Mô hình kinh tế Cây Trôm Trên Đất Hàm Thạnh

Cây Trôm Trên Đất Hàm Thạnh

Publish date Thursday. February 27th, 2014

Nếu như ở các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân của huyện Tuy Phong, cây trôm đã và đang trở thành cây trồng lợi thế, thì tại huyện Hàm Thuận Nam, loại cây này cũng đang từng bước nhân rộng...

Hàm Thạnh vốn là vùng đất thừa nắng, thiếu mưa. Nhưng là thế mạnh để phát triển cây thanh long. Những năm gần đây, một số nông dân trong xã đã mạnh dạn mở rộng thêm loại cây trồng mới, đó chính là cây trôm. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến mô hình 5 ha cây trôm của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh và chị Phan Thị Dung (thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh).

Có dịp ghé thăm trang trại của gia đình anh chị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn sắc xanh của cây trôm đang vào mùa thu hoạch mủ. Như vậy, có thể khẳng định ngoài vùng đất Tuy Phong, cây trôm đã có mặt tại vùng đất Hàm Thạnh, không kém phần xanh tốt. Anh Thanh - chủ nhà chở chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại. Anh cho biết, cây trôm được gia đình trồng từ năm 2006 đến nay.

Xuất phát từ việc tìm tòi đọc báo, xem truyền hình, nên anh nắm bắt được cây trôm rất phù hợp với vùng đất trống đồi trọc, phát triển nhanh và chịu hạn tốt. Do đó, anh mạnh dạn ra tận vùng đất Ninh Thuận tìm hiểu thêm về kỹ thuật và mua giống về trồng. Với giá cây giống thời điểm đó khoảng 4.000 đồng/ cây, gia đình anh tiến hành trồng với tỷ lệ 825 cây/ha. Sau 2 năm trồng, cây phát triển xanh tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Đặc biệt, trôm từ 3 - 4 năm cho năng suất từ 0,5 kg mủ/cây/năm. Anh Thanh nhẩm tính, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm nhờ phát triển cây trôm. Hiện nay, ngoài 5 ha cây trôm của gia đình anh, một số hộ dân khác tại địa phương đã bắt đầu trồng và nhân rộng diện tích loại cây này.

Vợ chồng chủ trang trại còn chia sẻ với chúng tôi rằng, theo kinh nghiệm và tìm hiểu của bản thân, cây trôm có rất nhiều dòng, gồm trắng, vàng, đỏ, da xanh... Trong đó, cây trôm đỏ và trôm da xanh chứa nhiều mủ hơn, nên được gia đình lựa chọn làm giống...

Mặt khác, trong mủ trôm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc… Chính vì lẽ đó, hiện mủ trôm rất được ưa chuộng trên thị trường. Ngoài giá trị lấy mủ, trôm còn là loại cây thân gỗ to, có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván sợi gỗ. Nếu phát triển, còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc...

Riêng về thị trường tiêu thụ, gia đình anh chị đang liên kết bao tiêu sản phẩm với Nhà máy mủ trôm Dương Thảo (tỉnh Ninh Thuận), với giá bán bình quân từ 150 - 200 ngàn đồng/kg mủ (khô). Qua đó, cung cấp nguyên liệu để làm nước giải khát, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ...

Ngoài Tuy Phong, việc phát triển cây trôm trên vùng đất Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam và một số địa phương khác trong tỉnh đang có xu hướng mở rộng quy mô, diện tích trồng. Tuy nhiên, hiện phong trào trồng trôm của người dân chủ yếu là tự phát. Do đó, nếu được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức thì cây trôm sẽ là cây trồng rất triển vọng của tỉnh, có giá trị kinh tế cao.


Related news

thuc-hien-nghiem-cac-bien-phap-phong-chong-dich-cum-gia-cam Thực Hiện Nghiêm Các Biện… khong-nen-tay-chay-san-pham-gia-cam Không Nên Tẩy Chay Sản…