Mô hình kinh tế Cây Sơn Giúp Người Dân Tân An Thoát Nghèo Bền Vững

Cây Sơn Giúp Người Dân Tân An Thoát Nghèo Bền Vững

Publish date Saturday. July 27th, 2013

Cùng với phát triển trồng rừng, nhiều năm qua cây sơn cũng đã được người dân ở một số thôn bản xã Tân An (Chiêm Hóa) đưa vào trồng. Qua thực tế trồng và chăm sóc nhiều năm cho thấy, việc trồng sơn lấy mủ đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương.

Từ năm 2005, gia đình chị Tô Thị Xuyên, thôn An Phú đã đưa cây sơn vào trồng trên diện tích hơn 1.000m2 đất vườn đồi của gia đình. Từ năm 2008, đồi sơn của gia đình chị đã bắt đầu cho khai thác mủ, mỗi ngày gia đình chị thu gom được trên 1kg mủ sơn với giá bán bình quân 120.000đ/kg. Mỗi năm bình quân gia đình chị Xuyên cũng có thu nhập ổn định từ 20 đến 25 triệu đồng nhờ bán mủ sơn. Chị Xuyên cho biết, trồng cây sơn đòi hỏi phải chịu khó. Khi cây sơn mới trồng, phải được chăm sóc, phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại.

Khi cây đến kỳ cho thu hoạch mủ, người trồng sơn phải dậy từ lúc 3 - 4 giờ sáng lên đồi để cắt vỏ, giữa trưa phải lên rừng thu gom mủ về. Vất vả, nhưng bù lại cây sơn cho thu nhập cao. Từ trồng cây sơn lấy mủ mà gia đình chị đã có một khoản tiền hàng tháng đầu tư vào phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó mà kinh tế gia đình cũng ổn định hơn có điều kiện lo cho con ăn học.

Từ chỗ là một hộ nghèo đặc biệt khó khăn, nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có của ăn, của để. Theo ông Hà Tình Nguyện, Trưởng thôn An Phú, thôn có trên 140 hộ gia đình, hiện có hơn 30 hộ trồng sơn thu nhập ổn định. Nhờ trồng cây sơn lấy mủ mà nhiều hộ như gia đình đã thoát nghèo bền vững, xây được nhà kiên cố, có tiền nuôi con học đại học.

Tiêu biểu như gia đình ông Bùi Văn Long, gia đình ông Bùi Huy Đoàn... thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ thu hoạch mủ sơn. Diện mạo nông thôn cũng được thay đổi, xuất hiện ngày càng nhiều hơn những ngôi nhà xây kiên cố, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tân An là một trong những xã có tiềm năng về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Toàn xã có trên 1.000 ha đất lâm nghiệp, chủ yếu trồng các loại cây nguyên liệu giấy như cây keo lai, cây mỡ... Một vài năm gần đây, cây sơn được đưa vào trồng và chiếm ưu thế hơn hẳn. Theo các hộ trồng sơn, chu kỳ của cây sơn từ 7 đến 10 năm, trồng từ 2 đến 3 năm bắt đầu cho thu hoạch mủ. Năng xuất mủ của cây sơn đạt cao nhất từ năm thứ 4 đến năm thứ 7.

Với điều kiện thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt, cây sơn có thể cho thu hoạch cả năm, tuy nhiên sản lượng mủ nhiều nhất là vào mùa thu. Từ hiệu quả kinh tế mà cây sơn mang lại, hiện nay trên địa bàn xã Tân An cùng với người dân thôn An Phú người dân ở các thôn Tân Bình, Tân Hợp và một số thôn bản khác đã đưa cây sơn vào trồng với tổng diện tích trên 50 ha.

Ông Đinh Ngọc Yên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Cây sơn trên đất Tân An hiện nay là cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định và cao hơn tất cả các loại cây trồng khác nên xã cũng đang thực hiện quy hoạch diện tích để phát triển phù hợp, giúp nhân dân ổn định sản xuất lâu dài.

Với hiệu quả kinh tế từ cây sơn mang lại, xã Tân An xác định, tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây sơn là một trong những hướng đi mới nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp, khai thác triệt để tiềm năng đất đai, để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với mức giá cao và đầu ra ổn định như hiện nay thì cây sơn có thể coi là một trong những cây trồng giúp người dân ở Tân An thoát nghèo bền vững.


Related news

phat-trien-kinh-te-tu-cay-dong-rieng Phát Triển Kinh Tế Từ… sau-rieng-mo-huong-phat-trien-cho-nam-dong Sầu Riêng Mở Hướng Phát…