Tin nông nghiệp Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón, ngô, đậu

Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón, ngô, đậu

Author Hạ Vi, publish date Friday. December 18th, 2015

Với 3,06 tỷ USD, thức ăn chăn nuôi chiếm vị trí đầu bảng cả về khối lượng và giá trị nhập khẩu, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 42,5% thị phần), tiếp đến là Mỹ (13,1%); Brazil (8,9%)…

Trong các mặt hàng, nhiều nhất phải kể đến ngô, ước tính khối lượng nhập đã đạt 6,56 triệu tấn (tăng 58,5% về khối lượng so với năm 2014), giá trị 1,43 tỷ USD.

Theo phân tích của Bộ NNPTNT, nhập khẩu ngô tăng mạnh, một phần do chăn nuôi trong nước phát triển, một mặt nguồn ngô trong nước ngày càng giảm do nhiều địa phương bỏ trồng ngô.

Dự báo, khối lượng ngô nhập khẩu năm nay sẽ đạt mức kỷ lục là 8 triệu tấn do nhu cầu chăn nuôi cuối năm tăng mạnh.

Hạt điều cũng là mặt hàng có khối lượng nhập khẩu lớn với 808.000 tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,05 tỷ USD, tăng 47,5% về khối lượng và tăng 74% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện nhu cầu chế biến điều để xuất khẩu đang tăng là nguyên nhân chính dẫn tới việc chúng ta phải nhập khẩu nhiều hạt điều  nguyên liệu.

Phân bón cũng là mặt hàng có khối lượng nhập khẩu lớn với hơn 4 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,28 tỷ USD, tăng 12% về khối lượng và tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng là do một số nhà máy phân bón trong nước chậm đi vào sản xuất, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu mặt hàng này.

Lúa mì cũng là mặt hàng có xu hướng nhập khẩu tăng.

Đến thời điểm này, khối lượng nhập khẩu lúa mì đạt 2,43 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 625 triệu USD, tăng 29,9% về khối lượng và tăng 6%.

Thị trường nhập khẩu lúa mì chính là Úc, chiếm tới 52,5%; tiếp đến là Brazil chiếm 14,1% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.

Các mặt hàng khác như thuốc trừ sâu, thủy sản, cao su, gỗ… cũng có xu hướng nhập khẩu tăng nhẹ.

Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chỉ đạt 27,41 tỷ USD, giá trị thặng dư thực chất mà ngành nông nghiệp mang lại chỉ đạt trên 6 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo ban đầu.


Related news

ca-cao-viet-nam-phat-trien-dung-huong Ca cao Việt Nam phát… than-duoc-atiso-do-ban-day-duong-sai-gon Thần dược atiso đỏ bán…