Cây mì “át chủ bài” trong vụ hè thu
Trở lại tuyến đường liên xã Sơn Mỹ - Tân Xuân, huyện Hàm Tân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những rẫy mì bạt ngàn đã và đang nhú chồi lên xanh vào đầu mùa mưa năm nay. Có những khu vực mì hiện diện ngay khi cây keo dài ngày vừa thu hoạch xong.
Mì đang lên xanh, trải rộng.
Anh Trương Văn Đồng, nông dân ở thôn 2, Sơn Mỹ chủ trang trại rộng lớn trên tuyến đường này vừa vào lán trại uống nước, phả vài hơi thuốc, vui vẻ cho biết: “Tôi khai thác xong 10 ha keo lá tràm giâm hom, thuê nhân công cày ải, phân luống, xuống giống mì cao sản; đồng thời kết hợp trồng keo giâm hom trong tháng 7 này.
Những chủ vườn keo dọc tuyến đường liên xã đến kỳ thu hoạch đều tái canh, có người trồng hẳn mì, tạm ngưng cây keo dài ngày”. Cây mì hiện nay đang chiếm ưu thế trong vụ hè thu ở huyện Hàm Tân cũng là điều dễ hiểu, bởi vụ thu hoạch vừa qua nhiều nông dân trúng đậm. Người nông dân trồng, chăm sóc kỹ, năng suất đạt gần 25 tấn mì tươi/ha, giá mì thương lái mua tại rẫy 2.500 đồng- 2.600 đồng/kg, tăng gấp đôi năm ngoái. Một ha cho lãi gần 50 triệu đồng.
Không ít nông dân ở Hàm Tân cầm cự thâm canh cây mì trong mùa qua có lãi khoảng 100 triệu đồng cho mỗi hộ bình quân sở hữu 2 ha. Những rẫy keo chỉ mới năm thứ tư vừa bán xong, bà con đều chuyển tiếp trồng mì vào đầu mùa mưa. Bây giờ, “rừng” mì bạt ngàn đã trải rộng từ phía tây Sơn Mỹ nối liền với xã Tân Xuân qua con đường đất đỏ liên xã được huyện Hàm Tân nâng cấp mấy năm trước; dãy “rừng” trồng này cũng phủ lên giáp với Tân Thắng, Thắng Hải.
Tương tự, ở xã Sông Phan, nhiều bà con cho biết, giá mì tươi đang trở lại đỉnh cao, họ đã đưa cây trồng chủ lực này vào sản xuất, bởi cây mì không tốn kém đầu tư, thích hợp các loại đất và đang cho hiệu quả. Trên 1.900 ha cây mì tiếp tục phủ màu xanh bạt ngàn trên nương rẫy Sông Phan, chiếm “áp đảo” trong số cây màu hàng năm ở địa phương này (2.141 ha). Ở đây, đập dâng Sông Phan đang hoàn thiện giai đoạn cuối, sẽ hỗ trợ nước tưới cây màu khi cần thiết. Diện tích mì được mở rộng hàng ngàn ha, tăng nhiều so năm trước là điều dễ hiểu…
Không chỉ người dân Hàm Tân mà nông dân trồng mì trong, ngoài tỉnh đều vui khi nguồn nguyên liệu này được các nhà máy sản xuất cồn sinh học (ethanol), thành phần của xăng sinh học E5 (5% ethanol), dùng thay thế xăng A92 từ đầu năm nay theo quy định của Chính phủ. Ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, đơn vị sản xuất cồn sinh học tại khu vực xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc nằm thượng nguồn sông Dinh, giáp ranh với Hàm Tân cho rằng, hiện cả nước đã có trên 100 nhà máy chế biến tinh bột mì, chỉ cần đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học E5 trong người dân, đảm bảo đầu ra cho người trồng mì. Nếu tăng tỷ lệ ethanol trong xăng từ E5 lên E10 thì nhu cầu về dùng mì sinh học còn cao hơn nữa. Cùng với đó, nguyên liệu mì được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bột ngọt, thức ăn chăn nuôi… tiêu thụ rộng rãi trong, ngoài nước. Rõ ràng đầu ra cây mì đang thông thoáng cho người trồng sau nhiều năm thăng trầm…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao