Mô hình kinh tế Cây bưởi trên đất Lam Kinh

Cây bưởi trên đất Lam Kinh

Publish date Tuesday. September 1st, 2015

“Tuổi thọ của cây bưởi Luận Văn bằng cả ba bốn đời người cộng lại. Đây là giống bưởi tiến vua và không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết nên cứ cha truyền con nối, gìn giữ đến tận hôm nay”, ông Nguyễn Văn Khảm ở thôn Luận Văn 1, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chia sẻ.

Trăm năm giống bưởi

Chẳng biết được “khai sinh” từ bao giờ nhưng theo ông Khảm, giống bưởi Luận Văn đã được trồng cách đây khoảng 200 năm trước.

Khi ông Khảm ra đời, bưởi Luận Văn đã có ở trong vườn, hàng năm cứ độ tháng năm đến tháng sáu hoa bưởi tỏa hương thơm ngào ngạt, mùi hương chua chua ngọt ngọt còn dậy mùi khi quả bưởi ngả màu chín đỏ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán.

Ông Khảm kể, sinh thời ông bà nội ông chạy loạn trốn giặc dắt theo bố ông (ông Nguyễn Văn Tô, SN 1810) về quê hương Thọ Xương lập nghiệp.

Đến năm 17 tuổi, ông Tô bắt đầu nối nghiệp cha đưa các giống cây ăn quả vào trồng như cam, quýt, bưởi…

Thời bấy giờ chẳng ai biết ông Tô lấy giống bưởi mới ở đâu về trồng nhưng qua thời gian, cây bưởi lớn dần, đơm hoa, kết trái thỏa mãn các yêu cầu mẫu mã đẹp, thơm, ngon nên người dân trong xã cũng bắt đầu trồng giống bưởi này.

“Khi đó bố tôi trồng 50 sào cây ăn quả nhưng bưởi được trồng xen với các cây trồng khác. Số lượng cây chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì giá trị trái bưởi không cao, chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, biếu xén thờ cúng, nhưng về sau thấy quả đỏ đẹp, ăn ngon nên nhà nhà đua nhau trồng”, ông Khảm nhớ lại.

Lớn lên, ông Khảm là đời thứ hai nối nghiệp cha duy trì giống bưởi Luận Văn.

Ông bảo: “Vườn bưởi được bố tôi chia cho 5 anh em nhưng chỉ có tôi duy trì được đến ngày hôm nay. Bởi tôi nhớ các cụ xưa truyền lại, tuổi thọ của bưởi Luận Văn bằng cả ba bốn đời người cộng lại.

Đây là giống bưởi “tiến vua” và không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết nên tôi quyết gìn giữ bằng được. Thực tế tôi cũng không biết vì sao bưởi có tên Luận Văn, nhưng có lẽ vì nó được trồng, phát triển đầu tiên ở Luận Văn nên các cụ lấy tên làng đặt tên bưởi luôn”.

Sau khi vườn cây ăn quả của ông Tô được chia cho các con, mỗi gia đình chỉ “sở hữu” từ 1 - 2 gốc bưởi. Trong làng cũng đã có nhiều hộ nhân giống từ cây bưởi của gia đình ông trồng trên đất Thọ Xương.

Đến năm 1992, HTX Thống Nhất, xã Thọ Xương muốn khôi phục giống bưởi Luận Văn nên ông Khảm xin nhận thầu. Ông đầu tư trồng 8 sào cây màu và 2 sào bưởi (khoảng 50 gốc). Toàn bộ bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, 3 năm sau thì cho thu hoạch.

Theo ông Khảm, thời kỳ nhà thơ Tố Hữu là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, khi về thăm HTX Thọ Xương, được các xã viên mời ăn bưởi Luận Văn, ông tấm tắc khen ngon. Sau đó ông yêu cầu Thanh Hóa đưa 2 cây bưởi Luận Văn ra trồng cạnh lăng Bác.

Qua thời gian, cây bưởi thoái hóa trong khi điều kiện đầu tư của gia đình không có nên ông chặt bỏ bớt, chỉ để lại 5 gốc đầu dòng.

“Tôi rất tiếc khi phải chặt đi những gốc bưởi ấy. Giống bưởi này có một hạn chế là dễ bị bệnh vàng lá và sâu đục thân. Nếu khắc phục được các loại bệnh trên thì hiệu quả kinh tế rất cao, có những cây tuổi thọ 5 - 6 năm cho thu hoạch gần 200 quả, mỗi quả bán giá bình quân 50.000 - 60.000đ, quả đẹp lên đến 100.000đ, bình quân 1 sào bưởi cho thu nhập dăm bảy chục triệu”, ông Khảm nhẩm tính.

Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Ngoài ông Khảm, trên địa bàn Thọ Xương đã khôi phục được một số vườn bưởi đầu dòng như hộ ông Tâm trồng 2 ha; ông Huấn trồng gần 1 sào (đều đã thu hoạch 2 năm nay).

Ông Trần Công Thắng, thôn 2, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân được gắn với biệt danh “triệu phú” bưởi, là một trong những hộ điển hình có nhiều sáng tạo trong việc duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây bưởi Luận Văn.

Bưởi Luận Văn chín đỏ vào dịp Tết Nguyên đán

Gia đình ông có 4 sào đất vườn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, trồng cây gì xuống cũng cằn cỗi, lụi tàn. Năm 1992, ông thấy lái buôn các nơi về làng thu mua bưởi Luận Văn với giá cao.

Nhận thấy giống bưởi này ngày càng được ưa chuộng nên ông xuống làng Luận Văn mua 3 cành bưởi chiết với giá 20.000 đ/cành về trồng.

Đến năm 1995 bưởi cho thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi cây đạt gần 50 quả, bán với giá bình quân 15.000 đ/quả, tổng doanh thu được hơn 2,5 triệu đồng.

“Thời điểm ấy vợ tôi cầm trong tay cả triệu bạc toàn tờ 50.000đ mới tinh mà rơi nước mắt. Tôi thì “sướng” rơn cả người, bấm bụng nghĩ nhà mình sắp thoát nghèo rồi”, ông Thắng phấn khởi chia sẻ.

Hiện gia đình ông Thắng trồng hơn 2 sào bưởi (70 gốc), trong đó 50 gốc đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi sào đầu tư hết khoảng 5,4 triệu đồng gồm giống (25 gốc) 1,7 triệu đồng; phân bón 3,5 triệu đ/năm; thuốc BVTV 200.000đ.

Thu hoạch như năm 2014 đạt 1.000 quả x 50.000 đ/quả = 50 triệu đồng; tiền bán giống cây được 27 triệu nữa, nâng tổng thu nhập đạt gần 80 triệu đồng (40 triệu đ/sào).

Là người sáng tạo ra nhiều giải pháp nâng cao giá trị cây bưởi Luận Văn, ông Thắng cho rằng, làm nông nghiệp bất kể là chăn nuôi hay trồng trọt, phải đam mê, kiên trì thì sẽ thành công.

Đối với cây bưởi, giai đoạn khó khăn nhất là trồng mới, tưới nước, chăm sóc cho nó sống. 1 gốc bưởi ông đào hố sâu, rộng đều 50 cm; bón phân chuồng, vôi bột, lân, NPK trộn đều lấp dưới mặt đất, khi chôn gốc bưởi không chôn quá sâu bởi bưởi là cây có bộ rễ ăn nông.

Khi cây đâm chồi, dùng phân đạm hòa tan tưới vào gốc “như người đang ốm được tiêm trợ lực”, rồi cứ thế đều đặn bón 4 - 5 lần phân bón/năm.

Nếu muốn điều chỉnh cho quả chín sớm thì bón thêm 7 - 8 kg bột ngô hoặc thức ăn đậm đặc của lợn vào gốc, để hãm cho quả chín muộn thì từ tháng 6 âm lịch trở đi không bón phân nữa.

“Tôi thấy trên ti vi họ bón đậu tương, nhà tôi không có đậu tương nên tôi bón thêm bột ngô, cám chăn nuôi. Vì tôi nghĩ đậu tương, ngô hay cám chăn nuôi đều là chất béo cả. Thậm chí tôi còn bón thêm cà chua thối cho cây”, ông Thắng chia sẻ.

Trong quá trình cây sinh trưởng nếu phát hiện sâu đục thân thì diệt vật chủ trung gian, cây nào bị nặng dùng xi lanh bơm trực tiếp thuốc vào gốc để diệt.

Sau mỗi vụ thu hoạch ông đào rãnh xung quanh tán cách gốc cây 1m để cho cây ăn thức ăn gián tiếp. Cách làm này sẽ giúp cây “trẻ” lâu và kéo dài tuổi thọ.

Đánh giá về giống bưởi Luận Văn, ông Phạm Ngọc Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bái nói: “Giống bưởi này quả đỏ từ vỏ đến múi, vị chua chua ngọt ngọt, mùi thơm nên người tiêu dùng dân ưa chuộng. Hiện toàn xã có trên 25 hộ trồng bưởi Luận Văn với diện tích gần 5 ha”.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân:

“Năm 2013, ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) vào khảo sát, lựa chọn cây bưởi đầu dòng Luận Văn làm đề tài nghiên cứu, nhân rộng.

Ngay sau đó chúng tôi đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ KH-CN) đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý bưởi Luận Văn nhưng đến nay chưa có kết quả chính thức.

Rất mong cơ quan chức năng sớm có quyết định công nhận để chúng tôi lấy đó làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư SX bưởi Luận Văn theo mô hình VietGAP tại các xã Thọ Xương, Xuân Lam, Xuân Bái và thị trấn Lam Sơn”.


Related news

than-tuong-lua-nep-cua-nong-dan Thần tượng lúa nếp của… bùng-thúc-vùng-cam Bừng thức vùng cam