Mô hình kinh tế Chăn nuôi vào vụ cho thị trường cuối năm

Chăn nuôi vào vụ cho thị trường cuối năm

Publish date Wednesday. September 9th, 2015

Giá tăng, người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn

Sau một thời gian dài giá giảm mạnh, gần 1 tháng trở lại đây, thị trường GSGC trên địa bàn tỉnh đã có sự khởi sắc khi giá thịt heo, gà, trứng gia cầm tăng trở lại. Hiện nay, giá heo hơi đang ở mức từ 42.000 - 45.000 đồng/kg (tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg); với mức giá này, người chăn nuôi có lãi từ 500 ngàn - 700 ngàn đồng/tạ.

Giá heo giống cũng đã nhích lên theo giá heo hơi, hiện ở mức từ 60.000 - 66.000 đồng/kg; tăng 20.000 đồng/kg. Giá gà ta thả vườn đang ở mức từ 80.000 - 100 ngàn đồng/kg; gà ta nuôi trại giá 60.000- 65.000 đồng/kg. Trứng gà công nghiệp, trứng gà ta cũng tăng từ 200 - 500 đồng/quả; trứng gà công nghiệp đang ở mức từ 2.000- 2.200 đồng/quả; trứng gà ta 3.000 - 3.300 đồng/quả.

Đàn vịt của một hộ chăn nuôi ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).

Theo tính toán, với mức giá trên, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Mặt khác, một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC cơ bản đã được kiểm soát, cùng với giá thức ăn chăn nuôi khá ổn định nên người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực đầu tư khôi phục sản xuất. Với những hộ có nguồn vốn tương đối, đây thực sự là cơ hội để khôi phục, phát triển chăn nuôi, gỡ lại một năm làm ăn thất bát.

Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một gia trại chăn nuôi heo ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn), cho biết: “Các năm trước, thị trường GSGC thường chỉ biến động nhẹ khoảng 2 - 3 tháng là hồi phục, nhưng năm nay do ảnh hưởng của việc một số trang trại phía Nam dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm giá heo giảm sâu và kéo dài, người chăn nuôi bị thua lỗ.

Thời điểm này, giá heo đã bắt đầu hồi phục trở lại, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Trang trại của tôi hiện vừa tái đàn nuôi 30 con heo siêu nạc để bán vào thời điểm cuối năm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm của tôi, từ nay đến cuối năm, giá heo sẽ ổn định do nhu cầu thị trường lớn hơn”.

Bên cạnh việc khôi phục đàn heo, theo khảo sát tại các địa phương như Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn…, nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm đã bắt đầu nhập gà giống để kịp có gà thịt cung cấp cho thị trường cuối năm. Hầu hết các cơ sở nuôi gà cách đây 2-3 tháng phải “treo chuồng” do giá sản phẩm thấp hiện đã nhập gà giống để nuôi trở lại, mỗi trại nuôi trung bình từ 400 - 600 con.

Ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh do hầu hết các trang trại, gia trại đều nhập gà giống về nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Thời điểm này, mỗi ngày cơ sở gà giống của tôi cung ứng khoảng 70.000 con gà giống 1 ngày tuổi, giá 19.000 đồng/con.

Tuy nhu cầu con giống phục vụ cho người chăn nuôi khá lớn, nhưng công ty vẫn giữ ổn định giá bán. Công ty có đàn gà ta bố mẹ trên 300 ngàn con nên đủ cung ứng nguồn con giống đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh.

Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Theo Sở NN&PTNT, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC vẫn còn diễn biến phức tạp, thời tiết đang chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Vì vậy, nguy cơ tái phát dịch trong những tháng cuối năm rất cao, người chăn nuôi cần đề cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh GSGC, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng ở đàn trâu, bò; “tai xanh”, dịch tả ở đàn heo..., nhằm phát hiện kịp thời và nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.

Từ ngày 10.9, lực lượng thú y sẽ đồng loạt ra quân tiêm phòng vắc-xin phòng chống dịch lở mồm long móng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Chi cục Thú y đã chuẩn bị đủ lượng vắc-xin, hóa chất để phục vụ đợt tiêm phòng này, phấn đấu có 85% đàn gia súc trong diện tiêm được tiêm phòng”.

Để giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất, cân đối cung cầu thực phẩm, ổn định thị trường cuối năm, Chi cục Thú y đã tham mưu Sở NN&PTNT có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, khôi phục đàn GSGC; chú trọng bố trí đủ nguồn con giống chất lượng tốt; kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh về giống, thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn. Đồng thời, cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi có giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ.

Theo khuyến cáo của ngành Thú y, để việc chăn nuôi hiệu quả, tránh dịch bệnh GSGC bùng phát, người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi,  thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, hợp tác chặt chẽ với cơ quan thú y để tiêm phòng cho đàn GSGC.

Vào mùa mưa lũ, chủ động đưa đàn trâu bò thả rông trên núi về nuôi nhốt tại chuồng, tích cực phòng, chống rét cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm. Tăng cường dinh dưỡng, tăng khẩu phần thức ăn, bổ sung vitamin và các khoáng chất cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, chống chịu rét, dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; chú trọng tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi mới.


Related news

guong-sang-dai-ngan Gương sáng đại ngàn doc-quyen-cua-vfa-lam-kho-doanh-nghiep-nho Độc quyền của VFA làm…