duy trì nảy mầm tốt… Tất cả các đặc điểm đó khiến lúa ma tiềm ẩn nguy cơ phát triển và lan rộng, gây hại không kém bất cứ loại dịch hại nào.

Ở các tỉnh miền Bắc, lúa ma là cụm từ khá xa lạ và không mấy người quan tâm cũng như hiểu biết sâu về nó. Vụ xuân 2018, một nông dân ở xã Quảng Long, Quảng Xương, Thanh Hóa đã có đơn gửi Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Thanh Hóa về hiện tượng này. Mặc dù diện tích không nhiều, khoảng 23 ha, nhưng có vài ha bị nặng gây thất thu, một số diện tích nhỏ bà con đã cắt non cho trâu bò. Các chân ruộng còn lại, tỷ lệ lúa ma lẫn trong quần thể từ 5 - 10%.

Vụ mùa 2018, hiện tượng này xuất hiện ở Yên Khánh, Ninh Bình. Có 3 mảnh ruộng với diện tích ước 6 - 7 sào Bắc bộ có tỷ lệ cây lúa ma khá cao (trên 60%). Nhìn cả ruộng như cấy lúa “hom”, khi khua tay rung cây lúa, lúa rụng gần hết hạt. Ruộng này coi như thất thu. Nhiều ruộng khác quan sát tỷ lệ cây lúa như vậy cũng chiếm 5 - 7%.

Qua trao đổi với nông dân cho thấy hiện tượng cây lúa ma đã có trên ruộng từ 2 - 3 vụ trước đây, tuy nhiên bà con không để ý, nghĩ là lúa lẫn và cấy để làm lúa thịt nên không khử lẫn, khi thu thì các hạt lúa đã rụng hết. Vì vậy có thể khẳng định trên ruộng của một số hộ thuộc xã Hợp Tiến, huyện Ninh Khánh (Ninh Bình) đã tích lũy một lượng hạt lúa cỏ khá lớn. Đồng thời, nguồn hạt cũng có thể lan truyền ra khu vực lân cận từ các hoạt động sản xuất của con người, qua dòng nước. Nếu không xử lý triệt để hiện tượng này, nguy cơ sẽ lan rộng và gây thiệt hại lớn ở các vụ kế tiếp.  

Giải pháp

Trên cơ sở về đặc tính của lúa cỏ như trên, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cần hết sức cảnh giác, kịp thời phát hiện để ngăn chặn sớm, tránh nguy cơ lan rộng và gây thiệt hại lớn.

 Lúa ma - nỗi ám ảnh của nông dân

Một số giải pháp nhằm hạn chế sự thiệt hại và sự lan truyền ra diện rộng của lúa ma như sau:

1.Tích cực điều tra, phát hiện tình trạng lúa ma trên đồng ruộng, đánh giá mức độ cũng như tỷ lệ lúa ma xâm nhiễm, khoanh vùng các địa phương có tỷ lệ và nguy cơ cao.

2. Đối với ruộng lúa đang bị lúa ma xâm nhiễm tỷ lệ thấp cần phải cắt bỏ triệt để ngay khi lúa mới trổ, cắt sâu sát gốc để không thể bắn lúa chét.

3. Những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ từ 70 - 80% cần tận thu, cắt sát gốc, không để lẫn với nguồn lúa giống. Sau khi thu hoạch, phơi khô rơm, rạ và vun gọn tiến hành đốt để tiêu diệt tàn dư. Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma phân hủy Xellulo phun đậm trên mặt ruộng sao cho các hạt lúa ma (có râu dài) rụng xuống mặt đất được tiếp xúc với chế phẩm này. Chế phẩm Trichoderma sẽ phân hủy xellulo vỏ trấu và làm mất sức nảy mầm của hạt lúa ma.

4.Khi thời tiết còn thuận lợi, nền nhiệt còn cao, lấy nước và tiến hành lồng bừa nông, san phẳng rồi gạn nước (như gieo mạ) để mồi cho lúa ma nẩy mầm. Khi cây mạ có 4 - 5 lá tiến hành lấy nước cày lật úp, làm đất nhuyễn để tiêu diệt. Biện pháp này phải làm lặp lại 2 - 3 lần mới có thể diệt được hết hạt lúa ma bị vùi trong tầng canh tác.

5. Vận động, tuyên truyền nông dân nếu gieo cấy ở vụ sau không nên gieo vãi, tốt nhất là cấy thẳng hàng hoặc sạ thẳng hàng để tiện quản lý và khử bỏ lúa ma sớm, ngay từ khi lúa đang trổ. Không sử dụng giống tự để.

6. Áp dụng biện pháp luân canh với cây trồng cạn như (ngô, rau…) để ngăn chặn nguồn lúa ma phát sinh gây hại.


Related news

giong-lua-chat-luong-qng6 Giống lúa chất lượng QNg6 phong-tru-ray-nau-cuoi-vu Phòng trừ rầy nâu cuối…