Tin nông nghiệp Canh tác lúa ST đặc sản vụ hè thu ở Tây Nguyên

Canh tác lúa ST đặc sản vụ hè thu ở Tây Nguyên

Author Hồng Huệ, publish date Thursday. July 8th, 2021

Tại Tây Nguyên, hè thu là chính vụ vì rơi vào những tháng mùa mưa, nguồn nước mưa dồi dào thuận lợi gieo trồng chăm sóc cây lúa nhất là lúa đặc sản ST.

Gắn bó với cây lúa từ rất nhiều năm, ông Đỗ Đình Miền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắkcho biết, so với mọi năm, vụ hè thu năm 2021, thời tiết ôn hòa hơn.

Đầu vụ lượng mưa phân bổ đều, vừa phải, việc gieo sạ của bà con thêm thuận lợi. Hiện nay, giống lúa đặc sản ST24, ST25, ngày càng được bà con chọn canh tác nhiều. Vì chất lượng gạo ngon, dễ tiêu thụ, tỉ lệ nảy mầm cao, năng suất tốt.

Những đặc tính của giống lúa ST24, ST25 như rễ khỏe, cứng cây, kháng sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, rầy nâu,… được bà con vùng Tây Nguyên đánh giá rất cao.

Ở vụ hè thu, mưa nhiều, dễ gây bệnh, đỗ ngã cho cây lúa, thì những đặc tính này của giống lúa thơm ST càng phù hợp giúp bà con khi canh tác sử dụng lượng phân thuốc BVTV giảm nhiều so với trước. Cây ít đổ ngã, năng suất cuối vụ đảm bảo, lợi nhuận tăng hơn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, cây lúa đặc sản ST24, ST25 có đặc tính giống lúa của ĐBSCL là chịu được mặn phèn. Khi được trồng ở vùng đất cao nguyên Đắk Lắk, tại nhiều nơi, cho năng suất cao vượt trội hơn 10 tấn/ha.

Đồng đất Tây Nguyên giàu dưỡng chất, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch cao, kết hợp qui trình chăm sóc, bón phân cân đối chính là những lí do giúp giống lúa đặc sản này phát huy tối đa ưu thế năng suất, và phẩm chất hạt gạo của giống.

Vụ hè thu là vụ chính ở vùng đất Tây Nguyên. Việc canh tác lúa tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, vào đầu vụ thường xuất hiện các cơn mưa lớn, bà con cũng cần chú ý, những vùng không chủ động nước, phải canh lấy nước để kịp quá trình làm đất, gieo sạ đúng khuyến cáo.

Cụ thể, lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Đắk Lắk là, ở những khu vực có thể chủ động nước, bà con gieo sạ từ mùng 10/6 trở đi. Những vùng không chủ động được nước có thể gieo sạ muộn hơn khoảng vào cuối tháng 6.

Những vùng trũng, bà con cần đặc biệt quan tâm bơm, tháo nước tránh ngập úng giai đoạn đầu gieo sạ. Trước khi gieo sạ cần làm đất kỹ. Những vùng chủ động được nước bà con có thể chọn các giống lúa sinh trưởng trung hoặc dài ngày như ST24, ST25.

Về giống lúa, các nhà khoa học nhận định, so với giống ST24 thì hiện nay, ST25 vẫn chưa được công nhận sản xuất đại trà của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tại một số nơi bà con vẫn gieo sạ. Qua 2 vụ cho thấy là giống ST25 tương đối sinh trưởng phát triển tốt trên một số cánh đồng, trên một số địa phương, một số huyện của Đắk Lắk.

Về dinh dưỡng, giống ST này cần lượng kali tương đối cao hơn so với một số giống khác, khoảng từ 12-15kg kali/sào trong 1 vụ. Vào cuối vụ, việc bón thúc đòng cần bổ sung thêm kali, ngoài lượng phân chuẩn để nâng cao chất lượng.

Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo qui trình bón phân cho vụ hè thu đối với giống lúa thơm đặc sản ở vùng đất Tây Nguyên, bà con chú ý nên bón lót phân hữu cơ, sạ thưa để cây phát triển, đẻ nhánh tốt. Quá trình phát triển của cây, bà con sử dụng phân bón chuyên dùng cho lúa đảm bảo tỉ lệ cân đối NPK và trung vi lượng.

Cụ thể:

- Trước khi gieo sạ: bà con bón lót phân Đầu Trâu TE-01, lượng bón 75-90kg/ha

- Giai đoạn 10-12 ngày sau sạ, bà con bón phân Đầu Trâu TE-01, lượng bón 80-100kg/ha.

- Giai đoạn lúa đẻ nhánh, bà con bón phân Đầu Trâu TE-01, lượng bón 80-100kg/ha.

- Giai đoạn đón đòng, bà con bón phân Đầu Trâu TE-02, lượng bón 150-175kg/ha.

Quá trình chăm sóc, bà con cũng cần kết hợp áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc IPM để đạt hiệu quả năng suất, chất lượng tốt nhất.


Related news

thu-nghiem-hat-giong-lua-mang-ve-tu-tau-vu-tru Thử nghiệm hạt giống lúa… trong-tieu-thuan-tu-nhien Trồng tiêu 'thuận tự nhiên'