Mô hình kinh tế Chăn nuôi dùng chất cấm và kinh nghiệm của Hà Lan

Chăn nuôi dùng chất cấm và kinh nghiệm của Hà Lan

Publish date Monday. November 2nd, 2015

Bản thân tôi và có lẽ nhiều người khác đều mong muốn có những địa chỉ tin cậy để mua thực phẩm cho gia đình.

Trước đây có những chủ trang trại quy mô rất lớn và rất giàu có ở Hà Lan do vi phạm các quy định dùng chất cấm đã bị bỏ tù 3 - 8 năm.

Ngày nay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Hà Lan có thể bị xử phạt tù 10 - 15 năm

Người gian làm khó người ngay

Thời gian qua, thông tin heo có chứa chất tạo nạc bị cấm, và gần đây là gà dùng chất tạo màu có thể gây ung thư lan tràn trên báo càng làm cho sự e ngại và lo lắng của người tiêu dùng tăng lên.

Nhưng phải khẳng định rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ ở quy mô nhỏ chứ không phải là đại trà.

Nhưng thông tin này ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi và kinh doanh thực phẩm.

Như vậy những người làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng theo.

Đây là vấn đề mà cơ quan nhà nước cần phải lưu ý trong kiểm soát để làm sao vừa răn đe được những đối tượng làm ăn gian dối, nhưng vẫn bảo vệ được những người làm ăn chân chính.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của VN hiện nay rất giống với Hà Lan, quê hương của tôi cách đây 30 - 40 năm.

Ngày đó, khi phát hiện các loại hormone giúp heo tăng trọng rất nhanh, rất nhiều chủ trang trại chăn nuôi đã dùng chất này để cho heo mau lớn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Nhưng sau đó, khi các nhà khoa học và cơ quan chức năng đánh giá các hóa chất này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, và lệnh cấm sử dụng được ban hành.

Để thay đổi một cách làm đang hiệu quả (với người chăn nuôi) là không dễ vì trước đó luật chưa cấm.

Tuy nhiên, Nhà nước Hà Lan đã dùng những biện pháp rất mạnh, ngoài quy định phạt tiền còn bắt bỏ tù những chủ trang trại cố tình vi phạm.

Với những biện pháp mạnh mẽ như vậy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Hà Lan không còn nữa.

Và không chỉ Hà Lan, các quốc gia thuộc EU cũng không cho phép sử dụng các loại hormone tăng trưởng này trong chăn nuôi.

Còn tại VN, hiện nay người vi phạm chỉ bị phạt hành chính với số tiền không đáng kể so với lợi nhuận họ thu được.

Còn đàn heo có sử dụng chất tạo nạc vẫn được giữ lại để đào thải hết chất cấm rồi cho buôn bán tiếp.

Theo tôi, xử lý như vậy là không hiệu quả.

Các cơ quan quản lý của VN nên tăng hình phạt đối với các hành vi buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Không chỉ phạt tiền mà còn xử lý hình sự để phạt tù những người cố tình vi phạm.

Chỉ có hình phạt nặng hơn nữa mới đủ sức răn đe những ai có ý định làm ăn gian dối, đồng thời tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ những người làm ăn chân chính.

Phối hợp kiểm tra để bảo vệ người tiêu dùng

Tiếp theo, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như thú y, thị trường, y tế...

để kiểm tra, kiểm soát các khâu chăn nuôi, giết mổ và phân phối thịt nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý.

Hiện nay đã có các loại thiết bị để kiểm tra nhanh chất cấm trong con heo và thịt heo, việc này không khó khăn gì.

Thật vô lý khi heo của VN bán qua biên giới Trung Quốc thì thương lái bên đó cũng kiểm tra chất cấm, nếu phát hiện sẽ trả về, còn người tiêu dùng trong nước lại không được bảo vệ.

Ngoài ra, việc xây dựng các chuỗi sản xuất thịt an toàn cũng cần phải được thực hiện như một giải pháp trong việc ngăn chặn sử dụng chất cấm để chăn nuôi.

Tôi nghĩ người chăn nuôi và các công ty kinh doanh nên nhìn xa hơn là tiêu thụ thịt trong nước.

Việc VN tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra một cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu thịt của VN trong thời gian tới.

Bằng việc nhập khẩu các con giống tốt, đầu tư hệ thống chăn nuôi hiện đại, giảm các loại thuế thức ăn chăn nuôi, giá thành chăn nuôi của VN đã giảm rất nhanh theo thời gian và ở mức cạnh tranh so với các nước chăn nuôi hàng đầu khu vực.

Vấn đề còn lại chỉ là nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Việc này khó nhưng không phải không làm được.

Hãy nhìn các sản phẩm mà VN xuất khẩu vào Mỹ hay EU như cá tra, tôm đông lạnh hay một số loại nông sản khác.

Rõ ràng là hàng xuất khẩu đã đáp ứng được nhu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, vậy tại sao không nâng chất lượng sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước, đồng thời mở rộng thêm thị trường xuất khẩu trong thời gian tới?

GABOR FLUIT

(tổng giám đốc De Hus vn, trực thuộc De Heus Hà Lan -

tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi)

Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Tại De Hues, chúng tôi đã làm việc với các đối tác chăn nuôi và giết mổ để xây dựng một chuỗi sản phẩm thịt heo, gà an toàn.

Theo đó, toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống đến chăn nuôi, thức ăn, vận chuyển và giết mổ, phân phối đều được quản lý và có thể truy xuất nguồn gốc.

Mỗi con heo sẽ được gắn chip điện tử để kiểm tra từ khi mới sinh đến khi đưa thịt ra thị trường.

Có như vậy mới đảm bảo không bị trộn lẫn hay gian dối trong quá trình buôn bán.

Tôi cũng được biết một số công ty khác cũng bắt đầu đầu tư vào xây dựng chuỗi cung cấp thịt an toàn.

Dù còn khó khăn, nhưng đây là cách làm hiệu quả để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng như khẳng định chất lượng thịt của VN.


Related news

nguoi-lam-muoi-va-noi-lo-bi-ep-gia Người làm muối và nỗi… ban-khoan-may-do-thuc-pham-an-toan Băn khoăn máy đo thực…