Chăm sóc, quản lý thủy sản trong điều kiện mưa lớn
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh liên tiếp xuất hiện những cơn mưa lớn, kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm cá. Mưa lớn kéo dài, làm cho các yếu tố môi trường như: độ mặn, nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan trong ao đều bị giảm đột ngột, trong ao xuất hiện sự phân tầng nước.
PGS.TS Lại Văn Hùng - Bộ môn Nuôi trồng thủy sản nước mặn (Đại học Nha Trang)
Sự thay đổi các yếu tố này sẽ làm hạn chế khả năng di chuyển cũng như bắt mồi của thủy sản. Tôm, cá thuộc loài máu lạnh, nên nhiệt độ cơ thể thay đổi theo môi trường. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ ao nằm ngoài mức cho phép thì tôm, cá sẽ “sốc”, sức đề kháng kém, thậm chí có thể chết. Thời tiết đang nắng nóng, mưa đột ngột và kéo dài sẽ cuốn trôi các chất hữu cơ, hạt sét và nghiêm trọng hơn là rửa trôi phèn từ bờ xuống ao, làm cá tôm thiếu ôxy, tôm có thể bị đen mang do bị những vật chất lơ lửng trong nước bám vào mang. Khi không đủ lượng ôxy cần thiết, tảo trong ao, hồ không thể thực hiện được phản ứng quang hợp, tảo tàn dần. Từ đó, hàm lượng các chất độc hại tăng cao dần và vượt ngưỡng cho phép chịu đựng của vật nuôi.
Để hạn chế những tác động xấu, nên có các biện pháp phòng tránh. Theo đó, cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, trước những dự báo có mưa lớn và kéo dài, chủ động lấy nước biển vào ao. Ở những vùng có nước tràn, cần tiến hành thu hoạch trước nếu cá, tôm đã đạt kích cỡ nhằm hạn chế thất thoát do mưa lớn gây ra. Đối với các bờ ao cần bón vôi, hạn chế hiện tượng mưa rửa trôi đất trên bờ ao xuống nước. Rải vôi dọc theo bờ ao khi trời mưa với liều lượng 10 kg/100 m2. Nếu pH thấp, sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 10 - 20 kg/1.000 m3 nước ao tùy giá trị pH đo được. Khi trời mưa, giảm khoảng 20 - 30% lượng thức ăn (nhiệt độ thấp tôm cá sẽ giảm bắt mồi), vừa có thể kiểm soát mật độ tảo. Vào những ngày thời tiết âm u, thường cho thủy sản ăn trễ hơn khi mặt trời mọc, lúc đó tảo bắt đầu quang hợp đảm bảo đủ ôxy để tôm cá bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Chạy sục khí liên tục nhằm xáo trộn nước trong ao, tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế tác động xấu đến tôm, cá nuôi. Mưa kéo dài, vi khuẩn có hại gây bệnh thường bùng phát theo sự tích tụ hữu cơ trong ao. Do đó, cần sử dụng chất diệt khuẩn để giảm mật độ vi khuẩn, chọn loại thuốc tương đối an toàn và trước khi sử dụng phải kiểm tra sức khỏe của tôm, cá. Dùng mật đường riêng lẻ hoặc kết hợp với men vi sinh với liều lượng 2 - 3 kg/100 m3, định kỳ 5 - 7 ngày nhằm kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển, tăng cường phân giải các chất hữu cơ. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi quan sát hoạt động của tôm cá, nhất là thời điểm từ nửa đêm đến sáng sớm, nếu tôm cá có hiện tượng bất thường di chuyển vào mé bờ là dấu hiệu của thiếu ôxy. Cùng đó, tăng cường khả năng đề kháng cho vật nuôi bằng cách trộn Vitamin C và khoáng vào thức ăn.
Đối với những hộ nuôi cá bằng thức ăn nổi (nuôi trong ao, đìa, lồng bè trên biển), chú ý không cho ăn khi đang có mưa lớn. Vì, khi cá bắt mồi sẽ tiếp nhận một lượng nước ngọt vào ống tiêu hóa. Lượng nước này sẽ ảnh hưởng đến dịch tiêu hóa trong dạ dày, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn của cá.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao