Cây tiêu Chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây tiêu trong mùa mưa

Chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây tiêu trong mùa mưa

Author CC TT-BVTV, publish date Friday. June 8th, 2018

Hiện nay đã bước vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại dịch hại phát triển và gây hại như: Bệnh héo chết nhanh, vàng lá chết chậm, tuyến trùng, …. Để hạn chế và có biện pháp kịp thời trong phòng trừ sâu bệnh hại và chăm sóc hợp lý trong mùa mưa, hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây tiêu trong mùa mưa, như sau:

Ảnh minh họa

1. Chăm sóc: Để đảm bảo cho tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh hại cần phải có biện pháp chăm sóc hợp lý, cụ thể như sau:

a. Giai đoạn kiến thiết cơ bản.

+ Sau trồng 12-14 tháng, dây tiêu phát triển bám vào trụ cao khoảng 1,5- 1,6 m, cắt ngang dây tiêu, vị trí cắt cách gốc 25-50cm;

+ Từ các đốt dưới vết cắt phát sinh các dây thân chính, giữ lại các dây khỏe, phân bố đều xung quanh trụ làm bộ khung chính.

b. Giai đoạn kinh doanh.

+ Trên cây trụ sống: Khi trụ sống đã lớn, giao tán cần tỉa bớt cành lá để dây tiêu nhận đủ ánh sáng, mỗi năm rong tỉa 2-3 lần vào mùa mưa;

+ Sau khi thu hoạch, đến đầu mùa mưa cần tỉa những cành tược, cành lươn, cành mọc ngoài khung thân, các cành ác yếu ớt, các cành tăm nhánh, cành nhánh gốc (từ mặt đất lên 25- 35cm);

+ Việc tỉa cành, tạo tán nên tiến hành vào đầu mùa mưa để tạo dinh dưỡng cho mầm hoa vụ sau.

1.2. Bón phân.

a. Thời gian, phương pháp bón.

* Phân hữu cơ:

+ Bón 1 lần/ năm, bón vào đầu mùa mưa;

+ Đào rãnh theo mép tán, sâu 10-15cm bón và lấp đất lại, trong quá trình đào rãnh tránh làm tổn thương bộ rễ.

* Phân vô cơ:

+ Trồng mới: Sau trồng 1-1,5 tháng bón 1/3 đạm +1/3 kali, sau 2-3 tháng bón số còn lại.

+ Năm thứ 2 trở đi: Bón 3 lần/năm.

Lần 1: bón 1/3 đạm +1/3 kali + toàn bộ phân lân bón vào đầu mùa mưa.

Lần 2: bón 1/3 đạm +1/3 kali, bón vào giữa mùa mưa.

Lần 3: bón 1/3 đạm +1/3 kali, bón vào cuối mùa mưa.

+ Tiêu đã cho trái: bón 4 lần/năm.

Lần1: bón 1/4 đạm +1/4 kali + toàn bộ phân lân kết hợp với phân hữu cơ, bón trước khi kết thúc thu hoạch khoảng 10 ngày.

Lần 2: bón 1/4  đạm +1/4 kali, bón vào đầu mùa mưa.

Lần 3: bón 1/4 đạm +1/4 kali, bón vào giũa mùa mưa.

Lần 4: bón 1/4 đạm +1/4 kali, bón vào cuối mùa mưa.

b. Phương pháp bón.

- Đào rãnh theo mép tán, sâu 7-10 cm  rải phân vào và lấp đất lại;

- Ngoài bón đạm, lân, kali ra nên bổ sung thêm phân trung lượng (Ca, Mg) và vi lượng như: Bo, Zn… (trong giai đoạn kinh doanh) để hạn chế rụng hoa và quả non;

- Khi bón phân cần tránh làm tổn thương bộ rễ để ngăn ngừa nấm bệnh xâm hại.

c. Liều lượng bón.

* Phân hữu cơ:    

Năm Phân chuồng, phân rác mục… (kg/ha/năm) Phân hữu cơ xử lý (kg/trụ/năm)
Trồng mới 7-10 1-2
Năm 2;3 10-15 2-3
Năm thứ 4 trở đi >15 3-5

 

* Phân vô cơ:

Năm Phân N
(kg/ha/năm)
Phân P2O5
(kg/ha/năm
Phân K2O
(kg/ha/năm
Trồng mới 90-100 50-60 70-90
Năm 2;3 150-200 80-100 100-150
Năm thứ 4 trở đi 250-350 150-200 150-250

 

2. Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.

2.1. Bệnh chết nhanh.

* Nguyên nhân: Do nấm Phytophthra spp gây ra.

* Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp canh tác:

+  Đào rãnh, mương thoát nước trong mùa mưa;

+ Bón phân vô cơ cân đối, tăng cường bón nhiều phân hữu cơ, hạn chế phân đạm;

+ Tỉa cành, tạo tán hợp lý để tạo độ thông thoáng trong vườn, nhất là ở phần gốc thân cần cắt bỏ các lá ở tầng thấp tiếp xúc với đất là nơi có nhiều nguồn bệnh;

+ Trong quá trình chăm sóc tránh tạo vết thương cho thân ngầm và rễ;

+ Khi bệnh nặng nhổ bỏ, xử lý đất, luân canh 2-3 năm cây trồng khác rồi mới trồng lại.

- Biện pháp hóa học:

+ Dùng phun trên tán lá, sử dụng một số hoạt chất như: Dimethomorph + Mancozeb (Acrobat 90/600WP), Acid Phosphorous (Agri-Fos 400), Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG), ...

Lần 1 vào đầu mùa mưa, lần 2 vào giữa mùa mưa và lần 3 vào cuối mùa mưa,  phun đều lên cổ rễ, thân, nhánh, lá cây tiêu.

+ Hòa nước đổ gốc một trong các thuốc gốc đồng như: Copper hydrocide (Champion 77WP, Kocide 61.4DF) ,hoặc dùng Bocdo 1%... tưới vào gốc (3-5lít dung dịch nước thuốc/gốc).

- Biện pháp sinh học: Sử dụng các loại nấm đối kháng như: Trichoderma dạng bột trộn với phân hữu cơ để bón, dùng Trichoderma dạng nước phun hoặc tưới  vào gốc tiêu từ 4 – 5 lít dung dịch nước thuốc để hạn chế mật độ của nấm Phytophthora…

2.2 Bệnh chết chậm.

* Nguyên  nhân: Do các nấm như: Fusarium sp., Rhizoctonia sp.,… gây ra.

* Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp canh tác:

+ Bón phân cân đối, bổ sung phân hữu cơ cho cây;

+ Sử dụng cây cúc vạn thọ tủ gốc để diệt tuyến trùng;

+ Thường xuyên thăm vườn phát hiện bệnh sớm;

+ Hạn chế xới xáo và tưới tràn nước trong vườn tiêu.

+ Khi bệnh nặng nhổ bỏ, xử lý đất, luân canh 2-3 năm cây trồng khác rồi mới trồng lại.

- Biện pháp hóa học:

+ Có thể dùng một số hoạt chất như: Benomyl + Copper Oxychloride (Viben - C 50BTN)  0,3% (đổ 2- 4 lít dung dịch/gốc), Mancozeb + metalaxyl (Ridomil gold 68 WP) kết hợp với thuốc trừ tuyến trùng.

- Biện pháp sinh học:

+ Sử dụng các loại nấm đối kháng như: Trichoderma trộn với phân hữu cơ để bón vào gốc hạn chế nấm bệnh dưới rễ;

+ Sử dụng nấm Metarhizium bón vào đất để phòng trừ rệp sáp hại rễ;

+ Sử dụng chế phẩm sinh học SH1 liều lượng 0,5 – 1,0 kg/nọc hạn chế nấm bệnh và tuyến trùng trong đất.

2.3. Tuyến trùng.

* Biện pháp phòng trừ:

+ Tăng cường bón phân hữu cơ vì trong phân hữu cơ có các vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng và nấm bệnh. Khi bón phân tránh làm tổn thương bộ rễ của cây tiêu;

+ Tạo hệ thống rãnh thoát nước tốt , không nên để úng trong mùa mưa,…;

+ Sử dụng một số hoạt chất như: Ethoprophos (Mocap 10G, Vimoca 10G, Nokaph 10G), Cholopyrifos Ethyl (Lorban 15G),... với liều lượng 10- 20g/gốc, xử lý bằng cách đào rãnh quanh gốc, rải thuốc sau đó lấp đất lại. Xử lý 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa.

2.4. Rệp sáp (Pseudococcus sp.).

* Biện pháp phòng trừ:

+ Chăm sóc, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế lây lan;

+ Thường xuyên theo dõi, kiểm tra phát hiện cắt bỏ cành bị rệp hại đem tiêu hủy;

+ Bị hại trên mặt đất có thể dùng một số hoạt chất như: Thiamethoxam (Actara 25WC), Dimethoate (Bi 58), Cholopyrifos Ethyl (Lorban 30EC),...  phun lên bộ phận có rệp để phòng trừ. Phun 2 lần liên tục cách nhau 5 - 7 ngày để diệt lứa rệp tiếp theo;

+ Hại dưới rễ: Khi phát hiện cây vàng lá, kiểm tra có rệp sáp thì sử dụng một số hoạt chất như: Diazinon (Diazan 40 ND, Basudin 50 EC, Vibasu 10H), Cholopyrifos Ethyl (Lorban 10G),...    kết hợp với 0,5% dầu lửa tưới vào gốc, liều lượng 1-2 lít dung dich nước thuốc/1 gốc. Tưới 2-3 lần cách nhau 15 ngày. Khi xử lý cần đào đất để thuốc tiếp xúc với rệp sáp, dùng que sắt chọc thủng tổ dưới đất và tưới thuốc.

Trên đây là hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây tiêu trong mùa mưa.


Related news

nhu-cau-dinh-duong-cho-ho-tieu-ra-hoa Nhu cầu dinh dưỡng cho… trong-tieu-duoi-tan-rung-tram Trồng tiêu dưới tán rừng…