Mô hình kinh tế Cây bơ núi Cấm (An Giang)

Cây bơ núi Cấm (An Giang)

Publish date Thursday. August 6th, 2015

Tập quán canh tác non cao

Khu vực Rau Tần và vồ Đầu (núi Cấm - An Giang) phát triển mạnh “nông – lâm kết hợp” và khả năng thiết kế vườn trồng cây ăn trái đặc sản. Theo ông Phạm Việt Tân, Trưởng ban nhân dân ấp Vồ Đầu, do độ màu mỡ đất đai mỗi nơi khác nhau, khí hậu luôn thay đổi và phần lớn bị ảnh hưởng “đá bàn”, nên không phải cây nào trồng ở đâu cũng được, mà đòi hỏi đến yếu tố kỹ thuật. “Trên núi Cấm này, chỉ có một loại giống bơ cơm vàng, hạt lớn là ngon nhất. Dân xứ núi gọi là bơ sáp” – ông Tân nói.

Về xuất xứ “bơ sáp” trên núi Cấm, ít người nhớ rõ nguồn gốc, nhưng đại để có từ lâu đời. Do vậy, phương pháp canh tác cứ theo tập quán, dựa vào thời tiết là chủ yếu. Năng suất, sản lượng, chất lượng… đều lệ thuộc vào 2 mùa nắng và mưa. Ông Nguyễn Văn Cao (cư dân vồ Bồ Hong) nói vui: “Cây trái trên núi Cấm này, trồng xuống bỏ đại, ông Trời cho thì mình được ăn, còn không thì thôi”. Khác với miếng vườn chân vồ Bồ Hong của ông Cao, bên vồ Đầu có phần thuận lợi đôi chút, cây bơ trồng dưới tán rừng gặp nhiệt độ từ 250C – 300C vào mùa nắng rất lý tưởng.

Bơ núi thu hút du khách

Thầy giáo Trần Hoàng Anh (cư dân vồ Đầu) phân tích: “Cây gì cũng vậy, muốn trồng thì trước hết phải thử nghiệm, xem sự thích nghi như thế nào mới trồng đại trà”. Dựa vào yếu tố kỹ thuật, rồi kiểm nghiệm thực tế, anh đã thành công với cây “bơ sáp” xen vườn dâu da xanh. Song, thống kê số lượng cây và diện tích không lớn lắm, chủ yếu vẫn theo phương pháp “xen canh”. “Trồng nhiều, chăm sóc không nổi, thất bát cũng vậy. Cho nên, mỗi thứ một ít, mùa nào cũng có lai rai. Đầu tư lớn, vốn nặng lắm” – anh Hoàng Anh chia sẻ. Đó là chưa kể công chăm sóc, chi phí vận chuyển sau thu hoạch.

Bơ có giá “nhờ” du lịch

Những năm gần đây, nhiều giống bơ từ đồng bằng “lội ngược” lên núi Cấm, cư dân gọi nôm na là “bơ muỗng”, “bơ bóng đèn”, “bơ tròn”… Thế nhưng, hương vị và chất lượng khó qua “bơ sáp” bản địa. Trần Hoàng Anh bảo, “bơ sáp” của anh bán được 25.000đ/kg, còn các loại khác thấp hơn 4.000đ – 5.000đ/kg. “Nhờ du lịch phát triển, người hành hương và du khách đến mới biết, khi thưởng thức thấy ngon nên họ mới tìm mua” – anh Hoàng Anh phấn khởi.

Bơ núi Cấm đang vào mùa thu hoạch và giá cả có lợi cho cư dân. Song, anh Đinh Văn Phi Vân (cư dân vồ Mồ Côi) vẫn than vãn, năng suất thấp và sản lượng không được bao nhiêu. “Nguyên nhân chính do mùa khô bị hạn hán, khiến bông cây bơ bị rụng sơ cờ, rồi lúc cây cần nước để nuôi trái thì bị nắng gay gắt. Dù khí hậu vồ Mồ Côi dễ chịu, nhưng không có mưa trong thời gian dài thì cây trái thất bát” – anh Vân lý giải. Không riêng khu vực này, bên vồ Bạch Tượng, cây bơ của anh Nguyễn Văn Sơn cũng bị thất mùa với lý do đó.

Mùa mưa xuống, bơ núi Cấm “đổ bộ” khắp nơi, nhưng diện tích không lớn và sản lượng không nhiều. Cây bơ ở đây cũng lắm thăng trầm, bị bơ các nơi áp đảo và giá cả cũng bấp bênh! Trước đây, một số người trồng đốn bỏ bơ để trồng cây khác. Khoảng 2 năm trở lại đây, thấy bơ núi có giá, nhiều người mới quay lại trồng, nhưng trái đâu thu hoạch kịp để bán cho khách du lịch và người hành hương. Hiện tại, bơ núi Cấm thuộc dạng lâu năm, người nào tiếc để lại mới có trái bán. Còn trồng mới, cũng phải 2 – 3 năm nữa mới có thu hoạch!

“Trước nhu cầu nông dân, xã đang kết hợp các ấp chọn mô hình thích hợp để trình diễn, sau đó sẽ nhân rộng, ưu tiên cây ăn trái đặc sản và cây bản địa. Bởi lẽ, giống, thổ nhưỡng, thời tiết, nước tưới… là yếu tố quan trọng đối với nhà vườn trên núi” – anh Si Sô Vath, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (Tịnh Biên), cho hay.


Related news

lam-giau-tu-mo-hinh-trong-chanh-khong-hat Làm giàu từ mô hình… nhan-tim-soc-trang-dang-bi-lam-gia Nhãn tím Sóc Trăng đang…