Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn

Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn

Publish date Monday. August 26th, 2013

Đó là mô hình lý tưởng được nhiều nông dân tham gia, với hỗ trợ huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông An Giang và hệ thống Khuyến nông các cấp thông qua Dự án “Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học giai đoạn 2011-2013”. Thực tế cho thấy, hiệu quả mang lại nhiều mặt cho người chăn nuôi và cả cộng đồng dân cư.

Theo ông Trương Văn Nhích, Tổ hợp tác chăn nuôi vịt an toàn sinh học Tân lập 1 (ấp Tân Lập, xã Tân An, TX. Tân Châu), do giá cả sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng) giảm, giá thức ăn tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi nên việc tập hợp thành lập tổ sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo sức mạnh tập thể… là điều hết sức cần thiết. “Từ thực trạng này, Trạm Khuyến nông Tân Châu và Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ xây dựng Tổ hợp tác Tân Lập 1 có 17 người tham gia, tập huấn kỹ thuật, kiến thức quản lý, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm” – ông Trương Văn Nhích cho biết. Đây là những hộ chăn nuôi vịt lâu đời, địa điểm chăn nuôi trên cùng một địa bàn rất thuận lợi cho việc họp hội và trao đổi kinh nghiệm, quy mô mỗi hộ từ 600 con – 1.700 con vịt/năm.

Kết quả hoạt động một năm của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt an toàn sinh học Tân Lập 1 cho thấy, số lượng nuôi 20.000 vịt đẻ, lợi nhuận gần 800 triệu đồng. “Nhờ có Hội Nông dân Tân Châu hỗ trợ vốn vay 4 hộ, với định mức mỗi hộ 4 triệu đồng, lãi suất 0,65%, hoàn vốn và lãi trong thời gian 8 tháng” – ông Nhích phấn khởi.

Việc tập trung mua sắm vật dụng, con giống, thức ăn, thuốc thú y… rẻ hơn giá cả mua đơn lẻ; chi phí đầu tư (giá thành) trên sản phẩm trứng giảm; khi bán sản phẩm thịt, trứng số lượng lớn thì liên hệ thương lái lớn, chênh lệch cao hơn 100 đồng – 200 đồng/quả trứng, tăng thêm phần lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Ứng dụng mô hình này, ông Ngô Phước Lộc (ấp Long Thạnh 2, xã Long Hoà, huyện Phú Tân) tuân thủ các giải pháp, như: Nuôi nhốt, xa khu dân cư, nghiêm ngặt theo lịch tiêm phòng vắc-xin, thường xuyên vệ sinh và tiêu độc, khử trùng… và chọn mua giống tốt, cơ sở sản xuất có uy tín, năng suất thu hoạch trứng cao hơn giống cũ 5% – 10%.

Về chất lượng, vịt thịt đáp ứng nhu cầu thị trường nên được bạn hàng và thương lái ưa chuộng; vịt xuất chuồng trọng lượng khoảng 3,5kg/con vịt mái và 4kg/con vịt trống, bán với giá 35.000đ – 40.000đ/kg.

Theo ông Hứa Long Sơn, Phó trạm Khuyến nông Tân Châu, tổng đàn vịt trên địa bàn năm 2012 có 252.730 con (vịt đàn 156.541 con), tăng 17.851 con so với năm 2011 và số lượng đều tăng liên tục qua 3 năm gần đây. Nghề nuôi vịt đàn tập trung ở các phường, xã: Tân An, Phú Vĩnh, Long Phú, Long Sơn, Châu Phong…

Triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học giai đoạn 2011-2013”, năm 2012, Trạm Khuyến nông Tân Châu phối hợp Trung tâm Khuyến nông An Giang chuyển giao cho 8 hộ chăn nuôi vịt đẻ, với số lượng 3.650 con vịt siêu trứng giống Triết Giang theo Chương trình Khuyến nông quốc gia.

Mô hình đã giúp cho người chăn nuôi tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong nghề chăn nuôi vịt đẻ, như: Giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh… góp phần thay đổi tập quán nuôi vịt chạy đồng chuyển sang phương thức nuôi nhốt tại chỗ và kết hợp chạy đồng gần có kiểm soát, giảm nguy cơ dịch bệnh tràn lan.

Do vậy, cần thông tin về lợi ích của mô hình chăn nuôi vịt hướng trứng, kết hợp khai thác nhiều yếu tố sản xuất khác (vịt – cá, vịt – lúa), gắn với thị trường thông qua cung cấp địa chỉ tin cậy (con giống, thức ăn, doanh nghiệp, cơ sở thu mua), tăng cường nghiên cứu và sử dụng thức ăn sẵn có tại địa phương để giải quyết về năng suất, hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.


Related news

giat-minh-dan-ga-long-mau-huong Giật Mình Đàn Gà Lông… heo-hoi-tang-gia-nguoi-nuoi-heo-van-lo Heo Hơi Tăng Giá, Người…