Tin nông nghiệp Cây bưởi trên đất Vân Đồn

Cây bưởi trên đất Vân Đồn

Author Huế Long, publish date Thursday. June 30th, 2016

Trong câu chuyện với những chủ vườn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm từ bưởi, ai cũng nhắc lại một thời khó khăn của cây bưởi vùng này. Cây bưởi ở đất Vân Đồn mới đầu chỉ trồng với mục đích ăn quả phục vụ tại chỗ, chưa ai nghĩ đến trồng theo hướng hàng hóa.

Vì vậy năm được mùa, năm mất mùa, đã có thời kỳ người dân bỏ bưởi trồng một số loại cây ăn quả khác. Đến khi UBND tỉnh và UBND huyện có chủ trương mở rộng diện tích, khuyến khích người dân trồng bưởi ban đầu vẫn còn tâm lý e ngại xen lẫn lo lắng. Từ tuyên truyền, vận động, bà con mạnh dạn làm, thực tiễn đã có ngay câu trả lời, mô hình trồng bưởi đã thành công.

Bưởi là một trong những loại cây trồng được xã chọn làm cây chủ lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân. Ngay từ khi thực hiện, xã Vân Đồn đã quy hoạch lại diện tích trồng bưởi, đồng thời vận động bà con nhân dân tận dụng các diện tích đất phù hợp để đưa bưởi vào trồng theo hướng hàng hóa. Thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cây trồng truyền thống, cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi mới đầu còn gặp khó khăn nhưng từ các mô hình điểm cộng thêm chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, phân bón... nên nhiều hộ gia đình trong xã đã chuyển đổi diện tích đất đồi thấp sang trồng các loại bưởi.

Tính đến thời điểm này, toàn xã Vân Đồn có trên 100ha bưởi, trong đó 60ha đã cho thu hoạch ổn định. Trên đất Vân Đồn giống bưởi Diễn chiếm tới 80% diện tích, còn lại là giống bưởi Sửu và một số giống bưởi khác. Số gia đình có thu nhập tính đến hàng trăm triệu đồng từ bưởi đã lên tới hàng chục hộ. Anh khuyến nông viên cơ sở nhẩm tính 1ha trồng khoảng 240 gốc bưởi, giống bưởi Diễn từ 5 năm trở lên trung bình có trên 100 quả. Với giá thị trường hiện nay khoảng 20.000 đồng/quả thì mỗi hec-ta cho thu tiền trăm triệu không phải khó.

Trước đây, người dân phải mua cây giống từ nơi khác với giá khoảng 50.000 đồng/cây nhưng hiện nay, nhiều hộ đã tự chiết được cành giống tại chỗ với giá chỉ bằng một nửa. Với cách làm như thế, địa phương vừa chủ động được giống cây lại có thể chọn lọc được giống tốt. Ngoài ra, các hộ còn trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nhiều về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi sao cho bảo đảm năng suất và chất lượng.

Cũng giống như nhiều hộ dân khác ở xã Vân Đồn, gia đình chị Trần Thị Chung ở khu 3 tập trung đầu tư thâm canh phát triển bưởi Diễn trên diện tích 2 mẫu đất đồi vườn. Nhờ chú trọng việc đầu tư đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất từ khâu tỉa cành, thụ phấn, tỉa quả, sử dụng phân bón hợp lý đến khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch nên vườn bưởi của gia đình mấy năm nay đều cho năng suất ổn định, mỗi năm riêng tiền bưởi gia đình chị thu về trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong phát triển cây bưởi ở Vân Đồn vẫn còn những khó khăn nhất định. Ông Đinh Trung Kiên – Chủ tịch UBND xã cho biết: Bưởi là cây đặc sản yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên nhiều hộ sợ thất bại chưa mạnh dạn đầu tư trồng, hoặc có đầu tư cũng không chú ý thâm canh mà trồng xen ghép. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bưởi hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên một số người dân vẫn còn tâm lý e ngại, chưa dám chuyển đổi trồng cây có hiệu quả thấp sang đầu tư trồng bưởi.

Những khó khăn trong quá trình phát triển cây bưởi vẫn còn nhưng hy vọng rằng với sự phổ biến áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết bốn nhà trong nông nghiệp sớm được áp dụng để cây bưởi không chỉ phát triển bền vững ở Vân Đồn nói riêng mà ở huyện Đoan Hùng nói chung.


Related news

ty-phu-lam-nong-nghiep-o-at-ra-mat-am-tham-thao-chay Tỷ phú làm nông nghiệp… doanh-nghiep-dung-chieu-tro-nong-dan-sap-bay Doanh nghiệp dùng chiêu trò,…