“Chấn Chỉnh” Để Tránh Phụ Thuộc Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần “chấn chỉnh” trong đầu tư phát triển, cách làm ăn để hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, việc giao thương, buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc là theo yếu tố thị trường. Hiện nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang nước này chững lại là do tâm lý. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần “chấn chỉnh” trong đầu tư phát triển, cách làm ăn để hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Sẽ xúc tiến một loạt thị trường mới
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,65 triệu tấn, đạt gần 1,2 tỷ USD. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm gần 42% thị phần, thứ 2 là Philippines chiếm gần 20%, tiếp đến là Ghana, Singapore chiếm gần 10%.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc vẫn bình thường, tuy nhiên, xuất chính ngạch có dấu hiệu chậm lại do tâm lý. Từ đầu năm đến nay, xuất chính ngạch qua Trung Quốc cũng trên dưới 1 triệu tấn.
Ông Linh cho hay, nếu thị trường Trung Quốc khó khăn, đương nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. “Vừa rồi, hiệp hội cùng một số doanh nghiệp đã xúc tiến tìm hiểu thị trường Mexico, đây là thị trường tiềm năng tốt. VFA sẽ cùng Bộ Công Thương xúc tiến một loạt các thị trường mới ”- ông Linh nói.
Còn về thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Trung Quốc cũng là thị trường mới bắt đầu, chủ yếu là Việt Nam xuất tôm. Theo ông, nhìn tổng thể, nói tác động của thị trường Trung Quốc lên toàn ngành cũng không hẳn, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động tâm lý các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể phải lựa chọn đối tác từ Trung Quốc kỹ hơn, hình thức thanh toán rõ ràng hơn để tránh rủi ro. Lãnh đạo Vasep cho hay, một số mặt hàng như tôm, do thương lái Trung Quốc mua, thuê các đơn vị của Việt Nam gia công, hình thức này có thể giảm. Đương nhiên, hàng hóa thì ai mua mình bán, nhưng cũng cần theo dõi, và có thái độ rõ ràng.
Đánh giá về tác động của thị trường Trung Quốc đến ngành thức ăn chăn nuôi (TACN), Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam -ông Lê Bá Lịch cho biết, các nguyên liệu cơ bản làm nguyên liệu TACN như ngô, khô dầu đậu tương, nước ta không nhập từ Trung Quốc, mà từ Mỹ, Brazil, Argetina, Ấn Độ.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nhập thức ăn chăn nuôi bổ sung, với kim ngạch khoảng vài chục triệu USD từ Trung Quốc. Ông Lịch cho hay, quan trọng là nguyên liệu sắn, hiện Việt Nam đang xuất sắn sang Trung Quốc hàng trăm triệu USD mỗi năm qua đường tiểu ngạch.
Nếu thị trường này bị “ách” có thể ảnh hưởng đến bà con trồng sắn, chủ yếu là đồng bào trung du, miền núi. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nơi “hút” nhiều lợn có chất lượng vừa phải, khi thị trường trong nước giá thấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đồ đỗ đạt 2,5 tỷ USD, bình quân mỗi tháng 500 triệu USD cao chưa từng có. Theo ông, điều đó chứng tỏ việc xuất khẩu sang các nước chưa có gì đáng ngại.
Hiện hợp đồng năm 2014 của các DN gỗ Việt Nam đã được lấp đầy, dự tính nếu hoàn thành sẽ đạt 6,3 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc khoảng 30%. Tuy nhiên, nhiều DN cũng đã gặp gỡ các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và mỗi nước sẵn sàng nhận thêm từ 5- 7%, nếu thị trường Trung Quốc khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn mảnh dăm, thì Trung Quốc chiếm 5,3 triệu tấn, tương đương trên 600 triệu USD. Trung Quốc cũng lấy loại gỗ thanh xẻ (từ rừng trồng) về làm khung đựng hàng, gỗ bóc mỏng về làm gỗ dán.
Nếu thị trường Trung Quốc bị “kẹt”, sẽ gây khó khăn ban đầu cho bà con trồng rừng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc. Ngoài ra, đồ gỗ cao cấp ở các làng nghề lớn như Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì chủ yếu làm hàng xuất đi Trung Quốc.
Cần cuộc “chỉnh đốn” để giảm phụ thuộc
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam phải nhập nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may khoảng 50% – 60% từ thị trường Trung Quốc, và tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu nước này thi công.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là thị trường nông sản lâm thủy sản. Theo ông Lộc, việc có một hành động “trả đũa ngược” từ Trung Quốc với Việt Nam, do Việt Nam phản đối nước này xâm phạm vùng biển chủ quyền không dễ xảy ra.
Chủ tịch VCCI cho rằng, hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam.
Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào. Ngược lại, ông Lộc cũng cho rằng, Việt Nam cũng không nên bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất từ “công xưởng của thế giới” như Trung Quốc.
“Chúng ta tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta. Nhưng chúng ta cũng cần khẳng định rằng: Mọi động thái bài xích, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam”- ông Lộc nói.
Từ góc độ DN, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Phú Thái cho rằng, đây là lúc Việt Nam nên có chiến lược rõ ràng và dài hạn về thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu (ngoài Trung Quốc), để làm đối trọng và giảm tỷ lệ phụ thuộc bào bất kỳ quốc gia nào (không quá 30%) hoạt động thương mại đầu tư. Trong đó, phải ưu tiên một số đối tác lớn như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao